Tất cả vì học sinh
Ðà Nẵng là một trong số ít địa phương ban hành nghị quyết về việc triển khai tổ chức bán trú cho học sinh cấp tiểu học 2 buổi/ngày, cũng là địa phương được đánh giá chăm lo tốt cho các cấp học, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dạy, học tại bậc tiểu học. Việc các trường tiểu học hiện nay tổ chức lại bếp ăn bán trú theo hướng tăng tính cạnh tranh, cải thiện chất lượng, thể hiện tính chuyên nghiệp, công khai, bài bản và góp phần giảm tải khối lượng công việc để nhà trường tập trung vào hoạt động chuyên môn.
Chúng tôi có mặt tại bếp ăn bán trú Trường tiểu học Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu) và được khoác áo bảo hộ an toàn thực phẩm khi thực hiện tác nghiệp tại khu vực chế biến thức ăn cho học sinh. Hơn một năm nay, nhà trường đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần LA RI Việt Nam để nấu ăn cho học sinh đăng ký bán trú tại trường. Khu vực bếp ăn được công ty đầu tư cải tạo lại, hệ thống bếp xây dựng đúng yêu cầu về các khâu từ chuẩn bị thực phẩm tươi sạch, đến chế biến thức ăn, bảo quản… Bộ phận cấp dưỡng mang bảo hộ lao động, đeo khẩu trang y tế nghiêm ngặt theo quy định của công ty trong suốt thời gian làm việc. Khu vực bếp ăn được theo dõi qua camera từ phía công ty, những người không phận sự sẽ không được vào. Các suất ăn sau khi được chuẩn bị xong và cho vào khay i-nốc, được đậy kín và phân vào từng thùng nhựa bảo đảm vệ sinh, vận chuyển đến từng lớp học, kèm trái cây tráng miệng. Phía nhà trường phân công nhiệm vụ cho cán bộ quản lý bán trú, nhân viên y tế giám sát thực hiện bếp ăn, từ nhập nguyên liệu đến kiểm định nguyên liệu, quá trình chế biến và chia khẩu phần. Những hình ảnh của các khâu từ tiếp phẩm đến chế biến, phân chia khẩu phần ăn… đều được phía công ty gửi vào nhóm của Ban chỉ đạo bán trú nhà trường và Hội phụ huynh học sinh để theo dõi và giám sát.
Ông Nguyễn Minh Trường, Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh Trường tiểu học Phan Phu Tiên cho biết: Dù doanh nghiệp tham gia tổ chức bếp ăn bán trú trong trường học nhưng phụ huynh vẫn được quyền tham gia kiểm tra, giám sát hằng ngày, thậm chí đột xuất các bếp ăn. Sự cạnh tranh ngày càng cao buộc các doanh nghiệp phải tự đổi mới, hướng đến chuyên nghiệp hơn; nhà trường, phụ huynh giám sát chặt để mang đến bữa ăn tốt nhất cho con em.
Chia sẻ về việc tổ chức bếp ăn bán trú, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Phu Tiên Võ Thư Hiền khẳng định: Với mô hình này, ưu điểm dễ nhận thấy nhất là tính chuyên nghiệp trong tổ chức bữa ăn. Công ty có chuyên gia dinh dưỡng lên thực đơn theo khẩu phần ăn của từng độ tuổi học sinh, thành thạo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm. Ban giám hiệu nhà trường bớt được một phần áp lực, tập trung thời gian nhiều hơn cho công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh.
Tại Trường tiểu học Nguyễn Ðức Cảnh (quận Liên Chiểu), công tác bán trú vẫn do nhà trường đảm nhận nhưng từ năm học 2023-2024, trường đã thay đổi đơn vị cung ứng thực phẩm sau khi đã họp lấy ý kiến cha mẹ học sinh. Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ðiểm mới so với trước đây là doanh nghiệp đã cử một người quản trị trực tiếp đến bếp ăn theo dõi từ khâu sơ chế, nấu và chia khẩu phần cho học sinh, do đó quy trình từ nhà bếp đến nhà ăn được bảo đảm. Trước đây, thức ăn sẽ được bộ phận quản sinh chia tại lớp học nhưng giờ thì được chia trước tại khu vực bếp, sẽ bảo đảm hơn việc cân đối định lượng, dinh dưỡng.
Kiểm định đầu vào của thực phẩm
Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các trường có tổ chức bán trú, nội trú là mối quan tâm không chỉ của phụ huynh, nhà trường mà còn của toàn xã hội. Việc xây dựng bếp ăn đạt chuẩn cũng là một tiêu chí quan trọng để một trường học có tổ chức bán trú đạt chuẩn quốc gia hay không. Hiện nay tại Ðà Nẵng, Trường tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà) được chọn xây dựng bếp ăn mẫu bán trú thuộc dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) triển khai. Bếp được xây dựng chuẩn Nhật Bản, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về VSATTP và nâng cao hiệu suất hoạt động của bếp ăn. Thiết kế bếp phân chia theo từng khu vực riêng biệt như khu tiếp nhận nguyên liệu, sơ chế, chế biến, vệ sinh... với quy định trang phục khác nhau ở từng khu vực và dụng cụ làm việc được đánh dấu theo mầu sắc. Ðây là mô hình bếp ăn được đánh giá cao về chất lượng, phụ huynh học sinh rất hài lòng và Ðà Nẵng đang triển khai cho các trường đến học tập, nhân rộng mô hình bếp ăn bán trú mẫu này nhằm phục vụ tốt hơn chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Ðình Chinh (quận Hải Châu) cho biết: Trong tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh thì khâu nào cũng quan trọng. Quy trình từ khi nhận thực phẩm sống, đến sơ chế, chế biến và chia thức ăn chín về các lớp đều phải thực hiện đúng quy định, bảo đảm VSATTP. Nếu quá trình thực hiện có sơ suất hoặc chỉ cần một thành viên không chú tâm thì rất có thể xảy ra sự cố và không bảo đảm chất lượng bữa ăn cho học sinh.
Trong hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm, Trường tiểu học Lê Ðình Chinh ghi rõ, nguồn thực phẩm phải sạch, tươi, ngon, không chất phụ gia; đúng bảng kê thực phẩm đã đặt hàng về số lượng và chất lượng. Nếu thực phẩm tiếp nhận không bảo đảm theo đơn và không bảo đảm chất lượng thì nhà trường trả lại và buộc công ty thay ngay số thực phẩm đó để chế biến bữa ăn kịp thời cho học sinh. “Kiểm tra nghiêm ngặt thực phẩm đầu vào là một trong những công đoạn quan trọng. Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng việc lưu mẫu thức ăn bán trú trong ngày theo quy định để kịp thời xử lý khi xảy ra các sự việc liên quan đến VSATTP”, cô Nguyệt cho biết thêm.