Chuẩn bị kịch bản theo diễn biến dịch bệnh

Chiều 20/7, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 có buổi làm việc trực tiếp với TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Trung tâm Y tế quận Đống Đa (Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan tại khu vực Nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ. Ảnh: MINH HÀ
Trung tâm Y tế quận Đống Đa (Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan tại khu vực Nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ. Ảnh: MINH HÀ

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam khẳng định thực tiễn ở TP Hồ Chí Minh là chuyện "chưa từng gặp". Chính phủ rất chia sẻ với những khó khăn của thành phố, chia sẻ với những vất vả của nhân dân sau một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội với các mức độ khác nhau. Phó Thủ tướng cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp, trong những ngày tới số ca nhiễm vẫn còn lớn. Thành phố phải tiếp tục bóc F0 ra khỏi cộng đồng, để không tiếp tục bị lây nhiễm. 

Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, TP Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến các chuyên gia, bộ, ngành liên quan để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16 nhằm thực hiện bằng được mục tiêu đề ra là ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan trong cộng đồng. Ðồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ từ Trung ương, nhất là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia để có  phương án, giải pháp thực hiện Chỉ thị 16 có hiệu quả hơn nhằm đạt mục tiêu đã đề ra.

Chiều 20/7, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, đến nay dịch đã xuất hiện tại hơn 50 công ty trong và ngoài khu công nghiệp.

Qua điều tra dịch tễ cho thấy, các ca bệnh được phát hiện tập trung chủ yếu ở 42 ổ dịch/chuỗi lây nhiễm với biến chủng Delta. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân... Lãnh đạo tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan trung ương chi viện nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho rằng, Bình Dương cần phải triển khai hệ thống ô-xi tập trung, giảm thiểu số ca chuyển bệnh nặng; động viên, tạo điều kiện bảo vệ tối đa cho lực lượng điều trị, chăm lo đời sống vật chất cho đội ngũ tuyến đầu; cần chú ý quan tâm chăm lo đời sống công nhân lao động, hỗ trợ người lao động mất việc, đối tượng lang thang, cơ nhỡ, tuyệt đối không được bỏ sót người bị ảnh hưởng. Trong công tác phòng, chống Covid-19, với đặc thù giáp TP Hồ Chí Minh, năng lực điều trị F0 tại Bình Dương cần tính toán mức cao hơn, khi dịch bệnh tại tỉnh được khống chế thì có thể hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh kế cận. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải chuẩn bị cho kịch bản theo diễn biến của dịch bệnh, cần tăng cường năng lực để sẵn sàng ứng phó; đồng thời, cần có các biện pháp hữu hiệu để sàng lọc, kiểm soát dịch bệnh trong các khu nhà trọ công nhân lao động.

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã kiểm tra việc phòng, chống dịch tại Khu điều trị Covid-19 ở thị xã Tân Uyên; kiểm tra việc thực hiện phương án "ba tại chỗ" tại Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam ở thành phố Dĩ An; thăm và động viên Công ty cổ phần khí đặc biệt Việt Nga tăng công suất sản xuất khí ô-xi để phục vụ nhu cầu điều trị người bệnh Covid-19 tại Bình Dương…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 20/7 cả nước ghi nhận 4.795 ca mắc mới Covid-19, trong đó 6 ca nhập cảnh và 4.789 ca ghi nhận trong nước tại 35 tỉnh, thành phố. Kon Tum lần đầu kể từ khi dịch xảy ra đã ghi nhận hai ca mắc. Ngày 20/7 có 396 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 62.820 ca mắc, trong đó 60.735 ca trong nước và 2.085 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ tư kể từ ngày 27/4 đến nay là 59.165 ca, trong đó có 8.669 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 11/59 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Chuẩn bị kịch bản theo diễn biến dịch bệnh -0
Cán bộ, học viên, sinh viên Trường đại học Y - Dược Thái Nguyên lên đường đến TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19. Ảnh: PHƯƠNG THẢO 

Trong ngày 20/7, công tác phòng, chống dịch tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương triển khai. Bộ Y tế đề nghị TP Hồ Chí Minh bổ sung nhân lực hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, theo dõi các ca bệnh F0 tại khu cách ly tạm thời trong khi chờ đợi chuyển đến bệnh viện điều trị, đặc biệt là tại các điểm nóng. Chỉ đạo việc tiếp nhận và bố trí ổn định cho đoàn cán bộ, sinh viên của trường đại học, cao đẳng tham gia hỗ trợ và xây dựng kế hoạch cụ thể cho hoạt động của đoàn để tránh lãng phí nguồn lực. Cần giãn bớt lao động nhập cư ở các khu vực có nhiều nhà trọ để bảo đảm giãn cách, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại các khu vực này. Tiếp tục tăng cường xét nghiệm cho khu có nguy cơ cao và khu có nguy cơ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội chủ trì phiên họp trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhắc nhở một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc Công điện số 15 của thành phố, nhất là tại một số khu chợ, một số địa bàn người dân vẫn ra đường rất đông. Ðề nghị nhân dân Thủ đô đồng lòng với chính quyền thành phố trong thực hiện các biện pháp chống dịch để bảo vệ sức khỏe, an toàn cho cá nhân, chung tay sớm kiểm soát các chùm ca bệnh và nhắc nhở mọi người dân luôn nhớ thực hiện 5K ở mọi chỗ…

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh chủ trì buổi họp trực tuyến triển khai cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1. Theo đó, F1 có nguyện vọng được cách ly tại nhà sẽ đăng ký hồ sơ tại Trạm Y tế phường, xã nơi mình cư trú. Sau khi tiếp nhận, các trạm y tế gửi danh sách này về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã và Ban Chỉ đạo nơi tiếp nhận sẽ cử tổ thẩm định đánh giá yêu cầu cơ sở vật chất nơi cách ly mà F1 đăng ký. Thủ tục này sẽ được hoàn thành trong vòng 24 giờ. Hồ sơ đạt điều kiện được cách ly tại nhà sẽ được Tổ thẩm định gửi về Phòng Y tế quận, huyện; văn phòng UBND phường, xã để tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện ra quyết định cách ly tại nhà cho F1. Trong thời gian chờ ra quyết định, F1 sẽ được khuyến khích, hướng dẫn cài đặt phần mềm VHD (Vietnam Health Declaration).

TP Ðà Nẵng trích 1,5 tỷ đồng hỗ trợ cho 3.000 hộ nghèo, cận nghèo, bị bệnh hiểm nghèo, có người già yếu cô đơn, không nơi nương tựa, đang chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không có cha, mẹ, bị bệnh, bị tật… và các đối tượng yếu thế khác. Ðoàn xe chở hơn 40 tấn hàng hóa thiết yếu hỗ trợ đồng bào đang bị ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 đã xuất phát từ TP Sóc Trăng đến TP Hồ Chí Minh để kịp phân phối cho đồng bào thành phố vào rạng sáng 20/7. Hơn 530 tấn lương thực, thực phẩm ủng hộ người dân các tỉnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ Hà Tĩnh đã được vận chuyển vào khu vực phía nam. Tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển hơn 500 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm còn lại vào TP Hồ Chí Minh.

Chiều 20/7, đại diện phóng viên thường trú Báo Nhân dân tại Cà Mau đến trao hỗ trợ bước đầu một tấn gạo cho MTTQ thị trấn Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Số gạo trên được vận động từ cá nhân ông Bùi Ðức Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Camimex Foods, có trụ sở đặt tại phường 8, TP Cà Mau.

Trước đó, trong các ngày 17, 18 và 19/7, phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Cà Mau và một số đồng nghiệp làm báo thường trú tại địa phương vận động được 10 tấn gạo từ Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Cà Mau trao cho đại diện 10 xã, phường (bình quân mỗi đơn vị 1 tấn gạo) trên địa bàn TP Cà Mau.

Trường đại học Y - Dược Thái Nguyên tổ chức lễ xuất quân, đưa 301 thầy giáo, học viên, sinh viên tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19. Ðoàn được phân công làm nhiệm vụ tại TP Thủ Ðức, quận Tân Bình và Bình Chánh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang quyết định kể từ 0 giờ ngày 21/7, tạm dừng mọi hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh.

Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho biết, vừa có công văn gửi Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố; tăng, ni các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đề nghị: Toàn thể tăng, ni, phật tử chung tay cùng các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 bằng hành động cụ thể là hãy ở yên tại nhà, không đi ra ngoài khi không có công việc thật sự cần thiết. Ðúng 6 giờ ngày 27/7, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đồng loạt cử ba hồi chuông, trống Bát nhã tưởng niệm anh linh các Anh hùng, liệt sĩ nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Phan Hoàng Việt, Chủ tịch UBND phường Tấn Tài. Trong thời gian giãn cách xã hội, ông Phan Hoàng Việt, Chủ tịch UBND phường Tấn Tài tự ý chỉ đạo nhân viên thu lệ phí cấp giấy đi đường 10 nghìn đồng/lần đối với người dân.