Bài 2: Thay đổi tư duy trong phát triển đô thị
Hiện nay, không chỉ các đô thị lớn, các đô thị vừa và nhỏ cũng đang trong vòng xoáy chịu áp lực cạnh tranh, phát triển theo kiểu "gai mít". Ðiều này làm phân tán nguồn lực, phát triển theo quy hoạch nhưng thiếu kế hoạch, dễ chạy theo yêu cầu ngắn hạn và dễ bị các nhà đầu tư dẫn dắt, do đó, đòi hỏi phải có tư duy và cách tiếp cận mới.
Tư duy ngắn hạn
Có thể nói, hiện nay các đô thị đang phát triển dưới áp lực cạnh tranh lẫn nhau mạnh mẽ để thu hút nguồn nhân lực tài chính, chất xám và lao động. Mặc dù cạnh tranh là một yêu cầu của sân chơi phát triển cần có để các đô thị nỗ lực phát huy năng lực, sáng tạo và cung cấp môi trường sống, làm việc và giải trí với chất lượng cao nhất cho cư dân thì thực tế việc phấn đấu trở thành mũi nhọn vẫn còn khá phổ biến trong tư duy phát triển của nhiều đô thị. Phần lớn các đô thị đều xây dựng chiến lược, định hướng phát triển của riêng mình, nhưng áp lực thu hút đầu tư phát triển, áp lực từ thị trường, từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn luôn khiến nhiều chính quyền đô thị thiếu quyết liệt trong thực hiện các kế hoạch quy hoạch và định hướng đã đề ra, và thay vào đó là chạy theo yêu cầu, nhu cầu của thị trường. Phát triển trong tư thế tranh chấp lẫn nhau trên nhiều phương diện và quy mô khiến hình thành nhiều sản phẩm đô thị thiếu đi sự hỗ trợ, tương hỗ, thậm chí không có sự đa dạng, thương hiệu của các đô thị dần trở nên mờ nhạt. Hiện nay vẫn rất phổ biến việc đô thị này có cảng biển, đô thị kia cũng có cảng biển, đô thị này phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị kia cũng có khu kinh tế, khu công nghiệp tương tự. Về mặt nào đó, sự cạnh tranh tạo cho các đô thị cảm giác về sự "vận động" của chính mình và thế "tự chủ". Tuy nhiên, sự tranh chấp này lại cản trở chiến lược dài hạn và hợp tác, hạn chế xây dựng hình thành các đô thị đầu tàu và xây dựng mạng lưới đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau về vai trò, chức năng rõ ràng. Mặc dù Nhà nước có chủ trương là phát triển công bằng cho các vùng miền, sự phát triển công bằng này nên được hiểu là sự phát triển công bằng đối với chính tiềm năng và tiềm lực của chính đô thị trong mối quan hệ với hệ thống và mạng lưới đô thị, mà không phải là sự phát triển cào bằng dàn trải để các đô thị trở nên giống nhau, tranh chấp lẫn nhau. Bởi mỗi đô thị sở hữu những tiềm năng riêng về địa hình, vị trí địa lý cũng như nguồn lực văn hóa, lịch sử, quỹ di sản kiến trúc đô thị, phong tục tập quán khác nhau là những lợi thế so sánh khác nhau để định vị thế mạnh trong kinh tế đô thị của riêng mình.
Một vấn đề khác mà các đô thị đang gặp phải là phát triển nóng. Nhiều đô thị đang phát triển theo hướng dàn trải, đô thị hóa theo chiều rộng gắn với tận dụng khai thác giá trị đất đai và chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các vùng ven đô để giải quyết các nhu cầu phát triển nóng, trong khi ít đặt nặng vấn đề về sự kết nối và gắn kết giữa các khu vực phát triển mới và phát triển hiện hữu để tạo nên một thực thể đô thị toàn vẹn, thống nhất. Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Ðỗ Viết Chiến cho rằng phát triển đô thị thiếu đồng bộ, "xôi đỗ" là tình trạng khá phổ biến. Lấy thí dụ về sự phát triển của năm đô thị vệ tinh của Hà Nội, ông Ðỗ Viết Chiến phân tích, đây là mô hình chùm đô thị, vòng chung quanh Hà Nội, là để giúp cho trung tâm khỏi quá tải. Ðiểm lại đến nay, chỉ mỗi đô thị Hòa Lạc được đầu tư bài bản và sớm nhất. Nhà nước đầu tư khá lớn trong những năm qua, đưa về đó nhiều khu chức năng như: Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khu Công nghệ cao 1.600 ha, Ðại học Quốc gia… Ðấy là những yếu tố giúp tạo lập động lực phát triển đô thị gắn với tạo công ăn việc làm. Người dân có thể làm việc tại chỗ, khỏi phải đi lại, do vậy không hình thành giao thông con thoi đổ về đô thị lớn, từ đó hạn chế ùn tắc. Nhưng thực tế đến nay, khu vực này phát triển khá chậm, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vì vai trò cực hút chưa đến độ. Ðến độ ở đây chính là vấn đề hạ tầng và các yếu tố tạo lập đô thị, suốt mấy chục năm qua đến giờ vẫn lẹt đẹt. Tiếp đến là câu chuyện đầu tư kiểu vết dầu loang. Hiện nay, hướng ưu tiên đầu tư thường bị phân tán, dàn hàng ngang. Do đó, phải có kế hoạch xoay từ hàng ngang sang hàng dọc, tức là tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện, tránh hiện tượng hướng nào cũng đầu tư, dẫn đến khó kiểm soát, quản lý. Chẳng hạn, nếu tập trung cho vệ tinh Hòa Lạc để bẩy cực hút của phía tây lên, lập tức các dự án hiện nay dứt khoát đưa về Hòa Lạc. Các khu vực khác hạn chế đầu tư, như thế mới quản lý được. "Phải đầu tư thành tấm thành miếng, đồng bộ, chứ đầu tư kiểu bốn phương tám hướng thì hạ tầng nào theo kịp. Ðồng thời cần triển khai quy hoạch theo kế hoạch một cách chủ động, bài bản", ông Ðỗ Viết Chiến phân tích thêm.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, phát triển đô thị vừa và nhỏ đang bị bỏ trống nhiều vấn đề. Nguồn lực đất đai, con người tại các đô thị này còn rất lớn, trong khi nguồn lực này tại các đô thị lớn gần như cạn kiệt. Thậm chí các phần đất xen kẹt tại các đô thị lớn dành cho phát triển cây xanh, chỗ vui chơi giải trí cho người dân cũng đang trong tình trạng chuyển đổi sang xây dựng dưới sự dẫn dắt của các nhà đầu cơ bất động sản, dẫn đến hiện tượng thổi giá, xây trộm, khiến quy hoạch nham nhở, mất mỹ quan đô thị, trật tự xây dựng đô thị chưa đi vào nền nếp, không thể quản lý được. Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cần có chiến lược cụ thể về phát triển đô thị vừa và nhỏ trong quá trình đô thị hóa để giảm tải cho các đô thị lớn, tiến tới phát triển bền vững. Ðồng thời tham mưu cho Chính phủ, phối hợp các địa phương kiểm tra, rà soát các vấn đề phát triển đô thị theo chức năng, nhiệm vụ; có tổng kết, đánh giá toàn diện sự phát triển của đô thị vừa và nhỏ, từ đó có thể thí điểm, tham mưu ban hành các chính sách phù hợp.
Cân bằng trong phát triển đô thị
Trên thế giới, quan điểm phát triển hệ thống đô thị ngày càng được củng cố theo hướng phát triển đô thị vừa và nhỏ trong mối quan hệ tích cực với các đô thị lớn, cực trung tâm. Nhiều quốc gia đã xây dựng hệ thống các đô thị nhỏ hiệu quả tạo nên những thành công trong phát triển đô thị cân bằng hơn, giảm áp lực lên các đô thị lớn, tăng cường phát huy vai trò đổi mới, sáng tạo của đô thị, giảm dần khoảng cách giữa các đô thị, thúc đẩy sự chuyển dịch và quá trình đô thị hóa trong vùng. Tiến sĩ A.Vê-ga-ra - Chủ tịch danh dự của Tổ chức Fondation Metropoli, Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị và vùng thế giới (ISOCARP) cho rằng, sự phối hợp giữa các đô thị vừa và nhỏ với đô thị lớn được ví như sự phối hợp của các mặt cạnh kim cương với trung tâm của viên kim cương, không chỉ giúp tán xạ, mà còn tản xạ lại ánh sáng khiến viên kim cương sáng lấp lánh hơn. Chương trình Nghị sự về đô thị (Urban Agenda) của Liên hiệp châu Âu thừa nhận rằng các khu vực đô thị ở mọi quy mô có thể thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm cho người dân và nâng cao khả năng cạnh tranh của Liên hiệp châu Âu trong nền kinh tế toàn cầu hóa. Theo Ðặc phái viên Ðô thị của Hà Lan N.Bít-xơ, Liên hiệp châu Âu định hướng ít nhất 40% công dân sống ở các thành phố vừa và nhỏ. Các thành phố nhỏ này nằm rải rác trên khắp lục địa và đóng vai trò rất quan trọng trong việc mang lại các dịch vụ theo cách gần gũi nhất cho người dân.
Tại Việt Nam, một số địa phương đã chủ động xây dựng chương trình phát triển đô thị vừa và nhỏ, bước đầu đem lại một số tín hiệu tích cực. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, để thúc đẩy sự hợp tác giữa các đô thị, tỉnh đã tập trung thu hút nguồn lực đầu tư; tạo cơ chế huy động nguồn lực theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" trở thành giải pháp đột phá để huy động nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển chiếm khoảng 55% tổng chi ngân sách địa phương; tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án đầu tư theo phương thức PPP trên địa bàn tỉnh là 46.297 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP khoảng 5.163 tỷ đồng, chiếm 11%. Như vậy cứ một đồng ngân sách bỏ ra có thể huy động được tám đến chín đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đã hoàn thành, nhất là hạ tầng giao thông quan trọng như Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc Hạ Long - Vân Ðồn, Hạ Long - Hải Phòng kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… Ðồng thời, tỉnh đã chỉ đạo triển khai quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dự án sản xuất; ngành nông, lâm nghiệp và thủy lợi tại các địa phương; kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án cụ thể. Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ; nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước cải thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu dân cư hiện có; thu hút các dự án đầu tư hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện để nhân dân tự xây dựng nhà ở phù hợp với điều kiện thực tế. Hạn chế thu hồi đất nông nghiệp cho các mục đích khác. Tiếp tục thu hút các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư triển khai các dự án khu nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục triển khai đồng bộ và có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn do Trung ương và tỉnh đã ban hành... Ðến nay, bộ mặt các đô thị vừa và nhỏ của tỉnh đã dần đổi thay, người dân sẵn sàng ở lại xây dựng quê hương.
Một trong những mắt xích còn yếu trong phát triển hệ thống đô thị, nhất là các đô thị vừa và nhỏ là tính liên kết vùng còn yếu. Dẫn thí dụ tại khu vực miền trung, KTS Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia nhận định, thực tế rất ít các liên kết phát triển diễn ra giữa các địa phương phù hợp với nguyên lý liên kết vùng "dựa trên lợi thế phát triển và mang tính tương tác của cực tăng trưởng với các vùng kém phát triển". Liên kết vùng chưa thật sự trở thành một nguyên tắc thống nhất ở các cấp lãnh đạo địa phương trong chỉ đạo và vận hành phát triển không gian vùng. Liên kết nội vùng thời gian qua còn mang tính hình thức, ít khả thi, còn trông chờ vào nguồn ngân sách hạn hẹp của Trung ương, nhất là bị chi phối bởi lợi ích cục bộ địa phương, dẫn đến nguồn lực bị phân tán. Mặc dù trong những năm qua, vùng duyên hải miền trung nhận thức được tầm quan trọng của liên kết vùng với nhiều sáng kiến hợp tác, song chưa đủ mạnh tạo ra các tăng trưởng trong liên kết vùng… Do đó phải hình thành khung thể chế quản trị vùng, thiết lập cơ quan điều phối, quản lý, kiểm soát vùng. Trong đó yếu tố liên kết vùng là điều kiện bắt buộc có tính pháp lý để huy động nguồn lực và phân bổ lợi ích giữa các địa phương, giữa các đô thị.
Phát triển đô thị là một quá trình liên tục cần có sự đánh giá và điều chỉnh tại mỗi giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội để phù hợp hơn với thực tế và xu thế phát triển. Tại Việt Nam, xu thế phát triển của các đô thị vừa và nhỏ trong mối quan hệ với các đô thị lớn sẽ củng cố sự bền vững của toàn hệ thống đô thị. Các chính quyền đô thị cần thay đổi tư duy phát triển theo hướng mới, trong đó phát triển đô thị cần dựa trên chiến lược dài hạn, tổng thể và thống nhất, tập trung vào xây dựng động lực thực chất nhiều hơn, phát triển theo chiều sâu, công bằng với chính năng lực của đô thị…
(Còn nữa)
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 14-4-2021.