Phan Kế Toại (1892 - 1992) là người xã Ðường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Tây). Cha là một chức quan trong chế độ phong kiến. Thuở nhỏ, Phan Kế Toại được theo học phổ thông tại Hà Nội (phải khai tăng tuổi để đi học sớm, do đó năm sinh của Phan Kế Toại ghi trong giấy tờ hành chính là 1889), sau được học tiếp tại trường Hậu Bổ. Năm 1911, khi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) lên tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước thì cũng là lúc Phan Kế Toại được nhận học bổng của chính quyền bảo hộ đương thời để đi du học tại trường Hành chính thuộc địa Paris (thủ đô nước Pháp). Một thanh niên với cơ hội học hành và thăng tiến được "lập trình sẵn" như thế đã gặp người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tại Paris và hỏi: "Theo anh, tôi có nên học trường này không?". Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã trả lời: "Tôi cũng muốn xin vào học trường này nhưng họ không cho. Tôi muốn có kiến thức để mai sau làm việc cho đất nước. Anh nên học. Sau này, có việc gì tôi sẽ tìm anh".
Năm 1914, Phan Kế Toại tốt nghiệp, về nước, được bổ làm Tri huyện. Con đường công danh của cụ khá thuận lợi. Năm 1942, cụ được bổ nhiệm làm Tổng đốc Thái Bình. Tuy là một chức quan hàng đầu trong bộ máy hành chính nhưng cụ đã tìm mọi cách để không thi hành hoặc chỉ thi hành nửa vời những chỉ thị của chính phủ Trần Trọng Kim nếu xét thấy những chỉ thị đó có hại cho dân chúng. Từ năm 1944, cụ đã có ý hướng về Việt Minh bằng việc ủng hộ phong trào cách mạng một tín phiếu 500 đồng bạc Ðông Dương. Ông Nguyễn Công Liệu, một cán bộ Việt Minh đã trực tiếp nhận số tiền này và chuyển lại cho chính quyền cách mạng. Theo họa sĩ Phan Kế An, con trai cụ, thì cũng trong thời gian này, cụ Phan Kế Toại đã biết rõ về những hành động của con trai mình và các bạn khi họ cùng tham gia tổ chức thanh niên yêu nước chống phát-xít Nhật. Chuyện kể rằng, một lần, cụ về quê nhưng không báo trước, lại đúng hôm chàng thanh niên Phan Kế An cắt cử một bạn về nhà mình cất giấu mấy khẩu súng mới mua được. Thấy bóng cụ, người nhà vội giấu chiếc thang đi nhưng cậu bạn của Phan Kế An thì vẫn còn đang ngồi ở trên trần nhà. Vì ngồi yên mãi một chỗ không chịu được, cậu ta lò dò bước đi, không ngờ giẫm phải chỗ trần "toóc-xi" không có dầm đỡ ở dưới. Một mảng trần sập xuống, cẳng chân cậu thanh niên cũng thụt xuống, ngay trên đầu cụ Phan Kế Toại đang ngồi uống nước ở giữa nhà. Khi hỏi rõ sự tình, cụ gọi cậu thanh niên kia xuống và bảo: "Các anh làm ăn thế thì Nhật nó beng cổ đi". Trước đó, cụ đã nhận được công văn cảnh báo của Chánh hiến binh Nhật nói về những tổ chức thanh niên, sinh viên chống Nhật, có một câu lấp lửng với ý răn đe: "Tiếc rằng trong số đó có cả quý công tử". Qua đó, có thể thấy rằng, cụ Phan Kế Toại là người có lòng yêu nước, căm ghét giặc ngoại xâm và việc cụ đến với Cách mạng là tất yếu.
Ngày 9-3-1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim đã cử Phan Kế Toại giữ chức Khâm sai Bắc Bộ nhưng chỉ đến tháng 7 cùng năm thì cụ đã xin từ chức. Ngày 17-8-1945, hai ngày trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ mới được triều đình Huế điện ra, chấp thuận cho từ chức. Vào lúc 10 giờ đêm, trước khi rời khỏi Bắc Bộ phủ, cụ đã gọi quan bảo an binh là Nguyễn Sĩ Là (là em trai của họa sĩ Nguyễn Sĩ Ngọc) cùng viên chánh quản đến phòng họp và ra lệnh: "Tuyệt đối không được nổ súng và phải mở cửa ngay khi quân cách mạng tới". Cả hai vị này đã triệu tập binh lính dưới quyền để truyền đạt mệnh lệnh của cụ Phan Kế Toại. 9 giờ ngày 19-8-1945, các đoàn thể quần chúng cách mạng kéo đến phía trước Bắc Bộ phủ và sau 5 phút thì cửa mở để tất cả tràn vào trong. Uy thế của Khâm sai Ðại thần Phan Kế Toại đã giúp cho quân cách mạng chiếm Bắc Bộ phủ một cách an toàn. 134 bảo an binh đóng ở Bắc Bộ phủ đã không có hành động nào chống đối và phần lớn trong số họ sau đó gia nhập vào đội quân cách mạng. Cụ Phan Kế Toại còn góp phần giúp cho cách mạng giành được chính quyền tại nhiều địa phương mà lại tránh được sự đổ máu không cần thiết.
Trong thời gian phát-xít Nhật hoành hành, chúng đã bắt các quan lại người Việt đi hiểu dụ dân chúng phá lúa để trồng đay và nộp thóc cho Nhật. Trong tình thế khó xử, Phan Kế Toại đã chọn cách cáo ốm để không thực hiện lệnh tàn bạo này.
Năm 1947, khi thực dân Pháp gây hấn ở Hà Nội, Phan Kế Toại đang sơ tán ở Thanh Lũng (Sơn Tây) thì nhận
được thư của Hồ Chủ tịch mời lên chiến khu Việt Bắc tham gia Chính phủ kháng chiến. Cụ đã nói với người con trai - họa sĩ Phan Kế An - cũng là để nói với chính mình, rằng: "Cụ Hồ là người đức độ, trước sau như nhất". Cụ đã được giao làm quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào năm 1947. Ngày 19-8-1948, cụ được cử làm Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao do Bác Hồ làm Chủ tịch. Năm 1951, cụ giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Năm 1955, tại Ðại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cụ Phan Kế Toại được bầu vào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sau đó tham gia Ðoàn Chủ tịch Mặt trận. Ngày 20-9-1955, cụ được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và giữ chức vụ đó hai nhiệm kỳ (1955 - 1958) và (1958 - 1961). Cụ đã phát huy lòng yêu nước bằng tất cả nhiệt tâm và trí tuệ của mình, có nhiều đóng góp lớn cho Cách mạng, được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Năm 1961, cụ được nghỉ hưu.
Ðó là nói về việc công. Còn trong đời thường, cụ cũng đã để lại dấu ấn của một người con quê hương Ðường Lâm của xứ Ðoài cổ kính, dẫu có đi đâu cũng luôn nhớ về và mong muốn quê hương vươn tới ấm no, giàu đẹp. Sinh trưởng trong một gia đình Nho học, cụ luôn có tác phong đàng hoàng, đĩnh đạc. Cách đối nhân xử thế của cụ khiến mọi người kính phục. Cụ luôn nhìn cuộc sống và con người dưới con mắt "động": Chẳng hạn, đối với đám trẻ nhỏ đang dự ngày giỗ ông nội của mình (sinh thời là quan Tuần), vào khoảng trước năm 1930, cụ cũng bảo người nhà bày biện mâm bát đàng hoàng, vì cho rằng trong số trẻ đó sau này sẽ có đứa thành danh hơn bậc cha chú hiện thời. Ðó là tư tưởng gần dân, trọng dân, rất nhân văn và biện chứng.
Phan Kế Toại còn là người đem nghề mưu sinh về làng Ðường Lâm để vực dậy cuộc sống của bao người nghèo khổ. Vào khoảng sau năm 1940, cụ đưa về một thợ làm nón Chuông, dạy dân làm áo tơi lá, nón lá. Lớp học mở ngay trong từ đường họ Phan nhưng rồi nghề này nhanh chóng tan rã vì sản phẩm làm ra giá quá rẻ mạt, lại bị nhìn nhận là "nghề ăn mày". Chỉ sau đó ít lâu, cụ đã đem sợi của Nhà máy sợi Nam Ðịnh về cho dân làng làm gia công, tức là dệt bán thành phẩm. Ðời sống người dân nhích lên. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhà máy sợi đóng cửa, nghề của dân lại bị đình đốn. Tuy nhiên, trong cái sự rủi ro đã hé ra cách nghĩ, cách làm mới: phải chú ý đến việc nâng cao kỹ nghệ, gây dựng nghề, chăm chút cho nghề, lại phải chú ý đến thương mại, bán buôn.
Thời gian làm Tổng đốc Thái Bình, cụ cũng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân chúng. Ông Hoàng Văn Khảm, quê Thái Bình, trú ở số 2, ngõ 279, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, đã thờ ảnh cụ ông, cụ bà Phan Kế Toại ở nhà mình, đến năm 2000 mới nhờ chuyển lại cho con cháu cụ. Ðiều đặc biệt là người được nhờ chuyển giúp hai bức ảnh đó là Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải. Tháng 2-2001, Thủ tướng đã trao lại hai bức ảnh cho họa sĩ Phan Kế An, trong Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ ba họp tại thành phố Hồ Chí Minh.
Khi cụ Phan Kế Toại mất, các nghi thức lễ tang được tiến hành trang trọng theo nghi thức Nhà nước dành cho các bậc công thần: linh cữu được phủ quốc kỳ, chôn cất tại Nghĩa trang Mai Dịch.