Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở Phủ Chủ tịch (1946)
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở Phủ Chủ tịch (1946)

Ðể hiểu rõ vấn đề này, thông qua lời kể của các nhân chứng lịch sử như Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Vũ Kỳ... và các nguồn tài liệu, chúng ta hãy  cùng nhau tìm hiểu bối cảnh của những ngày tháng ấy, để thấy rõ hơn cách xử sự vô cùng sáng suốt, khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay từ khi bị phát-xít Nhật đảo chính, người Pháp chưa khi nào từ bỏ dã tâm chiếm lại Ðông Dương. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, người Pháp vẫn không chịu chấp nhận sự thật hiển nhiên ấy, trái lại họ vẫn tìm mọi cách để hòng quay trở lại.

Ngay từ 23-9-1945, nghĩa là sau Cách mạng Tháng Tám có hơn một tháng, người Pháp đã gây hấn ở Sài Gòn và đưa chiến tranh lan rộng khắp miền nam. Trước dã tâm ấy, bằng tất cả khả năng có thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng ta đã tìm mọi cách để giữ gìn hòa bình. Từ việc phải ký Hiệp định sơ bộ 6-3, chấp nhận cho một bộ phận nhỏ quân đội Pháp kéo vào Hà Nội; cử phái đoàn đàm phán ở Hội nghị Ðà Lạt và Fontainebleu; đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp, trực tiếp ký tạm ước 14-9; rồi liên tiếp những ngày đầu tháng 12 năm 1946 gửi thư cho Quốc hội và Chính phủ Pháp, tố cáo, lên án các hành động khiêu khích, tàn sát nhân dân của quân đội Pháp, kêu gọi vãn hồi hòa bình.... Tất cả những thiện chí ấy đều không được người Pháp đáp lại, bởi vì họ chỉ có một mục tiêu: kiên quyết tiến công hòng xóa bỏ Chính phủ Hồ Chí Minh.

Sau khi gây hấn hòng cướp chính quyền ở Hải Phòng và Lạng Sơn, vào tháng 11 năm 1946, sang tháng 12 quân Pháp đã chuẩn bị để lặp lại việc đó ở ngay thủ đô Hà Nội.

Ngày 17-12-1946, quân Pháp bất ngờ và vô cớ đưa xe tăng và binh lính đến gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở phố Hàng Bún (Hà Nội), trưa chúng lại dàn quân ra chốt giữ từ cổng thành đến tận cầu Long Biên và bao vây gây sức ép đồn Công an quận 2 của ta.

Trưa 18-12, Bộ Chỉ huy quân đội Pháp gửi cho Chính phủ Việt Nam tối hậu thư thứ nhất, tự cho mình cái quyền đem quân đến đóng ở Sở Tài chính và nhà viên Thống đốc giao thông ở đường Pasquier (tức đường Ðiện Biên Phủ bây giờ - Chu Ðức Tính), đồng thời đòi quân đội Việt Nam phải phá hủy các ụ chiến đấu.

Ngay chiều 18, chưa cần biết ta có chấp nhận hay không, chúng đã điều quân tới để chiếm giữ hai vị trí trên và cho xe tăng cùng bộ binh đi càn phá các ụ chướng ngại. Chiến sự cục bộ đã nổ ra ở một số chiến lũy và ở một số căn nhà.

Chiều 18, vào cuối giờ làm việc, quân Pháp lại gửi cho ta tối hậu thư thứ hai, cảnh cáo ngày 18 tháng 12, Công an thành phố Hà Nội đã "không làm tròn nhiệm vụ". Và đe dọa, nếu tình trạng đó kéo dài thì sáng ngày 20-12-1946 "quân đội Pháp sẽ tự mình đảm nhiệm việc trị an ở Hà Nội".

Và đến sáng ngày 19, chúng lại gửi tối hậu thư thứ ba với nội dung và lời lẽ láo xược hơn: chúng đòi ta phải tước vũ khí của Tự vệ tại Hà Nội, phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến, phải trao cho quân đội Pháp việc duy trì an ninh trong thành phố.

Tình hình đã đến lúc cực kỳ căng thẳng, bởi vì từ sau Hiệp định sơ bộ 6-3, hơn 6.500 quân Pháp đã vào đóng xen kẽ với ta ở 45 điểm trong thành phố Hà Nội. Ðể quân Pháp nổ súng đánh trước thì ta sẽ lâm vào bị động và thế trận dễ bị chia cắt.

Từ những ngày cuối tháng 11 năm 1946, để tránh những hành động uy hiếp của kẻ thù, Bác Hồ đã chuyển ra ngoại thành Hà Nội, và từ tối 3-12-1946 Người về ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc, thị xã Hà Ðông, tỉnh Hà Tây.

Ðể có thể kéo dài hơn những giờ phút hòa bình quý giá và thể hiện thiện chí của ta, sáng ngày 19-12 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi cho Xanh-tơ-ny, Ủy viên Cộng hòa Pháp ở miền bắc Ðông Dương: yêu cầu cùng ông Hoàng Minh Giám "tìm giải pháp để cải thiện bầu không khí hiện tại".

Nhưng khi đồng chí Hoàng Minh Giám, Thứ trưởng Ngoại giao của ta yêu cầu gặp, Sainteny đã khước từ, nói là sẽ tiếp vào ngày hôm sau. Nhưng hôm sau đã là ngày 20 tháng 12 - ngày mà quân đội Pháp đã đơn phương quyết định: "Tự mình đảm nhiệm việc duy trì an ninh trong thành phố".

Ngôi nhà tại làng Vạn Phúc,
thị xã Hà Đông, nơi Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã ở, làm việc
và viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946).

Thấy trước được khả năng tất yếu sẽ phải xảy ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã tích cực và chủ động chuẩn bị cho ngày toàn quốc kháng chiến. Ðến lúc này, việc di chuyển các cơ sở sản xuất, đặc biệt là máy móc cơ khí, các trạm quân y, các cơ quan không có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu đã cơ bản hoàn thành. Hàng vạn tấn muối cũng đã được đồng chí Nguyễn Lương Bằng tổ chức chuyển lên chiến khu.

Thế trận đã bố trí sẵn sàng, toàn dân, toàn quân tuy trang bị vũ khí chưa đầy đủ, còn rất thiếu thốn do hoàn cảnh của ta khi ấy, nhưng về tinh thần, đều đã đồng lòng trên dưới chung một lời thề: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!".

Ðể động viên hơn nữa khí thế của toàn dân, để biểu lộ ý chí kiên quyết chiến đấu hy sinh cho độc lập tự do của toàn thể dân tộc, trong những ngày ở Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Ðảng, Chính phủ chuẩn bị lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Trong không khí của những ngày quyết chiến đang một đến gần, trong khí thế hừng hực của toàn quân, toàn dân, những dòng chữ được Người viết ra trong căn buồng nhỏ, bên ngọn đèn dầu le lói giữa những ngày mùa đông giá rét căm căm, đã phản ánh đầy đủ thiện chí hòa bình, lòng kiên quyết, chí hy sinh của dân tộc ta vì tự do, độc lập.

Lời kêu gọi Người viết rất ngắn, súc tích chỉ có hơn 200 chữ nhưng đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, trình bày lập trường và nguyện vọng thiết tha với hòa bình của dân tộc ta, biểu lộ rõ càng thiết tha với hòa bình, càng kiên quyết đập tan mọi âm mưu quỷ kế của bọn phá hoại hòa bình. Người cũng đã vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đồng thời khẳng định cuộc kháng chiến sẽ nhất định đi đến thắng lợi vẻ vang.

Ðọc lời kêu gọi của Người, mỗi người dân Việt Nam dù tôn giáo, chính kiến, thành phần, dân tộc, nhận thức có khác nhau, song đều được gặp ở một hợp điểm: Là người Việt Nam, nay Tổ quốc lâm nguy, thì ai ai cũng phải đứng lên đánh thực dân Pháp, bằng bất cứ vũ khí gì, bằng bất cứ cách nào, miễn là góp được công sức cho công cuộc kháng chiến của dân tộc.

Hai buổi chiều liên tiếp 18 và 19 tháng 12, Hội nghị Thường vụ Trung ương Ðảng mở rộng đã được triệu tập ở làng Vạn Phúc. Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng đã nhận xét việc quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn hồi tháng 11, việc khiêu khích ở thủ đô chứng tỏ Pháp đã cắt mọi con đường đàm phán và cố tình gây ra chiến tranh xâm lược.

Hội nghị cũng thấy rằng ta đã hết sức nhân nhượng, nhưng hiện nay không còn con đường nào khác là phải đứng lên tiến hành kháng chiến trên quy mô cả nước. Hội nghị đã nghiên cứu và thông qua văn kiện "Toàn dân kháng chiến" do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh dự thảo.

Ðây là bản chỉ thị nêu rõ đường lối, chính sách và cách tiến hành cũng như lực lượng của cuộc kháng chiến. Chỉ thị của Ðảng cũng đã khẳng định cuộc kháng chiến tuy lâu dài, gian khổ nhưng nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang. Ðặc biệt, Hội nghị Thường vụ Trung ương đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị góp ý kiến cho lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Người soạn thảo. Các đồng chí đã thảo luận và được Người đồng ý cho sửa thêm một số chữ vào lời kêu gọi. Ðây là một cách làm việc dân chủ và là nền nếp thường xuyên của Người.

Trưa ngày 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng điện cho các khu và các tỉnh: "Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước vũ khí khí giới của Quân đội, Tự vệ, Công an ta. Chính phủ đã bác bỏ tối hậu thư ấy, như vậy chỉ trong 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Tất cả hãy sẵn sàng!".

Quyết giành chủ động trong chiến tranh, phá tan ngay từ đầu âm mưu đánh úp của thực dân Pháp, theo chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang đã quyết định mở cuộc tiến công lớn trên quy mô toàn quốc. Cuộc tiến công đó sẽ bắt đầu vào lúc 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946.

Tại Hà Nội, đúng 20 giờ ngày 19-12-1946, anh em công nhân Nhà máy Ðiện Yên Phụ phá máy, 20 giờ 3 phút, đèn điện trong thành phố vụt tắt, ít phút sau, pháo binh ta từ pháo đài Láng bắn dồn dập vào Thành. Sáng ngày 20-12, Ðài Tiếng nói Việt Nam phát Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo Cứu quốc và các báo Hà Nội như Ðồng xuân, Ðông Kinh Nghĩa Thục, Cảm tử, Tiền phong, Chiến thắng đều đăng trang trọng Lời kêu gọi của Bác Hồ. Lời kêu gọi cứu nước của Bác đã đến với các chiến sĩ đang dũng mãnh tiến công từng ngôi nhà, trụ vững từng chiến lũy... đến với những bà con thành phố đang hăng hái khuân bàn ghế, giường tủ nhà mình ra xây đắp thêm công sự cho anh em Vệ quốc. Lời Bác đã thúc giục triệu người nhất quyết xông tới, với lời thề quyết tử: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!".

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, lực lượng vũ trang Nam Ðịnh đã bao vây giam giữ 800 quân Pháp trong Nhà máy sợi gần ba tháng; ta đã đánh phá giao thông quyết liệt ở đường số 5; ở thị xã Vinh ngay từ đêm nổ súng quân Pháp đã phải hàng quân ta; ở Huế, sau 50 ngày vây đánh, ta đã diệt gần 200 tên Pháp; ở Ðà Nẵng mặc dù quân Pháp đông gấp bội (gần một vạn tên) ta cũng đã hoàn thành nhiệm vụ bao vây; ngay như ở Hà Nội, trong một hoàn cảnh chiến đấu vô cùng khó khăn và chênh lệch về vũ khí, trung đoàn thủ đô mãi đêm 17-2-1947 mới rút ra khỏi nội thành, sau 57 ngày đêm chiến đấu ngoan cường trong lòng thành phố, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bao vây tiêu diệt địch, tạo thời gian cần thiết để di chuyển các cơ quan, công xưởng lên vùng chiến khu, vượt trước thời gian so với lời hứa của đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng với Bác Hồ gần một tháng.

Từ đó ngày 19-12-1946 đã đi vào lịch sử, ghi một dấu ấn chứng tỏ sự sáng suốt, quyết đoán, sự lựa chọn duy nhất đúng của Bác Hồ và Trung ương Ðảng: phải giành lấy thế chủ động tiến công, trong tình thế không còn hòa hoãn được nữa.

TS.CHU ĐỨC TÍNH
(Bảo tàng Hồ Chí Minh)