Ðồng chí Xuân Thủy (trong ảnh), tên khai sinh là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2-9-1912, tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, đột ngột từ trần ngày 18-6-1985 tại nhà riêng giữa lúc đang viết lịch sử báo Cứu quốc. Ðồng chí tham gia hoạt động cách mạng năm 1935, lần lượt đảm đương nhiều trọng trách của Ðảng và Nhà nước, đến khi tuổi cao, đau yếu vẫn tiếp tục làm việc đến phút cuối cùng - lúc này đồng chí là Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ðoàn Chủ tịch, Bí thư Ðảng đoàn Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Trên mọi mặt công tác, đồng chí đều có những cống hiến xuất sắc. Tổng Bí thư Trường Chinh viết (năm 1987): "Hơn nửa thế kỷ đấu tranh anh dũng và chiến thắng vẻ vang, Ðảng và nhân dân ta tự hào có lãnh tụ anh minh - Bác Hồ vĩ đại - và bên cạnh Người, một lớp đông đảo những học trò, những đồng chí thân cận có đức, có tài. Ðồng chí Xuân Thủy là một trong những người thuộc lớp đó".
Những người hoạt động cùng thời với đồng chí đều nhất trí, nhà cách mạng Xuân Thủy là một nhân cách văn hóa đặc sắc Việt Nam. Người ta thấy ở Xuân Thủy "một sự kiết hợp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại". Từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ 20 đến đầu thập niên 70, lúc Hội nghị Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đang sôi nổi, nhân dân nước ta hào hứng theo dõi những hoạt động của Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Xuân Thủy.
Nhà cách mạng Xuân Thủy là một nhà thơ được nhiều người biết đến. Các bài thơ do đồng chí dịch thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài ứng khẩu như "Rằm tháng giêng" (Nguyên tiêu) được đánh giá cao. Nhà thơ Sóng Hồng (bút danh của đồng chí Trường Chinh), nhận định: "Xuân Thủy là nhà thơ trữ tình cách mạng". Thơ Xuân Thủy được trích giảng trong các trường phổ thông và đại học. Nhiều bài thơ đồng chí Xuân Thủy làm vào những dịp khác nhau ở trong nước và nước ngoài, lưu truyền trong nhân dân, có người thoạt nghe nhầm tưởng là thơ thù tạc, thơ tức cảnh... nhưng càng đọc, càng nghiền ngẫm càng thấy tác giả ý tứ thâm trầm, kiến văn uyên bác, tâm hồn tinh tế và luôn thấm đậm tình người trong thơ.
Sự nghiệp báo chí của nhà báo Xuân Thủy rất dày dặn. Ðồng chí đến với báo chí từ những năm 30 của thế kỷ 20, và có công lớn đối với báo chí cách mạng Việt Nam từ những năm 40, khi cùng Tổng Bí thư Trường Chinh làm những trang báo Cứu quốc đầu tiên tại một ngôi chùa cổ ven sông Hồng. Ðồng chí Xuân Thủy được phân công trực tiếp làm báo Cứu quốc từ thời bí mật và suốt cả thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Báo Cứu quốc là tờ báo hằng ngày duy nhất của Ðảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ riêng việc báo ra đều đặn suốt gần 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, có thể nói đó là kỳ tích của nhân dân ta. Nhà báo Nguyễn Thành Lê, nguyên Chủ bút báo Cứu quốc, Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định: "Ðồng chí Xuân Thủy là linh hồn của báo Cứu quốc". Cán bộ cách mạng lão thành Nguyễn Văn Hải, người quản lý báo Cứu quốc thời kháng chiến viết: "Lịch sử báo Cứu quốc trong những thời kỳ khó khăn và oanh liệt nhất gắn liền với tên tuổi của Xuân Thủy".
Nhà báo Xuân Thủy là người chủ chốt, cùng một số đồng nghiệp, thực hiện chỉ thị của Bác Hồ sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam, mà tổ chức tiền thân là Ðoàn Báo chí Việt Nam (1946). Nhà báo Nguyễn Ðức Thuyết, Chủ nhiệm nhật báo Vì nước xuất bản tại Hà Nội những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, nhớ lại: Giữa lúc đất nước vừa giành lại độc lập đang bộn bề công việc đối phó với thù trong giặc ngoài, một hôm nhà báo lão thành Tiên Ðàm Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm tạp chí Tri Tân, đến rủ ông cùng nhiều người khác nữa đến trụ sở báo Cứu quốc bàn việc thành lập tổ chức của những người làm báo. Tại cuộc họp này, nhà báo Xuân Thủy nêu vấn đề: "Tình hình đất nước đang diễn ra cực kỳ phức tạp... Nay đã đến lúc các nhà báo chúng ta cần tập hợp lại vào một tổ chức, không phân biệt báo đoàn thể hay báo tư nhân... Tôi đã xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác rất hoan nghênh và nói: "Người làm báo cũng là chiến sĩ. Người cầm bút, người cầm súng, cầm gươm cùng đoàn kết trong một Mặt trận để cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc...". Từ cuộc họp chuẩn bị ấy, Ðại hội những người viết báo đầu năm 1946 chính thức thành lập Ðoàn Báo chí Việt Nam và bầu nhà báo Tiên Ðàm Nguyễn Tường Phượng làm Chủ tịch, nhà báo Xuân Thủy tham gia Ban Chấp hành Ðoàn Báo chí.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Các nhà báo tản mát về nhiều địa bàn. Tháng 4-1950, tại một địa điểm thuộc tỉnh Thái Nguyên ở Chiến khu Việt Bắc, nhà báo Xuân Thủy đứng ra triệu tập các đồng nghiệp, mở Ðại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam (từ năm 1959 đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam). Ðồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội và được Tổ chức quốc tế Các nhà báo OIJ cử vào Ðoàn Chủ tịch OIJ. Mặc dù bận nhiều trọng trách khác tại Quốc hội, Mặt trận, Trung ương Ðảng... đồng chí vẫn chủ trì Hội Nhà báo từ đầu cho đến tháng 9-1962. Chủ tịch hội Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên và duy nhất được tặng Huân chương cao quý mang tên Julius Fucik của Tổ chức quốc tế OIJ.
Vừa qua, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Xuân Thủy (1912-2012), Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia cho ra mắt bạn đọc cuốn Xuân Thủy, nhà hoạt động chính trị ngoại giao xuất sắc, nhà báo, nhà thơ lớn. Theo chúng tôi, đây là công trình phong phú, đa dạng nhất cho đến nay - tuy chưa thể nói đầy đủ - về cuộc đời và sự nghiệp nhà hoạt động cách mạng, một nhân cách văn hóa lớn thời đại Hồ Chí Minh. Cuốn sách là tư liệu quý cho những ai quan tâm nền báo chí cách mạng, giúp hội viên Hội Nhà báo hiểu biết và tri ân bậc tiền bối đã có nhiều cống hiến, người đặt nền móng xây dựng tổ chức chính trị, xã hội, nghiệp vụ hùng hậu của những người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam.