Được thành lập ngày 6-11-1989, APEC hiện gồm 21 thành viên. Ðây là diễn đàn duy nhất tại khu vực hội tụ các nền kinh tế phát triển, đang phát triển, công nghiệp mới và năng động nhất châu Á - Thái Bình Dương; đại diện khoảng 40% dân số, 54% GDP và 44% thương mại toàn cầu. Những năm qua, APEC đi đầu thúc đẩy kết nối, hội nhập kinh tế khu vực thông qua tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng và cải thiện môi trường kinh doanh. APEC ngày càng khẳng định vị thế là cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương và là một trong những cơ chế hợp tác kinh tế khu vực lớn nhất thế giới, với nhiều thành tựu nổi bật: GDP thực tế của khu vực tăng từ 15.700 tỷ USD lên 30.300 tỷ USD (giai đoạn 1989-2012), GDP bình quân đầu người tăng 36%. Thương mại hàng hóa nội khối tăng bảy lần, từ 1.700 tỷ USD lên 11.500 tỷ USD (giai đoạn 1989-2014); mức thuế trung bình giảm từ 17% xuống 5,7% (giai đoạn 1989-2012); ký 55 hiệp định tự do thương mại (FTA)…
HNCC APEC lần thứ 23 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục chuyển biến nhanh và phức tạp. Hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, song cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt. Xu thế liên kết kinh tế quốc tế phát triển mạnh mẽ, với những kết quả mang tính bước ngoặt. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn dự báo, biến động tài chính - tiền tệ gia tăng. Vòng đàm phán Đô-ha vẫn trì trệ; châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, song tiếp tục là địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. HNCC APEC lần này tập trung thảo luận các nội dung, như: Tăng trưởng bền vững, bao trùm; Liên kết kinh tế và hệ thống thương mại đa phương; Tăng cường tham gia của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; Cộng đồng bền vững và tự cường. Những chủ đề và ưu tiên kể trên phù hợp mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Dự kiến, HNCC APEC lần này sẽ thông qua “Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo APEC” và một số văn kiện kèm theo về doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, dịch vụ, tài chính, giảm nhẹ rủi ro thiên tai... Qua đó, các nền kinh tế thành viên tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy liên kết kinh tế, tăng trưởng bền vững và bao trùm, cải cách APEC phù hợp yêu cầu trong tình hình mới… nhằm duy trì vai trò của APEC trong cục diện khu vực đang định hình; khẳng định sự tăng cường gắn kết bởi lợi ích chung về duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng.
Việc gia nhập APEC vào năm 1998 đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đến năm 2006, lần đầu đăng cai HNCC của APEC, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến và lập chương trình hành động Hà Nội về thực hiện các mục tiêu Bô-go đến năm 2020, thể hiện đóng góp đầu tiên lớn nhất của nước ta. Trong suốt thời gian tham gia APEC vừa qua, Việt Nam đã đóng góp khoảng 90 sáng kiến trong tất cả các lĩnh vực. Bước vào thời kỳ phát triển mới của đất nước, APEC tiếp tục là một trong những cơ chế khu vực quan trọng trong tiến trình Việt Nam hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó coi trọng các cơ chế hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương. Nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực của Việt Nam, các thành viên APEC ủng hộ rất cao việc Việt Nam đăng cai tổ chức Năm APEC 2017. Đảm nhận vai trò Chủ tịch Năm APEC 2017 chính là cơ hội để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng về phát triển kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới; đánh dấu một đóng góp nổi bật nữa của Việt Nam trong tiến trình phát triển APEC thời gian tới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong thời gian tham dự các hoạt động chính của Tuần lễ cấp cao APEC tại Ma-ni-la, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tiến hành cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống nước chủ nhà B.A-ki-nô III nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện đang phát triển tốt đẹp trên hầu hết các lĩnh vực giữa Việt Nam và Phi-li-pin, góp phần nâng tầm quan hệ song phương. Những năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng trưởng ổn định, năm 2014 đạt gần ba tỷ USD. Ngoài hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Phi-li-pin là một mặt hàng chủ lực, hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực ngư nghiệp, thủy sản, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch. Hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận đã ký trong hợp tác an ninh, quốc phòng; đưa hợp tác biển và đại dương trở thành một trong những trụ cột chính trong quan hệ giữa hai nước. Việt Nam và Phi-li-pin phối hợp và hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ hợp tác của ASEAN cũng như tại các diễn đàn ASEM, APEC, LHQ và các diễn đàn quốc tế khác.
Tin tưởng Tuần lễ cấp cao và HNCC APEC tại Ma-ni-la cũng như chuyến công tác tại Phi-li-pin của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thành công tốt đẹp, tiếp tục thúc đẩy hợp tác và liên kết ở khu vực nói chung, góp phần nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Phi-li-pin nói riêng, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.