Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN và MT): Hiện tượng ENSO (để chỉ cả hai hiện tượng El Nino và La Nina) được dự báo sẽ duy trì trạng thái El Nino yếu từ nay cho tới khoảng tháng 7, tháng 8-2019 với xác suất từ 60% đến 70%. Đến cuối năm 2019, ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính. Như vậy, có thể nhận định, EL Nino năm 2018 - 2019 có cường độ yếu và không kéo dài. Mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so trung bình nhiều năm. Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 ít hơn so trung bình hằng năm. Có khả năng xuất hiện khoảng từ 10 đến 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và trong đó có khoảng từ bốn đến năm cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở Trung Bộ.
Về nhiệt độ năm 2019, dự báo từ tháng 4 đến tháng 8-2019, trên cả nước, phổ biến ở mức cao hơn trung bình hằng năm cùng thời kỳ khoảng từ 0,5 đến 1,0 oC. Đáng chú ý, nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm tại các khu vực Tây Bắc Bộ và Trung Bộ. Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ tháng 4 đến tháng 5 ở phía Tây Bắc Bộ; từ tháng 5 đến tháng 6 ở Đông Bắc Bộ và từ tháng 5 đến tháng 8 ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ. Về mưa lũ, đỉnh lũ trên các sông, suối khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động (BĐ) 2 và BĐ3; một số sông, suối nhỏ trên BĐ3. Lũ quét và sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ, nhiều đợt lũ quét và sạt lở đất tập trung tại vùng núi phía Tây Bắc. Trong năm 2019, tại vùng biển khu vực Nam Bộ, triều cường sẽ xuất hiện vào những ngày đầu tuần tháng 10, 11 và 12. Trong khi đó, tại vùng biển Nam Trung Bộ, nguy cơ triều cường cao tập trung vào giữa tháng 10, 11 và 12.
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết: Là cơ quan có nhiệm vụ dự báo, cảnh báo phục vụ phòng, chống thiên tai, những năm qua, lĩnh vực KTTV đã được Nhà nước quan tâm đầu tư. Đến nay, cả nước có hơn 600 trạm KTTV, hải văn, ra-đa thời tiết, định vị sét... và gần 800 trạm, điểm đo mưa. Mạng lưới trạm từng bước được hiện đại hóa, tự động hóa phục vụ đo đạc, thu thập kịp thời, chính xác số liệu KTTV, phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo khí hậu thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu. Qua đó, góp phần làm giảm các thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta hằng năm. Hiện, đã thực hiện các bản tin cảnh báo mưa lớn định lượng, trong khu vực xảy ra mưa lớn diện rộng, dự báo đến từng khu vực nhỏ với lượng mưa tích lũy từ 3 đến 6 giờ, cho đến hạn dự báo 24 giờ. Xây dựng được các bản đồ mưa cực đại cho các khu vực hiện đang, hoặc sẽ xảy ra mưa lớn diện rộng với tần suất phát hành ba giờ một lần, phục vụ ra các bản tin; bản đồ lũ quét, sạt lở đất với tần suất từ 3 đến 6 giờ/lần. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Đông Bắc Phan Văn Đoàn, hiện nay, mạng lưới trạm KTTV trên Đài KTTV khu vực còn rất thưa, số liệu quan trắc chủ yếu bằng thủ công. Đối với các tỉnh vùng núi cao, nơi có địa hình biến đổi mạnh mẽ, mạng lưới điểm đo mưa chưa đủ dày để đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác dự báo. Việc cải tiến và đa dạng hóa các bản tin, chuẩn hóa mẫu bản tin đã được thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế…
Để tiếp tục chủ động, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo về KTTV, Bộ TN và MT kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư mới và tăng nguồn lực duy trì ổn định của các hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo, truyền tin KTTV trên cả nước. Tiếp tục tăng số điểm đo mưa để bảo đảm mật độ từ 40 đến 120 km2/điểm; tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số; hệ thống dự báo thời tiết, thiên tai KTTV dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn; xây dựng mô hình dự báo bão chuyên dụng của Việt Nam; hệ thống giám sát biến đổi khí hậu toàn quốc; hệ thống giám sát hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tăng cường hợp tác song phương và đa phương để trao đổi thông tin dữ liệu KTTV.