Chớp thời cơ, nghệ thuật của đấu tranh cách mạng

NDO -

NDĐT - Trong bối cảnh Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, đẩy nhân loại vào “cái lò sát sinh lớn”, cuộc khủng hoảng thế giới thêm trầm trọng, Đảng Cộng sản Đông Dương nhìn thấy thời cơ cho cuộc đấu tranh giải phóng. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1940 đều khẳng định: sự bùng nổ tất yếu của cao trào cách mạng ở các nước thuộc địa. “Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập"1. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5-1941) dự đoán rằng: “cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa

Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. (Ảnh: Tư liệu – TTXVN)
Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. (Ảnh: Tư liệu – TTXVN)

Hội nghị xác định rằng: Muốn cuộc khởi nghĩa vũ trang thắng lợi phải có đủ những điều kiện khách quan và chủ quan, phải chọn đúng thời cơ cách mạng, trong đó, mấu chốt là phải xây dựng lực lượng toàn quốc đủ sức thực hiện thắng lợi của cuộc khởi nghĩa.

Trong thư gửi đồng bào ngày 6-6-1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: “cơ hội giải phóng đến rồi, đế quốc Pháp bên Âu đã không thể tự cứu, càng không thể cứu bọn thống trị Pháp ở ta. Đế quốc Nhật đã bị sa lầy ở Trung Hoa, lại đương gay go với Anh - Mỹ. Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần Toàn dân đoàn kết”.

Ngay khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Ban Thường vụ Trung ương họp và sau đó ra Bản chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12-3-1945. Bản chỉ thị phân tích trường hợp thuận lợi cho tổng khởi nghĩa như khi quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật, dự kiến khi quân Đồng minh "bám chắc" và "tiến được" trên đất ta, quân Nhật kéo ra mặt trận ngăn cản quân Đồng minh để phía sau sơ hở, lúc đó ta có thể phát động tổng khởi nghĩa. Trung ương Đảng nêu cao tinh thần chủ động, dựa vào sức mình của chính nhân dân ta: “dù sao ta không thể đem việc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho cuộc tổng khởi nghĩa của ta; vì như thế là ỷ lại vào người và tự bó tay trong khi tình thế biến chuyển thuận tiện”.

Với tinh thần chủ động và sự phân tích, phán đoán chính xác sự phát triển của tình hình, Đảng đã tích cực chuẩn bị lực lượng mọi mặt để đón thời cơ phát động Tổng khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được quy tụ trong Mặt trận Việt Minh với hai lực lượng chính trị và vũ trang ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo nên thế áp đảo đối với chính quyền địch.

Tháng 8-1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Ngày 15-8-1945, Nhật Hoàng tuyên bố chấp nhận những điều khoản của Hội nghị Pốt-xđam, quân đội Nhật ở Đông Dương như rắn mất đầu, hoang mang dao động đến cực độ, chính quyền bù nhìn, tay sai của chúng rệu rã, thời cơ thuận lợi cho nhân dân ta tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền xuất hiện. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ to lớn khi các lực lượng nước ngoài, theo quyết định của Đồng Minh, đang kéo vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Quân đội Pháp ráo riết trở lại Đông Dương. Các tổ chức người Việt phản quốc lưu vong gấp rút chuẩn bị theo đuôi, núp bóng quân đội Tưởng trở về nước hòng tranh đoạt chính quyền với Việt Minh.

Cách mạng nước ta đứng trước tình thế phải một mình đối phó với nhiều lực lượng quân sự nước ngoài, được pháp lý quốc tế thừa nhận, sắp sửa tràn vào nước ta. Vận mệnh dân tộc đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương phải hành động kịp thời, khôn khéo và kiên quyết, huy động cao độ trí tuệ và sức mạnh của toàn dân, giành thắng lợi trong cuộc chạy đua lịch sử giữa nhân dân ta với tập đoàn đế quốc và phản động.

Thời cơ thuận lợi hiếm hoi và ngắn ngủi, nguy cơ to lớn đang xuất hiện. Chính trong tình hình rất phức tạp đó, với tinh thần tích cực, chủ động, khẩn trương, luôn luôn theo dõi chặt chẽ sự biến đổi của tình hình để quyết định những bước đi thích hợp và kịp thời, Đảng Cộng sản Đông Dương đã phát động, tổ chức và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc với quyết tâm sắt đá: “dù có hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được thời cơ khách quan rất thuận lợi đã xuất hiện, cần tận dụng, không thể bỏ lỡ vì cần mau chóng Tổng khởi nghĩa giành chính quyền để đứng tư cách là chủ nhà đón tiếp quân Đồng minh. Thời cơ khách quan không thể trở thành hiện thực nếu điều kiện chủ quan không đầy đủ, chưa được chuẩn bị.

Quyết định sáng suốt của Đảng đã nhân lên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trực tiếp dẫn đến thành công của Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tạo một bước ngoặt vĩ đại trong sự phát triển của dân tộc Việt Nam.

Hiện thực lịch sử cho thấy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của quá trình dày công chuẩn bị với đường lối đúng đắn, năng lực dự báo chính xác thực tiễn, vạch ra những phương hướng hành động một cách khoa học trên tinh thần chủ động, tự lực, tự cường và nghệ thuật chớp thời cơ phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, hoàn toàn không phải là sự “ăn may”, càng không phải là cuộc “đảo chính”, cũng như không phải do có “khoảng trống quyền lực” lúc đó ở Việt Nam mà nhân dân ta mới giành được chính quyền mau chóng như vậy.

Bài học về chuẩn bị lực lượng và nắm bắt thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám 1945 đã tiếp tục được Đảng và nhân dân ta kế thừa, phát huy, góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn trên các chặng đường đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới.

Tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công cuộc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhân dân ta có những thời cơ và thuận lợi rất cơ bản, có nhiều cơ hội để phát triển đất nước. Sức mạnh tổng thể, vị thế đất nước được nâng cao và chủ trương đẩy mạnh hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, hòa bình, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia là xu thế không thể đảo ngược, các chế định hợp tác khu vực, hợp tác quốc tế đã và đang được hình thành,…tạo nên những thời cơ thuận lợi rất cơ bản để đất nước ta phát triển, có thể đi tắt, đón đầu trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta cũng đang đối diện với những khó khăn, thách thức to lớn. Bên cạnh bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra, chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, Đảng và nhân dân tiếp tục phát huy những bài học quý báu kết tinh từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong đó có bài học về nắm bắt thời cơ. Mấu chốt là toàn Đảng và toàn dân ta phải đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, tăng cường sức mạnh dân tộc, chủ động và nâng cao năng lực bám sát và tổng kết thức tiễn, nâng cao khả năng dự báo và kịp thời đưa ra quyết sách và lãnh đạo thực hiện quyết sách với quyết tâm cao độ.