Chống tham nhũng, câu chuyện từ Xin-ga-po

Nhiều năm liền, Xin-ga-po luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao về hiệu quả phòng, chống tham nhũng (PCTN). Thành công đến xuất phát từ mô hình PCTN hiệu lực, hiệu quả và đầy sức mạnh, được xem là kinh nghiệm tham khảo cho nhiều nước trong khu vực.

Ngay từ những ngày đầu sau khi nhậm chức, Thủ tướng Lý Quang Diệu (cầm quyền từ năm 1959 - 1990) đã tạo ra được một "môi trường trong sạch", không có tham nhũng, được ông xem là nhân tố mang tính chất sống còn đối với đảo quốc này. Chính phủ Xin-ga-po luôn thể hiện quyết tâm cao trong việc tạo môi trường trong sạch, không có tham nhũng. Kiên trì theo đuổi nguyên tắc xây dựng bộ máy công quyền trong sạch, Chính phủ Xin-ga-po ngay từ đầu đã đề ra một hệ thống luật pháp chặt chẽ, hình phạt nghiêm khắc và thành lập Cơ quan Ðiều tra tham nhũng (CPIB) hoạt động độc lập. Thành lập theo mô hình Cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng, CPIB tại Xin-ga-po thành lập từ năm 1952. Là cơ quan trực thuộc Thủ tướng, nhưng nếu Thủ tướng bị tình nghi tham nhũng, CPIB cũng có thể tiến hành điều tra. Trong trường hợp đó, CPIB sẽ xin đặc quyền của Tổng thống để tiến hành cuộc điều tra. Mỗi năm, CPIB tiến hành khoảng 300 cuộc điều tra, kể cả điều tra đến cấp Bộ trưởng.

CPIB được trao thẩm quyền lớn trong việc điều tra tham nhũng; có quyền bắt giữ những người bị tình nghi tham nhũng mà không cần Viện Kiểm sát ra lệnh; có toàn quyền tiến hành các hoạt động điều tra mà không cần Viện Kiểm sát hay cơ quan công an cho phép. CPIB có quyền khám xét, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của bất kỳ ai bị tình nghi tham nhũng. Người nào từ chối cung cấp thông tin sẽ bị phạt 2.000 đô-la Xin-ga-po (SGD) và bị kết án nhiều nhất một năm tù. Mức độ điều tra đối với người bị nghi vấn là rất kỹ, không chỉ bao gồm tài sản của người bị tình nghi, mà còn bao gồm tài sản của vợ, con và những người có liên quan; các suất học bổng, quà tặng mà vợ, con người đó được nhận; các công ty do vợ, con người đó tham gia góp vốn. Những người từ chối cung cấp thông tin, tẩu tán tài sản hay cản trở quá trình điều tra sẽ bị phạt đến 10.000 SGD. Chính những điều này đã trở thành công cụ răn đe, làm cho cán bộ không dám, không muốn và khó có thể tham nhũng, đảm bảo tính minh bạch cho quá trình điều tra và xử án.

Luôn song hành với CPIB là báo chí và giới truyền thông. Giới truyền thông được khuyến khích đưa tin và giúp phanh phui nhiều trường hợp tham nhũng. Báo chí có thể tiếp cận CPIB để trao đổi các thông tin mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Chính phủ khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các cơ quan ngôn luận đưa đầy đủ nhân thân, hình ảnh và hành vi phạm tội của kẻ tham nhũng lên mặt báo...

Chính sách chống tham nhũng của Xin-ga-po không chỉ có những quy định nghiêm minh về hình phạt mà còn bao gồm các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên - những người kế thừa và là chủ nhân tương lai của đất nước. Theo đó, ngay từ khi mới cải tổ lại CPIB, Xin-ga-po đã nghiêm túc xây dựng một chương trình giáo dục sâu rộng ý thức của người dân trong phòng, chống tham nhũng, thực hiện đồng bộ trong giới học sinh, sinh viên và trong cộng đồng. Thông qua các chiến dịch tuyên truyền rộng lớn, mọi người dân đều có thể hiểu về ảnh hưởng nghiêm trọng của tham nhũng đến sự phồn vinh của đất nước, về danh dự, lòng tự trọng, giá trị đạo đức của con người và cả dân tộc.

Ðiểm ấn tượng khác là Xin-ga-po xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ khiến người làm trong các cơ quan công quyền không dám nhận hối lộ. Nhà nước Xin-ga-po có những quy định làm cho các quan chức, công chức khi muốn nhận một thứ tài sản, tiền hoặc hiện vật nào đó ngoài tiền lương, thì rất phiền toái. Các quan chức, công chức chỉ được nhận quà với trị giá 100 SGD trở xuống. Nếu trên mức đó thì người được tặng phải tìm cách từ chối, hoặc muốn nhận thì phải làm báo cáo xin phép lãnh đạo trực tiếp và có ý kiến cho phép mới được nhận. Với giá trị phần quà vượt mức cho phép 100 SGD thì người nhận phải nộp công quỹ tính ra bằng tiền.

Tại Xin-ga-po, Chính phủ kiên quyết hợp nhất và sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp hành chính công lập để thu gọn lại đầu mối công việc và dần giảm biên chế nhà nước. Việc tinh gọn bộ máy nhà nước sẽ giúp tạo ra một nền hành chính chuyên nghiệp hơn. Hơn nữa, Xin-ga-po đang rất tích cực trong việc xây dựng Chính phủ điện tử. Ðây là một chiến lược lâu dài với việc triển khai công nghệ mới nhất để hợp lý hóa các thủ tục thuộc khu vực công, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ của Chính phủ cho mọi công dân.

Thạc sĩ Lê Hoàng Anh Tuấn

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế