Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ đã đồng tình với nhiều đề xuất, kiến nghị về tự chủ tài chính, thành lập thêm các trường đại học; về quy mô đào tạo kỹ sư, mức thu học phí và các vướng mắc về giải phóng mặt bằng của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh.
Theo Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt kỳ vọng vào nhân lực, vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Đảng đặt kỳ vọng và trách nhiệm rất lớn cho các đại học, trong đó có ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, cùng với các đại học khác, ĐHQG TP Hồ Chí Minh phải có trách nhiệm thực hiện chiến lược quốc gia, góp phần đạt được mục tiêu phát triển đất nước như đã xác định trong Nghị quyết; phải là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025, ĐHQG TP Hồ Chí Minh kiến nghị với Bộ GD và ĐT sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định mới về ĐHQG TP Hồ Chí Minh và Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG TP Hồ Chí Minh và các cơ sở giáo dục đại học thành viên theo hướng: ĐHQG TP Hồ Chí Minh được xây dựng và ban hành quy chế đào tạo riêng, theo các chuẩn mực quốc tế. Và ĐHQG TP Hồ Chí Minh được phê duyệt phương án tự chủ tài chính của các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc đại học quốc gia và báo cáo Bộ Tài chính.
Theo trình bày của ĐHQG TP Hồ Chí Minh, trong tình hình mới, Bộ GD và ĐT ủng hộ chủ trương thành lập thêm các trường đại học thành viên gồm: Trường đại học Khoa học sức khỏe (trên cơ sở phát triển từ Khoa Y) và Trường đại học Công nghệ môi trường (trên cơ sở phát triển từ Viện Môi trường và Tài nguyên)... vì đây còn là nhu cầu của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với đề án đào tạo nhân lực công nghệ phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số, ĐHQG TP Hồ Chí Minh mong muốn tăng gấp đôi số lượng kỹ sư công nghệ thông tin trong 5 năm tới (từ 4.300 lên 10.000) nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, ĐHQG TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GD và ĐT xem xét trình Chính phủ sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 32 (Nghị định số 81/2021/NĐ-CP) cho phép các cơ sở giáo dục đại học thành viên và trực thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh được xác định mức thu học phí theo Đề án chương trình chất lượng cao đã được phê duyệt trước khi Nghị định 81 được ban hành; đối với chương trình đào tạo phê duyệt sau khi Nghị định 81 có hiệu lực, được xác định mức thu trong thời gian hai năm tính từ thời điểm phê duyệt để thực hiện công tác kiểm định chất lượng.
Bộ trưởng GD và ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng tình với kiến nghị của ĐHQG TP Hồ Chí Minh về việc chính quyền hai địa phương (TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương) cần khẩn trương thêm hỗ trợ ĐHQG TP Hồ Chí Minh trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng ĐHQG TP Hồ Chí Minh trở thành hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông, là điểm kết nối giữa hai TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và Dĩ An (Bình Dương). Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, ĐHQG TP Hồ Chí Minh và ĐHQG Hà Nội là chỗ dựa quan trọng, vững chắc, tin cậy cho hệ thống giáo dục quốc gia và giáo dục đại học.
Người đứng đầu ngành GD và ĐT cũng cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển của ngành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; sau khi Chiến lược được ban hành thì hai ĐHQG cần nghiên cứu kỹ chiến lược của ngành; đồng thời với tư cách là một phần, một thành tố quan trọng trong hệ thống, hai ĐHQG sẽ xác định mình ở vị trí nào trong chiến lược đó, và thể hiện sự đồng hành sẽ bằng những hành động cụ thể. Dự báo nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật sẽ thiếu nhiều, ĐHQG TP Hồ Chí Minh có thế mạnh với hệ thống các trường, vì vậy cần đặc biệt quan tâm để tạo nguồn nhân lực cho đất nước.