Văn hóa cá nhân với thực hiện trách nhiệm giải trình

Văn hóa cá nhân (VHCN) là một yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện trách nhiệm giải trình ở bất kỳ quốc gia nào. VHCN không chỉ định hình trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày mà cả trong tác phong quản lý của cán bộ, công chức nhà nước.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn người dân làm các thủ tục nộp thuế. Ảnh | Hà Cầu
Cán bộ Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn người dân làm các thủ tục nộp thuế. Ảnh | Hà Cầu

VHCN càng phát triển thì người dân càng dễ dàng trong việc nói lên quan điểm, ý kiến trước tập thể, dám lên tiếng và yêu cầu trước hành vi sai trái ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân và xã hội. Cùng với đó, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình càng cao. Điều này cũng quyết định đến tác phong quản lý của cán bộ, công chức. Khi VHCN được đề cao, các nhiệm vụ sẽ được phân giao một cách rõ ràng, mỗi cán bộ, công chức biết được nhiệm vụ của mình, biết hành động và chịu trách nhiệm về hành động đó, không dựa dẫm và đổ lỗi cho tập thể.

Việt Nam trải qua thời kỳ nô lệ, phong kiến kéo dài với tư tưởng tập thể ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội không trải qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa càng làm cho nét văn hóa ấy vẫn còn định hình khá rõ nét trong đời sống của người dân, trong tác phong làm việc của cán bộ, công chức. Trong đời sống, mọi người có xu hướng gắn kết lại với nhau trong gia đình, làng xã hoặc tổ chức nhất định, với nhiều mối quan hệ đan xen, các sinh hoạt mang tính tập thể, tuân theo những chuẩn mực chung. Một cá nhân có chính kiến riêng cũng ngại nêu ý kiến trước tập thể nếu cảm thấy điều đó sẽ không được tập thể ủng hộ, tiếng nói cá nhân trong cộng đồng là khá yếu ớt. Trong quản lý, một quyết sách thường được đưa ra dựa trên ý kiến của tập thể, hậu quả xảy ra thường do tập thể chịu trách nhiệm, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan đã bước đầu được chú ý hơn nhưng vẫn chưa rõ nét, việc quy trách nhiệm cho một cá nhân cán bộ, công chức khi có hậu quả xảy ra là điều không dễ dàng. Chúng ta có thể thấy điều này qua thực tế một số dự án lớn nhỏ của Nhà nước từ vài tỷ đồng như xây chợ, cho đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng như xây bệnh viện, nhà máy lãng phí, kém hiệu quả nhưng rất ít khi có cá nhân bị quy trách nhiệm. Đơn cử như Dự án Khu giết mổ gia súc, gia cầm tại xã Bình Minh (Thanh Oai, Hà Nội) được phê duyệt năm 2012 với số vốn 111 tỷ đồng từ ngân sách thành phố nhưng tới nay vẫn chưa hoàn thành, trở thành nơi tập kết xương động vật gây ô nhiễm, không ai dám qua lại nhưng đến nay, người dân cũng không hiểu vì sao dự án vẫn chưa hoàn thành, không rõ trách nhiệm thuộc về UBND thành phố Hà Nội hay UBND huyện Thanh Oai?

Theo kết quả nghiên cứu về văn hóa quốc gia của Tiến sĩ tâm lý học, nhân chủng học người Hà Lan - Geert Hofstede, VHCN ở Việt Nam xếp loại ở mức thấp với 20 điểm. “Việt Nam là một xã hội tập thể chủ nghĩa... Lòng trung thành trong một nền văn hóa tập thể là tối quan trọng và vượt qua hầu hết các quy tắc xã hội và quy định khác. Một xã hội như vậy thúc đẩy các mối quan hệ mạnh mẽ, nơi mà tất cả mọi người chịu trách nhiệm cho các thành viên trong nhóm của họ. Trong các xã hội tập thể chủ nghĩa, phạm lỗi dẫn đến sự xấu hổ và mất mặt. Mối quan hệ giữa người lao động được nhận thức về đạo đức (như một liên kết gia đình), tuyển dụng và thăng chức có tính đến nhân viên trong nhóm. Quản lý là quản lý của các nhóm”.

Một rào cản đối với việc thực hiện trách nhiệm giải trình ở nước ta hiện nay là do VHCN thấp. Tại sao lại khẳng định được điều này? Về phía người dân, khi VHCN thấp dẫn tới ít xuất hiện nhu cầu yêu cầu cán bộ, công chức phải giải trình, người dân sẽ có xu hướng im lặng, “dĩ hòa vi quý” trước các vấn đề xảy ra trong xã hội, kể cả khi bị tác động, ảnh hưởng xấu, họ im lặng ngay cả khi nhìn thấy rõ những điều bất hợp lý, sai trái và hậu quả tiêu cực đang xảy ra. Chúng ta không thể quên hình ảnh đơn độc của lão nông Phạm Tấn Lực nghèo khổ đi gõ cửa hàng loạt các cơ quan quản lý nhiều năm liền để lên tiếng và yêu cầu giải thích, làm rõ trách nhiệm về những dấu hiệu gian dối của nhà thầu thi công, cơ quan quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, và hành trình của ông khá đơn độc khi đồng hành chỉ có một số rất ít các nhà báo. Về phía cơ quan nhà nước, tư tưởng tập thể khiến cho các nhà hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật phân chia trách nhiệm trong nền công vụ không rõ ràng, một nhiệm vụ thường do nhiều người, thậm chí nhiều cơ quan liên quan tới, một vụ việc xảy ra đôi khi không biết thuộc trách nhiệm chính của ai để yêu cầu giải trình. Tất cả những điều này làm cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình không phải là điều dễ dàng trong một sớm một chiều, cần thêm nhiều thời gian để phát triển VHCN, để người dân dám mạnh dạn nêu ý kiến và yêu cầu Nhà nước giải trình, để cán bộ, công chức thay đổi văn hóa quản lý, tăng cường trách nhiệm cá nhân, phân chia nhiệm vụ, vị trí việc làm một cách rõ ràng nhằm xác định trách nhiệm khi cần thiết.

Khả năng cải thiện điều kiện này trong tương lai ở Việt Nam là tương đối lớn bởi vì hiện nay, quá trình du nhập văn hóa phương Tây vào Việt Nam khá mạnh mẽ, nhiều luồng tư tưởng mới được đưa vào, trong đó có việc đề cao tiếng nói cá nhân trong tập thể, tôn trọng cá tính của mỗi con người. Giáo dục trẻ em ngày nay cũng đang định hình theo phương pháp mới để tránh thụ động, phát huy tính tự chủ, sở trường riêng của từng học sinh. Phương pháp giáo dục mang nặng tính hàn lâm, truyền thụ một chiều, học sinh ít có cơ hội phản biện trước đây cần được cải cách mạnh mẽ hơn nữa để tiếp tục tăng khả năng phản biện, hình thành nên thế hệ trẻ của Việt Nam trong tương lai là những công dân có năng lực, tôn trọng tập thể nhưng có chính kiến, dám nêu ra quan điểm riêng của bản thân, trung thực, tự chủ, sáng tạo, biết trọng danh dự của mình và người khác, có trách nhiệm với quyết định, hành vi của mình.

Nền công vụ cũng đã đề cao hơn trách nhiệm của cá nhân. Đề cao trách nhiệm cá nhân mới có thể tăng cường trách nhiệm trong công việc, giải trình và chịu trách nhiệm về kết quả công việc đó. Trong những văn bản hay tuyên bố gần đây của các nhà chính trị đã bước đầu nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu từ cấp cao cho đến các cấp thấp hơn. Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 (khóa X) nêu rõ “phân định rõ trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu cơ quan”; ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương có quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thấy trách nhiệm giải trình sẽ có yếu tố thuận lợi hơn để phát triển. Điều này cũng đặt ra đòi hỏi cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa bộ máy nhà nước theo hướng phân chia rõ nhiệm vụ giữa các cơ quan, giữa các vị trí việc làm, làm rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong tập thể, cho cán bộ, công chức thấy rõ được đâu là việc mình phải làm và phải giải trình, chịu trách nhiệm, không có điều kiện để né tránh, đổ lỗi cho tập thể.