Chính phủ, Thủ tướng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn

NDO - Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" sáng 11/8, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn trong 2 năm qua, đồng thời nêu rõ các quan điểm chỉ đạo để cộng đồng doanh nghiệp vững bước vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động thích ứng, phát triển bền vững, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nhắc lại, từ đầu năm đến nay, Việt Nam phải đối phó với cạnh tranh chiến lược, tăng giá xăng dầu do xung đột Nga-Ukraine, đối phó tăng giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh; sức ép lạm phát, chính sách thay đổi của các nước đều tác động đến doanh nghiệp Việt Nam, làm khó khăn chồng chất.

Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng, chúc mừng cộng đồng doanh nghiệp cùng đất nước, nhân dân đã vượt qua khó khăn, thu được những kết quả hết sức đáng mừng về kinh doanh, phục hồi; nhiều doanh nghiệp đạt kết quả hết sức tích cực.

Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, càng khó khăn càng đoàn kết, nhất trí, thực hiện tốt kế hoạch, yêu cầu, chiến lược đã đề ra; khôn khéo, hiệu quả vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay; kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng cam cộng khổ cùng đất nước, nhân dân vượt qua khó khăn hiện nay.

Thủ tướng tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp càng ngày càng lớn mạnh, kinh nghiệm, bản lĩnh, cùng với Đảng, Nhà nước và Nhân dân xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp với các mục tiêu, đó là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch như thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số; tạo thuận lợi cho người dân thông qua dịch vụ công trực tuyến; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân.

Chính phủ cùng các bộ, ngành, hệ thống chính trị làm tốt để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, tạo việc làm. Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc hiện nay của tất cả các loại doanh nghiệp, có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả các vướng mắc; thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, kích hoạt các nguồn lực của xã hội; làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin kịp thời.

Chính phủ, Thủ tướng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn ảnh 1

Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". (Ảnh: TRẦN HẢI)

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc, ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, Bộ Xây dựng và UBND các địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về pháp lý hoặc thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU của Liên minh châu Âu; tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, báo cáo về đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19; đơn giản hóa các quy trình hành chính hiện tại.

Các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách liên quan các doanh nghiệp như xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu; triển khai đồng bộ, hiệu quả kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Bộ Y tế tập trung làm tốt công tác tiêm chủng vaccine theo mục tiêu đề ra; thực hiện tốt Nghị quyết 38 của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động; đào tạo lại lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác quy hoạch; đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông; cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong kinh doanh, chống tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, tham nhũng vặt. Các bộ, ngành, địa phương không gây thêm khó khăn về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Về nhóm nhiệm vụ dài hạn, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp xây dựng định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn và bền vững; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt đón đầu các xu hướng kinh doanh, hướng vào chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế tri thức.

Các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, thích ứng với giai đoạn mới; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị doanh nghiệp; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong điều kiện hiện nay, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ thì doanh nghiệp cần tiếp cận và ứng dụng những thành tựu của nó vào thực tiễn, đổi mới công nghệ, áp dụng các mô hình kinh doanh mới, thân thiện với môi trường để phát triển bền vững.

Phát triển doanh nghiệp Việt Nam để không chỉ sẵn sàng tham gia vào chuyển giao công nghệ mà còn có khả năng đổi mới, sáng tạo ra những tiến bộ công nghệ mới. Làm tốt việc hỗ trợ công nhân, người lao động để nâng cao năng suất lao động, để người lao động có cuộc sống tốt hơn; các doanh nghiệp vươn lên đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính)

Phát triển doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đổi mới sáng tạo, tạo công nghệ mới; tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tăng cường hợp tác.

Cộng đồng doanh nhân cần nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế đất nước.

Doanh nhân Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực xây dựng đội ngũ doanh nhân có bản sắc Việt Nam: có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, có bản lĩnh, trí tuệ, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, không chỉ nhìn lợi ích trong ngắn hạn mà phải có chiến lược, tư duy dài hạn trong kinh doanh; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có đạo đức, văn hóa kinh doanh, góp phần chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thủ tướng nêu rõ, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh: tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và sức mạnh đoàn kết đã giúp Việt Nam “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Vì một cộng đồng doanh nghiệp chủ động thích ứng, phát triển bền vững góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, tiếp thu tối đa các ý kiến của tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn.

Mỗi doanh nhân hãy là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm trên mặt trận kinh tế, nỗ lực cùng Chính phủ sớm giành được chiến thắng trong cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.

(Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính)