Chính phủ Mỹ bị chỉ trích nếu cho phép Shell khai thác dầu ở Bắc Cực

NDO -

NDĐT – Ngày 25-3 tới, nếu Chính phủ Mỹ chính thức đồng ý cho Tập đoàn Royal Dutch Shell quay trở lại Bắc Cực khai thác dầu, nước này sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía những người tham gia chiến dịch ngăn chặn Shell thăm dò dầu tại vùng biển ngoài khơi Alaska.

Greenpeace phản đối Shell khai thác dầu trong vùng biển ngoài khơi Alaska.
Greenpeace phản đối Shell khai thác dầu trong vùng biển ngoài khơi Alaska.

Tháng trước, Cục Quản lý năng lượng biển Mỹ (BOEM) đã phê chuẩn hoạt động của Shell tại Bắc Cực, bao gồm biển Chukchi và Beaufort. Ngày 25-3, nếu Bộ Nội vụ Mỹ tán thành quyết định của BOEM, Chính phủ nước này sẽ gặp phải làn sóng phản đối từ phía những người tham gia chiến dịch ngăn chặn Shell thăm dò dầu ở ngoài khơi Alaska.

Trước đó, Bộ Nội vụ Hoa Kỳ phải thực hiện lại quá trình đưa ra quyết định, vì vào năm ngoái, Tòa án liên bang kết luận, Chính phủ đã có sai sót khi đánh giá rủi ro của chương trình khoan dầu.

Giáo sư Robert Bea của Đại học California, tác giả của một nghiên cứu đặc biệt về các tai nạn ở khu vực nước sâu, cho biết, giá dầu giảm trong thời gian qua có thể ảnh hưởng xấu tới sự an toàn của ngành công nghiệp dầu mỏ, vì các nhà sản xuất sẽ cắt giảm chi phí bằng mọi cách để duy trì mức lãi cao.

Còn theo tổ chức Greenpeace, khoan dầu trong điều kiện khắc nghiệt như ở Bắc Cực luôn gặp rất nhiều rủi ro. Charlie Kronick, thành viên của Greenpeace nói rằng: “Nếu muốn tránh khỏi các thảm họa khí hậu, chúng ta không được phép tiếp tục sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch nữa. Ông Obama cần thể hiện khả năng lãnh đạo của mình trước thềm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sắp diễn ra tại Paris. Cho phép khai thác dầu ở Alaska sẽ phá hủy uy tín của Mỹ”.

Shell từ chối đưa ra bình luận, nhưng tập đoàn này từng cho biết, việc Shell có được phép trở lại Bắc Cực hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có pháp luật.

Shell buộc phải ngừng hoạt động ở Bắc Cực, từ giữa năm 2012, vì không có đủ thiết bị an toàn để đối phó với tình huống tràn dầu. Tình hình của Shell càng xấu đi sau khi giàn khoan Kulluk mắc kẹt và bị lai dắt về cảng.