Chiến thắng Phai Khắt


Sau ngày thành lập (22-12-1944), toàn đội hành quân về Roỏng Bó, cách Phai Khắt hơn nửa km để chuẩn bị ra quân trận đầu theo kế hoạch đã chuẩn bị trước đó. Trước ngày thành lập đội, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị: "Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội" (1) và đặc biệt là "trận đầu ra quân phải đánh thắng". Do đó, từ tháng 11-1944, Ban chỉ huy đội vừa được hình thành, dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đã bắt tay ngay vào nghiên cứu chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên. "Hàng loạt vấn đề được đặt ra mà quan trọng nhất là: đánh vào đâu và đánh như thế nào để với một lực lượng nhỏ lại có thể giành được thắng lợi to lớn về chính trị và quân sự mà ta ít bị tổn thất về người và vũ khí" (2).

Sau khi bàn bạc và cân nhắc kỹ các phương án, Ban chỉ huy đội quyết định "trong mấy trận đầu phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược, mặc dầu đánh tập kích khó khăn hơn" (3).

Từ đó, công tác điều tra nắm tình hình các đồn trại địch được giao cho các đồng chí phụ trách cơ sở ở một số nơi trong vùng. Một số đồn trong vùng Kim Mã, Cẩm Lý được nêu ra để điều tra như: Nà Bao, Nà Ngần, Phai Khắt. Các đồng chí Hồng Quân, Ðức Long và Nông Văn Lạc được phái đi để liên lạc với cơ sở, tìm hiểu bố trí lực lượng và quy luật hoạt động của địch ở những đồn này. Sau khi nắm chắc tình hình địch, các đồng chí về báo cáo lại với Ban chỉ huy đội. Sau khi cân

nhắc, để bảo  đảm  các  yêu  cầu  đặt  ra,Ban chỉ huy quyết định chọn đồn Phai Khắt đánh trận đầu và kế đó đánh đồn Nà Ngần. Ðể có thêm thông tin từ thực địa, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy đội, được liên lạc viên dẫn đường, đã lên đỉnh Slam Cao trực tiếp quan sát đồn Phai Khắt.

Phai Khắt là một bản nhỏ thuộc xã Tam Lọng, tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Bản này nằm cạnh một con suối to - nhân dân địa phương thường gọi là sông Nhiên, phía trước là cánh đồng rộng, sau lưng là đồi cây lúp xúp. Trong bản chỉ có khoảng mươi nóc nhà. Từ đây có ba con đường đi các ngả, về phía nam đi Ngân Sơn, về phía đông bắc đi Nà Ngần và một con đường độc đạo ra châu lỵ Nguyên Bình.

Ðây là một bản Việt Minh "hoàn toàn", nhân dân đều tham gia các hội Cứu quốc. Thời kỳ này, để kiềm chế phong trào cách mạng do Việt Minh lãnh đạo đang ngày một dâng cao, quân Pháp rải quân đóng các nơi. Khi kéo quân về Tam Lọng, lúc đầu chúng định đóng đồn ở Pác Cáp, nhưng vì không có nhà ở nên chúng kéo xuống làng và chiếm nhà của đồng chí Nông Văn Lạc - một ngôi nhà có tường xây gạch to nhất làng để đóng quân. Chung quanh đồn, địch rào một hàng rào bằng cây vầu cao hai mét, chỉ để hai cửa ra vào, một ở sau nhà, một vào thẳng đồn, có đặt vọng gác. Vòng ngoài bản, chúng bắt nhân dân thay phiên nhau canh gác, còn vòng trong do lính của đồn trực tiếp canh gác. Từ ngày về Phai Khắt, địch ra sức khủng bố, lừa bịp nhân dân nhưng không ai bị lung lạc. Cơ sở cách mạng ở đây vẫn vận động được nhân dân tiếp tế lương thực và báo tin cho cán bộ hoạt động bí mật. Ðồn Phai Khắt nằm ở giữa bản, chung quanh là những gia đình cơ sở cách mạng.

Sau khi đi trinh sát kỹ cả hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, các đồng chí Hồng Quân và Ðức Long vẽ lại sơ đồ, rồi phái một số người khác đến đối chiếu lại. Ðể có thêm thông tin, Ðội cử bé Hồng (tức Nông Văn Xương) mới 12 tuổi, là người làng, hằng ngày vẫn mang quà và rượu vào cho tên quan Tây, lợi dụng trò chuyện, xem kỹ các vị trí kho đạn, nơi để súng, lương thực, nơi ăn ngủ, canh gác, giờ giấc sinh hoạt của tên quan Tây và lính. Sau khi nắm kỹ quy luật hoạt động và bố trí của địch ở trong đồn, bé Hồng đã báo cáo tỉ mỉ cho chỉ huy đội. Trước lúc ta đánh đồn, quân số địch có 21 tên lính dõng người Nùng và người Dao, do tên cai người Pháp là Si-mô-nô làm đồn trưởng. Bọn chúng đã gây nhiều tội ác với nhân dân quanh vùng.

Sau khi bàn bạc, kế hoạch đánh đồn được chỉ huy đội thông qua. Ðể dễ dàng đột nhập đồn, quân ta cải trang thành một toán lính dõng ở châu đi tuần về, khi lọt vào đồn sẽ chiếm kho súng, buộc địch đầu hàng, tên nào ngoan cố chống lại sẽ tiêu diệt. Tiểu đội trưởng Thu Sơn cải trang giả làm đội sếp; đồng chí Luận, người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, mang đôi gà và chai rượu đi trước. Thời gian hành động được ấn định vào 5 giờ chiều, lúc đó trời còn sáng cho nên việc ta cải trang lính dõng đi tuần sẽ làm cho địch ít nghi ngờ. Mặt khác, khi đánh xong đồn, trời đã tối, nếu bọn Việt gian có báo lên châu lỵ Nguyên Bình thì cũng phải tới sáng hôm sau chúng mới điều lính đến kịp, cho nên trong đêm hôm đó ta có thể thu dọn chiến trường, chuẩn bị cách đối phó cho đồng bào và kịp rút lui an toàn.

Ðồng chí Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nông Văn Lạc phối hợp với cán bộ và tự vệ địa phương làm công tác chuẩn bị cho trận đánh, chuẩn bị thu dọn và đối phó với địch sau trận đánh; bố trí người tiếp tế cơm nước, đặt các trạm canh gác báo tin những diễn biến mới nhất cho Ban chỉ huy đội. Sau chiến thắng phải tập hợp nhân dân giải thích ý nghĩa chiến thắng và khi địch trở lại khủng bố, các gia đình cần khai báo thật giống nhau. Ðồng chí Lạc bố trí lực lượng vũ trang và báo cho những thanh niên địa phương khi cần có thể tham gia đánh và đã đánh là thắng. Thóc gạo giấu ở nhiều chỗ, giao thông liên lạc giữa các địa phương vẫn phải được duy trì bảo đảm thông suốt bất cứ lúc nào.

Ban chỉ huy đội chỉ thị cho các cán bộ trung kiên ở dưới bản tìm gặp các hội viên đã từng, hay đang là lính dõng, mượn mấy chục bộ quần áo, một số khác tìm thêm mấy bộ ka-ki của cai đội Tây để giúp bộ đội cải trang. Cùng với quần áo, các cơ sở còn mượn thêm một số nón lĩnh: có bọc vải chàm, viền trắng và điểm một miếng tròn trắng trên chóp.

Ðể thuận tiện cho việc đột nhập đồn địch, đồng chí Võ Nguyên Giáp, khi đi công tác qua cơ quan in báo Việt Nam độc lập (đóng ở Lam Sơn, Hòa An), đã mượn máy chữ, đánh máy tờ Giấy đi tuần giả. Các đồng chí ở đây còn dùng củ khoai để trổ một con dấu rất khéo, đóng đỏ chót bên cạnh chữ ký Giấy đi tuần. Thời kỳ này, những giấy tờ đánh máy như thế rất có giá trị.

Chiều 24-12, toàn đội xuất phát đi đánh Phai Khắt. Suốt ngày 25-12, toàn Ðội đóng trên một quả núi nhỏ phía sau bản Phai Khắt. Một số đội viên Giải phóng quân đóng giả thường dân, đứng trông chừng ở các ngả đường. Trung đội vũ trang của xã Thế Dục được phân công phục kích con đường từ châu lỵ Nguyên Bình vào Phai Khắt. Trung đội của xã Hoa Thám đảm nhận nhiệm vụ canh gác ngả đường từ Ben-le, Nà Ngần vào. Ðội vũ trang xã Ðức Chính đi chuẩn bị các thứ cho trận đánh. Phụ nữ địa phương làm nhiệm vụ tiếp tế và cứu thương. Tự vệ bố trí thành một mạng lưới chung quanh vị trí trú quân của đội để đề phòng những trường hợp bất trắc xảy ra, nếu địch đưa quân lên núi sẽ báo cho đội biết để rút lui, hay dân thường đi lên núi thì hướng họ đi sang ngả khác. Sáng 25-12, bé Hồng đến báo tên đồn trưởng Si-mô-nô đã đi lên châu lỵ Nguyên Bình.

Chiều 25-12-1944, cán bộ, đảng viên chia nhau đi gặp các chiến sĩ, dặn dò tỉ mỉ, chu đáo và động viên mọi người quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trong trận đầu ra quân của đội. Sau đó, theo kế hoạch đã định, từ nơi đóng quân, toàn đội bắt đầu xuất phát. Trước khi xuống cánh đồng, đội dừng lại cải trang thành lính dõng. Tham gia trận đánh này, Ðội không đủ 34 người vì một số đi công tác chưa kịp về, ngoài ra còn có khoảng 50 người gồm lực lượng du kích và cán bộ Việt Minh ở địa phương làm nhiệm vụ canh gác các ngả đường.

17 giờ ngày 25-12, trừ một số được phân công canh gác cùng với du kích, toàn đội chia làm hai tiểu đội tiến vào bản. Trước khi vào, đồng chí Thắng - hội viên Cứu quốc người địa phương sống hợp pháp, quen với bọn lính, đi vào đồn kiểm tra lại tình hình. Ðồng chí Thu Sơn mặc bộ ka-ki, đóng giả đội sếp, cầm khẩu tiểu liên Mỹ đi đầu cùng hai đồng chí Bế Văn Sắt và Thịnh Nguyên đóng giả làm lính khố xanh. Trên đường vào, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói với đồng chí Thu Sơn - phụ trách mũi xung kích: "Cậu đã từng tay không đánh bại bọn tướng tá Tưởng, thì nay với bọn này cậu sẽ làm gọn, cứ theo đúng kế hoạch mà làm". Ðồng chí Thu Sơn trả lời: "Cốt làm sao tôi lọt được vào đồn là chắc thắng, còn nếu phải nổ súng thì các đồng chí tiến công luôn".

Cả "toán lính dõng" đầu đội nón bọc vải, mình mặc quần áo chàm, chân quấn xà cạp, do viên đội sếp dẫn đầu, tiến vào bản. Ðến cổng gác cửa đồn, đồng chí Thu Sơn hỏi tên lính gác, giọng hách dịch: "Chúng tao đang đi tuần, quan đồn có nhà không?". Tên lính tỏ vẻ sợ sệt báo cáo quan Tây không có nhà. Ðồng chí Thu Sơn đe: "Quan Tây đi vắng, chúng mày phải canh gác cẩn thận!". Nói rồi đồng chí chìa tờ giấy có đóng dấu đỏ cho tên lính gác, nhưng y chưa kịp xem đã bị gạt sang một bên. Ðồng chí Thu Sơn đàng hoàng tiến vào đồn, tiểu đội 1 theo sau nhanh chóng tiếp cận nơi để súng. Tiểu đội 2 cũng lập tức tiến vào trong đồn và triển khai bao vây nhà bọn lính ở. Lúc đó, lính địch đứa đang ăn cơm trong nhà, đứa thu dọn quần áo, đứa thì quét dọn, sửa hàng rào. Ðồng chí Thu Sơn hô lớn: Rassemblement (Rát-xăng-bờ-lơ-manh: tập hợp). Ðây là khẩu hiệu ra lệnh cho binh sĩ tập hợp để đón quan châu đi tuần. 16 tên lính và tên cai tập hợp giữa sân (nhân lúc quan đồn đi vắng, bốn tên lính người địa phương bỏ về thăm nhà). Cả đội súng lăm lăm chĩa vào bọn lính địch. Ðồng chí Thu Sơn hô lớn: "Chúng tôi là quân cách mạng, anh em đầu hàng sẽ không giết ai hết, giơ tay lên!". Bị bất ngờ, không kịp trở tay, toàn bộ lính địch buộc phải đầu hàng.

Giữa lúc đó, người của tổ canh gác cách đồn ba km, trên đường đi Nguyên Bình, phóng ngựa tới báo tin tên đồn trưởng Si-mô-nô đang đi ngựa trở về, theo sau hắn có mấy tên lính không mang súng. Theo kế hoạch, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy đội quyết định bắt tên đồn trưởng. Lập tức, một bộ phận nhận lệnh đưa những tên lính bị bắt ra phía sau đồn, buộc chúng phải ngồi im. Tổ cảnh giới được lệnh ẩn nấp. Số anh em còn lại nhanh chóng thu dọn vũ khí đạn dược, chiến lợi phẩm rồi vào nơi ẩn nấp kín đáo. Một tổ mai phục ngay dưới mái hiên chuồng ngựa vì tên đồn trưởng đi ngựa về ắt phải đến buộc ngựa ở tàu, đợi khi hắn vào tận nơi sẽ chĩa súng buộc hắn đầu hàng, nếu chống cự sẽ tiêu diệt. Các tổ bố trí ở ngoài được lệnh: nếu tên đồn trưởng nhận ra và bỏ chạy thì sẽ nổ súng. Nằm nấp cùng các đồng chí Hoàng Sâm, Thu Sơn, Võ Văn Luận ở dưới mái hiên, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói nhỏ: "Khi nó vào tôi sẽ hô "Giơ tay lên". Nếu nó giơ tay các đồng chí lập tức xông ra bắt sống. Có lệnh mới được nổ súng". Một lát sau, tên đồn trưởng cưỡi con ngựa hồng đi thẳng vào đồn. Y vừa vào tới nơi, bắt đầu xuống ngựa, bỗng có tiếng thét: "Giơ tay lên". Chưa kịp phản ứng gì, y đã bị đồng chí Võ Văn Luận nổ súng tiêu diệt. Sau đó, đồng chí Lương Văn Ích cũng nổ súng bắn chết con ngựa. Các đồng chí này do quá căm thù, không kìm được, nên đã nổ súng ngay.

TỪ khi vào đồn đến khi thắng lợi, trận chiến đấu diễn ra trong 30 phút. Kết quả, ta thu được 17 khẩu súng, một ít đạn, diệt tên đồn trưởng, bắt 17 tên. Những vũ khí thu được được trang bị ngay cho đội. Người giữ súng kíp được đổi lấy súng trường, còn súng kíp giao lại cho du kích địa phương. Số súng này đủ trang bị cho nửa trung đội. Ðạn dược là thứ ta rất cần, nhưng trong các đồn lính dõng như đồn Phai Khắt này, địch chỉ trang bị cho mỗi khẩu từ 40 đến 50 viên, cho nên ta thu được rất ít. Toàn đội thu dọn chiến trường, không để lại một thứ gì mà địch có thể dùng được. Lợn, gà, chăn màn, bát đĩa..., Ðội đem phân phát hết cho dân, xóa sạch dấu vết trên sân. Ban chỉ huy đội giao nhiệm vụ cho đồng chí Nông Văn Lạc ở lại cùng cán bộ cơ sở và nhân dân Phai Khắt chuẩn bị đối phó với địch theo kế hoạch đã định. Trước khi rút, ta để lại trước cửa đồn một mảnh giấy viết bằng tiếng Pháp: "Chúng tôi đã cùng Việt Minh đi đánh Nhật rồi".

----------------------------------------------------------------

(1) và (3) Võ Nguyên Giáp. Từ nhân dân mà ra. H.: Nxb Quân đội nhân dân, 1964. Tr.145 và Tr.147.

(2) Hoàng Văn Thái. Về hai chiến công đầu của Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân: Trận Phai Khắt và trận Nà Ngần. Tạp chí Lịch sử quân sự, số tháng 12 năm 1988, Tr.37.