"Chia lửa" với tuyến đầu chống dịch

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và Quyết định 4800/QÐ-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế, hầu hết hoạt động xã hội đã trở lại bình thường. Người dân được đi lại tự do, kinh tế có nhiều dấu hiệu hồi phục tích cực, khả quan. Ðể đạt được điều đó, có sự hy sinh thầm lặng, nỗ lực không ngừng nghỉ của các y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế… Ở thời điểm hiện tại, họ vẫn ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Chia lửa với tuyến đầu chống dịch.
Chia lửa với tuyến đầu chống dịch.

Khi đợt dịch thứ tư bùng phát, lực lượng y tế cả nước đã làm việc với hơn 100% sức lực suốt nhiều tháng liên tiếp. Ðội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế phải chịu áp lực vô cùng nặng nề từ mọi phía: gia đình, người thân gặp khó khăn trong cuộc sống, bị nhiễm bệnh, bất cập về cơ sở hạ tầng yếu kém, trang thiết bị, máy móc thiếu thốn, lạc hậu, công việc quá tải, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, không còn thời gian, cơ hội nâng cao tay nghề… Những khó khăn chồng chất kéo dài khiến nhiều y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế đã chọn con đường khác, không tiếp tục với nghề.

Mới đây, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã công bố nghiên cứu về tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19 với nhiều thống kê đáng lo ngại. Dựa trên khảo sát với 2.000 nhân viên y tế các cấp, triển khai từ tháng 9 đến tháng 11/2021, nghiên cứu chỉ ra rằng: Khoảng 60% số nhân viên y tế phải đảm nhận khối lượng công việc, thời gian làm việc tăng đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Thế nhưng, hơn 30% số người tham gia khảo sát cho biết lương, thưởng và phụ cấp lại bị giảm; hơn 60% số nhân viên y tế tham gia chống dịch khẳng định, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản phụ cấp nào. Ngoài ra, có khoảng 40% số trường hợp cảm thấy khó chịu, suy giảm sức khỏe, thể chất và 70% bị lo lắng, trầm cảm. Ðáng chú ý, 25% số người tham gia khảo sát thừa nhận đã giảm mức độ hài lòng với công việc.

Có thể thấy rằng, tình trạng khối lượng công việc tăng đột biến, thời gian làm việc kéo dài, trong khi các chế độ, chính sách chưa bảo đảm, thiếu thỏa đáng ở khu vực y tế đã dẫn đến hệ quả tất yếu là việc giảm đáng kể động lực làm việc, mong muốn gắn bó với nghề ở một bộ phận không nhỏ y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế. Ðiều này kéo theo nguy cơ giảm sút chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người bệnh nhiễm Covid-19 cũng như các bệnh lý cần chăm sóc y tế chuyên sâu khác.

Những ngày qua, số ca mắc, chuyển nặng và tử vong vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Trong đó, tình trạng thiếu chủ động nguồn nhân lực y tế, phụ thuộc nhiều vào lực lượng hỗ trợ đang là vấn đề gây nhiều bất cập. Nhiều nơi, khi lực lượng này "rút quân", đội ngũ y tế dự phòng, y tế cơ sở lập tức rơi vào trạng thái bị động, lúng túng do thiếu về số lượng và năng lực chưa cao. Cá biệt, có những trường hợp người bệnh nhiễm Covid-19 chữa trị tại nhà, do thiếu hỗ trợ từ phía nhân viên y tế cho nên đã sử dụng thuốc không đúng hướng dẫn khiến bệnh trở nặng, tiếp tục làm gia tăng sức ép cho các bệnh viện.

Việt Nam đã rất thành công trong kiềm chế những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến sức khỏe cộng đồng. Có được điều này, không thể không kể đến những đóng góp vô cùng lớn, thậm chí cả tính mạng của nhiều y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế. Ðể "chia lửa" với lực lượng tuyến đầu chống dịch, cần nhanh chóng thực thi các chế độ đãi ngộ cải thiện đời sống trước mắt cũng như chính sách thu hút và duy trì nhân viên y tế làm việc lâu dài ở tuyến cơ sở. Ðiều phối, tăng cường thêm lực lượng cho những trạm y tế tại địa phương nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ðồng thời, tăng hỗ trợ thu nhập hằng tháng cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế tại trạm y tế; tiếp tục vận động, huy động gắn với bảo đảm kinh phí hỗ trợ lực lượng tình nguyện viên là nhân viên y tế nghỉ hưu, khu vực tư nhân, F0 đã khỏi bệnh.