Theo đó, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng trên 131 quốc gia và nền kinh tế (năm 2019 đứng thứ 42/129).
Với thứ hạng này, Việt Nam giữ vị trí thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á.
Theo đánh giá, Việt Nam đạt kết quả tốt nhất ở trụ cột “trình độ phát triển thị trường”.
Chỉ số Giá trị vốn hóa các công ty niêm yết %GDP đã tăng chín bậc trong năm 2019 và tiếp tục tăng chín bậc trong năm 2020, vượt kế hoạch mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 02/2019/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Cụ thể, theo Nghị quyết 02/2019/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ, Chính phủ đặt mục tiêu “Nâng xếp hạng chỉ số vốn hóa Thị trường chứng khoán lên từ 10 – 15 bậc, năm 2019 nâng ít nhất là 5 bậc”.
Theo xếp hạng của WIPO từ năm 2017 đến nay, chỉ số Giá trị vốn hóa các công ty niêm yết (%GDP) liên tục tăng hạng qua các năm, đặc biệt trong hai năm 2019, 2020 đã tăng 18 bậc.
Thông tin về xếp hạng trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, kết quả này khẳng định nỗ lực của ngành chứng khoán trong công tác điều hành Thị trường chứng khoán, sự phối hợp đồng bộ của ngành chứng khoán với các Bộ, ban ngành khác trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật chuyên ngành.
Chỉ số GII của Việt Nam năm 2020 được WIPO đánh giá đạt một số kết quả tích cực đáng chú ý: Cải thiện về trình độ phát triển của kinh doanh; Cải thiện về Cơ sở hạ tầng chung; Cải thiện về đầu ra đổi mới sáng tạo…
Bảng xếp hạng GII năm 2020 liệt kê năng lực cạnh tranh của 131 nền kinh tế dựa trên 80 tiểu tiêu chí được WIPO được Trường Kinh doanh INSEAD và trường Đại học Cornell phối hợp biên soạn.