Nghiên cứu này được mô tả trong một bài báo mới được xuất bản trên Tạp chí Vật liệu Hóa học.
Được tạo ra bởi các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Karlsruhe (KIT) của Đức, thiết bị này là một loại màn hình điện sắc. (Điện sắc - electrochromic hiểu nôm na là một công nghệ lớp phủ đặc biệt gọi là oxit vonfram trên kính hoặc các hợp chất trong suốt. Khi oxit vonfram được phủ lên, bề mặt của vật liệu trong suốt đó sẽ có khả năng dẫn điện).
Màn hình điện tử sinh học này sử dụng một loại polymer hữu cơ được gọi là PEDOT: PSS, trong đó lượng ánh sáng hấp thụ thay đổi khi áp dụng điện áp, kết quả là các phân đoạn riêng lẻ của màn hình thay đổi giữa trạng thái gần như trong và mờ.
Hỗn hợp polyme đó làm cho màn hình vừa dẻo vừa dính. Và giống như các màn hình điện sắc khác, màn hình này có thể được sản xuất bằng máy in phun.
Nghiên cứu cho biết, quy trình in thiết bị này có thể dễ dàng mở rộng để sản xuất thương mại. Nó cũng cho phép sản xuất các loạt màn hình chuyên dụng nhỏ với hình dạng hoặc kích thước tùy chỉnh.
Theo các nhà nghiên cứu, công nghệ này có thể sẽ được sử dụng trong các ứng dụng vòng đời ngắn. Chẳng hạn các cảm biến đeo trên da dùng một lần để theo dõi tình trạng của bệnh nhân hoặc bao bì thực phẩm để báo hiệu thực phẩm có bị hư hỏng hay không.
Nhà khoa học Gerardo Hernandez-Sosa, người đứng đầu Nhóm Điện tử in tại Viện công nghệ Ánh sáng của KIT cho biết: “Theo những gì chúng tôi biết, đây là lần đầu tiên màn hình có thể phân hủy sinh học được tạo ra bằng cách in phun. Nó sẽ mở đường cho những đổi mới bền vững cho các linh kiện điện tử khác và sản xuất các thiết bị điện tử thân thiện hơn với môi trường".