Dư luận đề cập nhiều về hiện tượng này và thường được gọi là hiện tượng "cháy máu chất xám" tại các bệnh viện công. Ðây là vấn đề không chỉ ngành y tế mà cả cộng đồng xã hội cần có chính sách phù hợp để giải quyết.
Hiện hệ thống y tế ngoài công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 14 bệnh viện đa khoa, tám bệnh viện chuyên khoa, bốn bệnh viện có vốn đầu nước ngoài... |
Theo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, từ năm 2004 đến nay, toàn ngành y tế thành phố có hơn 900 cán bộ, viên chức xin thôi việc, bỏ việc và chuyển công tác. Trong đó có năm tiến sĩ, 33 thạc sĩ, 16 bác sĩ chuyên khoa II, 65 bác sĩ chuyên khoa I.
Phần lớn những người này đều vào làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân, cơ sở y tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó không ít bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện công nhưng "chân ngoài dài hơn chân trong", chạy "sô" cho các bệnh viện, phòng khám tư.
Một số bác sĩ cho rằng, nguyên nhân của việc chảy máu chất xám do thu nhập và đời sống của cán bộ ngành y tế thấp, không tương xứng với công sức bỏ ra.
Theo khảo sát của Sở Nội vụ, thu nhập từ tiền lương và các khoản có tính chất tiền lương khác của cán bộ, nhân viên ngành y tế từ 2,5 đến ba triệu đồng/tháng. Trong đó, người có trình độ dưới đại học là 2,5 triệu đồng/tháng, đại học ba triệu đồng, thạc sĩ, chuyên khoa I và II thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng, tiến sĩ là bốn triệu đồng/tháng.
So với các ngành nghề khác, nhân viên ngành y tế có thu nhập cao hơn cán bộ, công chức khu vực hành chính nhà nước có trình độ tương đương nhưng thấp hơn ngành ngân hàng khoảng ba lần, thương mại hai đến 2,5 lần, cơ sở chữa bệnh tư nhân và cơ sở chữa bệnh do nước ngoài hợp tác đầu tư ba đến bốn lần.
Trong làn sóng ra đi, có trường hợp nhóm bác sĩ và nhân viên ở Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Từ Dũ). Dù bệnh viện tha thiết giữ lại nhưng họ vẫn ra đi.
Việc đó đã ảnh hưởng không ít đến hoạt động của khoa vì một thời gian dài bệnh viện quá tập trung đầu tư đào tạo cho nhóm bác sĩ này, không lo đội ngũ kế cận. Ðây là một bài học của bệnh viện, nhất là trong vấn đề đào tạo do thiếu mở rộng đối với những kỹ thuật chuyên sâu và xen cả ở sự nể nang giữa các cá nhân với nhau.
Ðối với người lao động, nhất là lao động có kỹ thuật cao, với cơ chế thoáng hiện nay, họ có quyền lựa chọn nơi làm việc phù hợp với yêu cầu của mình. Vấn đề đặt ra là các bệnh viện công phải chủ động đào tạo đội ngũ kế thừa cho từng chức danh, từng công việc.
Trọng dụng nhân tài nhưng không được nể nang, khép kín, cục bộ, không để một sự độc quyền cho bất cứ ai, bất cứ nơi nào trong bệnh viện. Nếu đào tạo đủ, đào tạo liên tục đội ngũ kế thừa thì không lo gì việc chảy máu chất xám. Ðây là ưu thế của các bệnh viện công. Ở bệnh viện công, bác sĩ có nhiều cơ hội được rèn luyện, nâng cao tay nghề thông qua các chương trình đào tạo và phát triển bệnh viện.
Một nguyên nhân khác của vấn đề chảy máu chất xám trước hết là nhà đầu tư ngoài công lập buộc phải trả lương đủ sức thu hút người có trình độ chuyên môn cao và lành nghề, nếu không họ sẽ không thể tồn tại được.
Một bệnh viện không thể hoạt động được, không có bệnh nhân nếu chỉ có bác sĩ mới ra trường, chưa kinh qua thực tiễn. Mặt khác, ở cơ sở y tế ngoài công lập môi trường làm việc thuận lợi hơn. Họ có thể phát huy hết năng lực, có nhiều cơ hội thăng tiến hơn,...
Bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ thấy rõ vấn đề đào tạo bồi dưỡng và ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám trong khu vực y tế công là một thách thức mà các bệnh viện công đang phải đối mặt, làm sao phải luôn có đội ngũ hậu bị, sẵn sàng đảm đương công việc. Và nếu có việc ra đi của một vài bác sĩ, dù ở vị trí nào, các bệnh viện công có thể xem như sự san sẻ kỹ thuật giữa các khu vực y tế nhằm phục vụ bệnh nhân tốt hơn.
Khi thực hiện xã hội hóa y tế, tất yếu có sự di chuyển nguồn nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư nhân.
Nhà nước cần có trách nhiệm quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của toàn xã hội chứ không chỉ lo cho khu vực công. Ðặc biệt trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước vẫn chưa thể thực hiện chính sách xã hội hóa trong đào tạo bác sĩ.