Châu Âu trở thành nhân tố chính tác động thị trường năng lượng thế giới

NDO -

Châu Âu là khu vực tiêu thụ năng lượng lớn thứ 3 trên thế giới, chiếm 13,9% tổng năng lượng toàn cầu. Vì vậy, đây luôn là một mắt xích quan trọng trong bản đồ năng lượng. Điều này một lần nữa được thể hiện rõ trong năm nay, khi các thay đổi tại khu vực này đang tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường quốc tế.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Thị trường năng lượng nín thở theo dõi giá khí tự nhiên tại châu Âu

Nhìn lại diễn biến thị trường năng lượng trong năm 2021, mặc dù xu thế tăng giá là diễn biến chủ đạo của toàn bộ mặt hàng trong nhóm, tuy nhiên không một mặt hàng nào có đà tăng giá sánh ngang với khí tự nhiên.

Trong tháng 7 năm nay, khi dầu thô vừa quay trở về vùng giá trước thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu, giá khí tự nhiên tại châu Âu Dutch TTF đã vượt đỉnh kỷ lục mọi thời đại ở mức 38 Euro/MWh. Giá liên tục leo thang và chỉ 3 tháng sau, Dutch TTF đã vượt ngưỡng 100 Euro/MWh, thúc đẩy giá các mặt hàng trong nhóm như dầu thô và than đá đồng loạt lên mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Những tưởng cơn khát năng lượng của châu Âu đã giảm khi giá đi xuống trong các tháng tiếp theo, tuy nhiên, hiện tại giá khí tự nhiên vẫn ở trên mức 3 chữ số, với mức đỉnh thiết lập trong đầu tháng 12 ở mức 180 Euro/MWh.

Châu Âu trở thành nhân tố chính tác động lên diễn biến của thị trường năng lượng thế giới -0

Nguyên nhân là do châu Âu không bảo đảm được nguồn cung ổn định, mặc dù mùa đông đang đến gần, vốn là thời điểm nhu cầu sử dụng nhiên liệu đạt đỉnh trong năm. Hiện tại, theo số liệu của Chuyên trang Celsius Energy, tồn kho khí tự nhiên tại châu Âu đang đạt 2.138 tỷ feet khối, thấp hơn 23% so trung bình 5 năm và thấp hơn 25%-30% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, với ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết La Nina khiến cho mùa đông năm này được kỳ vọng sẽ lạnh hơn mọi năm, đặc biệt là trong tháng 1 và tháng 2. Điều này không chỉ khiến cho chi phí của người tiêu dùng ngày càng tăng và tạo ra lạm phát năng lượng ngày càng lớn, mà còn đang gây ra tình trạng cắt điện luân phiên tại các quốc gia châu Âu, tiêu biểu như Pháp.

Châu Âu trở thành nhân tố chính tác động lên diễn biến của thị trường năng lượng thế giới -0

Ảnh hưởng của châu Âu đang lan rộng ra thị trường quốc tế

Mức giá cao tại thị trường châu Âu đang khiến các nước khu vực châu Á và Bắc Mỹ phải cạnh tranh để giữ được nguồn cung. Theo khảo sát của công ty tư vấn Argus Media, giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao trong tháng 1 năm sau cho châu Á đang rơi vào mức 44-45 USD/MMBTu, trong khi giá khí tự nhiên tại Mỹ cũng tăng gần 10% so mức đáy trong tháng trước.

Giá khí tự nhiên cũng đang thúc đẩy giá dầu tăng lên. Nếu tình trạng thiếu hụt khí tự nhiên kéo dài tại châu Âu, không sớm thì muộn, các nhà sản xuất điện sẽ phải chuyển sang sử dụng dầu thô để thay thế và khiến cho nhu cầu sử dụng dầu tăng lên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho giá dầu quay trở lại mức đỉnh 1 tháng.

Theo nhận định của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), một loạt các yếu tố kết hợp với nhau sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng của châu Âu gia tăng trong mùa đông năm nay, tạo ra lực đẩy khiến giá năng lượng còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Thứ nhất, thời tiết lạnh hơn sẽ khiến cho nhu cầu khí tự nhiên tại đây tiếp tục tăng ít nhất đến hết 2 tháng đầu năm sau. Trên hết, khả năng cao là các nền kinh tế lớn trong khu vực như Anh, Pháp, Đức sẽ không tiến hành phong tỏa trên diện rộng, cho nên nhu cầu đi lại cũng như tiêu thụ xăng dầu sẽ không giảm quá nhiều dù số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng. Đây sẽ là các yếu tố chính hỗ trợ giá các mặt hàng năng lượng nói chung trên thị trường thế giới.