TTXVN dẫn nhận định của Giám đốc IISS John Chipman (G.Chíp-man), xung đột đã định hình lại môi trường an ninh ở châu Âu và lo ngại an ninh gia tăng khiến một số nước châu Âu tăng tốc thực thi cam kết chi tiêu quốc phòng và cải thiện năng lực quân sự. IISS cho rằng, xung đột tại Ukraine khiến nhiều nước châu Âu viện trợ hầu hết vũ khí, đạn dược trong kho dự trữ và điều này thúc đẩy các chương trình mua sắm quốc phòng mới.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ngày 15/2, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (G.Xtôn-ten-bớc) nhắc lại kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện cam kết chi tiêu ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Theo ông Stoltenberg, các nước NATO cần tăng cường hỗ trợ Ukraine. Ðại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell (G.Bô-ren) cũng kêu gọi các nước cùng Ðức gửi xe tăng tới Ukraine.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết, Anh và các nước châu Âu sẽ cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine thông qua một quỹ quốc tế. Anh cùng Hà Lan, Na Uy, Thụy Ðiển, Ðan Mạch, Iceland và Litva nhất trí về gói hỗ trợ trị giá hơn 200 triệu bảng Anh cho Ukraine.
Trong khi đó, Nga cho rằng, việc các nước NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ khiến cuộc xung đột kéo dài và làm tăng nguy cơ xung đột leo thang hơn nữa. Ðiện Kremlin nhiều lần cảnh báo, tình hình leo thang xung đột có thể dẫn đến sự can thiệp trực tiếp của NATO và Mỹ.
Trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO, 17 nước thành viên liên minh quân sự này cùng Thụy Ðiển đã ký kết ý định thư về chia sẻ mạng lưới vệ tinh nhằm cải thiện thông tin tình báo từ không gian. Các nước: Anh, Bỉ, Bulgaria, Canada, Pháp, Ðức, Hy Lạp, Hungary, Italia, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Ðào Nha, Romania, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Ðiển nhất trí phát triển khuôn khổ cải thiện giám sát không gian thông qua hợp tác đa quốc gia và chia sẻ năng lực quốc gia trong không gian.