Châu Á-Thái Bình Dương lỡ hẹn các Mục tiêu phát triển bền vững

Theo báo cáo mới được Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) công bố, với tốc độ tiến bộ hiện tại, khu vực sẽ chỉ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2062, tức là sẽ chậm 32 năm so với kế hoạch. Báo cáo về tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2024 chỉ ra những thách thức dai dẳng về đói nghèo, bất bình đẳng giới và giữa các địa phương là những nút thắt chính.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều con kênh tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) bị ô nhiễm trầm trọng. (Ảnh UNICEF)
Nhiều con kênh tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) bị ô nhiễm trầm trọng. (Ảnh UNICEF)

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành ESCAP Armida Salsiah Alisjahbana nhấn mạnh, tiến bộ trong các Mục tiêu phát triển bền vững vẫn không đồng đều và chưa đầy đủ trên toàn khu vực. Các quốc gia tại châu Á-Thái Bình Dương được dự báo sẽ chỉ đạt được 1/3 mức tiến bộ cần thiết vào năm 2030. Theo các thống kê mới nhất của năm 2023, tiến độ trung bình khu vực trong tổng thể kế hoạch đạt được tất cả các Mục tiêu phát triển bền vững mới chạm ngưỡng 17%.

Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc bao gồm 17 mục tiêu, hướng đến xóa đói nghèo cùng cực, giảm bất bình đẳng, cải thiện năng lực quản lý nước và năng lượng sạch, thực hiện hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu… Chương trình nghị sự được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua năm 2015 với cam kết không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.

Song, qua hơn nửa lộ trình 15 năm, tiến độ thực hiện tất cả 17 mục tiêu còn chậm chạp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và không có mục tiêu nào có thể đạt được đầy đủ vào năm 2030. ESCAP nhận định, những tác động từ đại dịch Covid-19, các xung đột đang diễn ra và sự đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ của khu vực.

Những bước tiến tích cực đã được thực hiện hướng tới xóa đói, giảm nghèo (SDG 1) và thúc đẩy ngành công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng bền vững (SDG 9). Theo báo cáo, đây là những lĩnh vực ghi nhận tiến bộ đáng kể nhất kể từ năm 2015, mặc dù còn là chưa đủ để hiện thực hóa kế hoạch năm 2030. Những tiến bộ trong xóa đói nghèo cùng cực và giảm tỷ lệ người dân sống dưới mức nghèo do mỗi quốc gia xác định cho thấy quỹ đạo tích cực. Báo cáo chỉ ra, những nỗ lực giảm nạn đói (SDG 2), nâng cao sức khỏe và hạnh phúc (SDG 3), bảo đảm nguồn nước sạch và an toàn vệ sinh (SDG 6), mở rộng mạng lưới năng lượng sạch (SDG 7) và xây dựng các thành phố và cộng đồng bền vững (SDG 11) còn cần được chú trọng nhiều hơn để cải thiện.

Báo cáo cũng nhấn mạnh những thách thức xã hội khác nhau mà nam giới và phụ nữ phải đối mặt, nhất là do những định kiến bất bình đẳng liên quan giới tính. Những khó khăn chính đối với phụ nữ chủ yếu liên quan khả năng tiếp cận giáo dục và việc làm, khiến tỷ lệ nhập học thấp hơn và khó thực hiện mục tiêu xóa mù chữ, cũng như trong việc tiếp cận thị trường lao động. Đối với nam giới, những thách thức liên quan nhiều hơn đến sức khỏe và an toàn cá nhân, bao gồm tỷ lệ tử vong do bệnh tật, tỷ lệ tự tử, lạm dụng rượu, tử vong do giao thông đường bộ...

Cùng với đó, báo cáo lưu ý người dân sống ở khu vực nông thôn phải đối mặt với nhiều bất lợi rõ rệt, như khả năng tiếp cận nước sạch và các cơ sở vệ sinh bị hạn chế. Đồng thời, việc thiếu nhiên liệu nấu ăn sạch ở những khu vực này còn góp phần gây ra các bệnh về đường hô hấp nghiêm trọng, đặc biệt là ở những phụ nữ và trẻ em gái dành nhiều thời gian trong bếp.

Theo Phó Tổng Thư ký Armida Salsiah Alisjahbana, những dữ liệu mới càng cho thấy tính cấp thiết của việc giải quyết những bất bình đẳng, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em gái, người dân nông thôn và người nghèo thành thị, những người tiếp tục chịu thiệt thòi trước cơ hội giáo dục và việc làm. Người đứng đầu ESCAP bày tỏ mong muốn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ đẩy nhanh lộ trình của các quốc gia thành viên nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và đảo ngược những xu hướng đáng báo động hiện nay.