Tôi sáng tác ca khúc "Chiến thắng Điện Biên"

Tôi sáng tác ca khúc "Chiến thắng Điện Biên"


Bữa cơm chia tay với Mặc Ninh có thịt hộp, có rượu vang, đồng chí chính ủy không được vui vì nghe tin cậu Oanh ở đơn vị, khi chiến đấu vẫn lành lặn, lúc về lại bị mù mắt do cậu ta cắn kíp mìn bằng răng, bị mìn nổ vào mắt.

Tôi nghĩ: Nông dân mình không am hiểu khoa học thì dễ chết. Ngày đó tôi bị đau mắt, bị bụi cát ở hầm vì thiếu nước rửa mặt nên ngày ngày phải đến trạm quân y để tra thuốc. Không có kính râm tôi phải lấy vải băng gạc, quấn lên trán che mắt, tránh sự coi thường bệnh tật.

Từ trận địa Him Lam, ba chúng tôi lại theo đường giao thông hào về đơn vị văn công nhận nhiệm vụ mới. Tử Phác nói: Ta tạm ngừng biểu diễn để đi sửa đường bảo đảm cho pháo lớn của ta tiến vào trận địa trước mùa mưa. Đồng chí Lê Liêm, phụ trách toàn bộ việc sửa đường. Tôi là tổ trưởng phụ trách cung đường Mường Phăng, cách Mường Thanh chừng mười cây số. Các chiến sĩ "văn công binh" tay cuốc, tay choòng ra mặt đường, rải đất đá hộc và cấp phối (đá nhỏ hơn). Đêm nào chúng tôi cũng ra đường cái để đón xem pháo hiện đại của ta hình thù ra sao. Nghe đồn Cachiusa từ bên Nga đưa qua có sức công phá ghê gớm lắm! Ngày nào tôi cũng dậy sớm đốc thúc anh em ra mặt đường. Tay vẫn cuốc, nhưng đầu suy nghĩ về bài ca chiến thắng. Anh Hoàng Xuân Tùy đi kiểm tra mặt đường, gặp tôi nói:

- Đỗ Nhuận chuẩn bị viết bài ca chiến thắng Điện Biên đi là vừa!

- Nhất định sẽ có, anh Văn có nhắc tôi rồi.

Nay gợi ý đó trùng với suy nghĩ trong lòng tôi đang nung nấu. Nhưng viết thế nào đây? Như Hành quân xa hay Trên đồi Him Lam? Ở hai bài hát đó, tôi đã vận dụng chất liệu nhạc dân tộc của vùng đồng bằng. Đây là bài thứ ba, tôi coi như bài tổng kết kinh nghiệm sáng tác của hai bài trước, cần phải có chất nhạc của miền Tây Bắc, vì bối cảnh trận chiến thắng này trên đất Tây Bắc.

Tôi suy nghĩ theo phương châm của Bác: "Viết sao cho hay là được". Mình phải tự lập luận. Niềm vui chiến thắng này là của cả nước. Người Kinh, người Thái, người Mông, người Dao, người Tày và các dân tộc khác trong cả nước cùng góp công, góp của, góp cả tính mệnh của mình làm nên lịch sử. Cần phải hòa sắc dân tộc, vì dân tộc Việt Nam là một, nhưng không tham, sẽ làm mất tính chất thống nhất của bài ca. Cần có nhạc cảm chân thực mà dễ hát, không được lấn sang hình thức âm nhạc khác như hợp xướng nhiều chương, như nhạc kể lể... tự sự... Mình không có ý định nói lên tầm cỡ vĩ đại của chiến dịch như một bộ phim nhiều tập (để dành cho tương lai, khi có thì giờ và có phương tiện thể hiện), mình chỉ muốn dựng lên một cái mốc nhỏ, đánh dấu trận chiến thắng lịch sử này bằng một hình thức âm nhạc dễ phổ cập. Về khúc thức tôi lập luận: phải thoải mái, không nên bó hẹp trong kiến thức của sách vở, vì tôi nghĩ rằng: bộ đội ta vượt núi trèo đèo, bao ngày gian khổ mới làm nên chiến thắng thì khúc thức âm nhạc không cần phép tính ngang bằng sổ ngay như bài Hành quân xa, về lời ca phải súc tích (theo lối hành văn tổng hợp), phải biết ghi chép, biết tước bỏ những cái gì thừa. Về thời điểm viết, tôi nghĩ như thời gian tập trung tư tưởng, lấy đà để nhảy. Sáng tác trước thời điểm thì cái độ "lên men" trong mình chưa đủ. Sáng tác theo kiểu "lương khô" không có tính chân thực.

Tôi quen làm việc tại trận với sự chuẩn bị chu đáo. Xem sổ tay, tôi thấy đã ghi được năm trang dày đặc. Nay đến lúc cần phải tước bỏ những hình ảnh gì không cần thiết trong bài ca này, còn lại những câu lộn xộn: "em bé xòe hoa", "đàn bươm bướm trắng", "lá ngụy trang", "súng đại bác", "giải phóng Điện Biên", tôi xóa câu "cô văn công múa hát"...

Một hôm, khi ngừng tay cuốc, tôi ngồi nghỉ dưới bụi nứa, tay búng búng cây violon, thì anh Lương Ngọc Trác (lúc đó là cán bộ lãnh đạo tốp văn công mới đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới trở về) hỏi tôi:

- Làm gì thế?

Tôi trả lời:

- Đang tìm mô típ nhạc cho bài ca chiến thắng.

Anh Lương Ngọc Trác nói: "Mình muốn chất nhạc này phải brillant" (tôi hiểu là sáng sủa, mà không phải bóng bẩy).

Về phần mình, điều mình tôn trọng trước hết là nhạc cảm chân thực. Mình có những bài "brillant" như Du kích sông Thao, Áo mùa đông, Tiếng hát đầu quân... Tôi cũng hiểu rằng Lương Ngọc Trác có ảnh hưởng bởi lời bình luận của Lê Yên về nhạc của tôi, nó xù xì như nông dân, nên đã gợi ý với tôi về bài ca sắp sửa viết này, tôi nói:

- Âm nhạc là con người. Cảm ơn sự gợi ý của ông! Nhưng mình sẽ viết khi nào nó thành hình, rồi phải qua một thời gian thể nghiệm trong quần chúng mới biết giá trị của nó.

Ban ngày làm đường, ban đêm chúng tôi vào bản nghỉ. Cái ngày mà chúng tôi mong đợi đã đến!

Ngày 7 tháng 5 năm 1954. Chúng tôi đang cuốc, đang rải đá, thì vào buổi chiều, một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe đi qua, reo to:

- Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!

Người tôi gai lên. Tất cả đoàn văn công ngừng cuốc, ôm nhau nhảy không cần nhạc đệm. Anh Trác còn nhớ, nói lại: Lúc đó, tôi không ôm ai cả, mà cứ nhảy một mình, tít thò lò, đầu phảng phất câu: "Giải phóng Điện Biên". Thế là tạm biệt đá hộc, đối với tôi có thể nói là "vĩnh biệt" đá hộc, duyên nợ với "Đá" đến đây là hết. Tôi lại đàn, lại hát. Đêm hôm đó, tôi ngồi viết bên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm suốt sáng. Tay cứ búng chiếc violon, mồm cứ i ỉ, sợ làm ồn, anh em mất ngủ. Có mấy củ sắn lùi trong bếp than để bồi dưỡng đêm, tôi vừa viết vừa bóc sắn ăn:

"Giải phóng Điện Biên
Bộ đội ta tiến quân chở về
Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui
Bản mường xưa nương lúa mới trồng,
Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa
Dọc đường chiến thắng ta tiến về
Đoàn dân công tiền tuyến vẫy chào pháo binh vượt qua
Súng đại bác quấn lá ngụy trang
Từng đàn bươm bướm trắng rỡn lá ngụy trang
Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc
Đồng bào náo nức mong đón ta trở về.
Ngày chiến thắng ta đã về
Vui mừng đón chúng ta tiến về
Núi sông bừng lên!
Đất nước ta sáng ngời
Cánh đồng Điện Biên cờ chiến thắng tưng bừng trên trời
".

Nửa đêm, máy bay địch sà xuống, trút bom, phá đường. Nhưng chúng nó muộn rồi. Từ nhà sàn, chúng tôi nhảy xuống hầm trú ẩn, đợi khi dứt tiếng động cơ mới lên. Hôm sau tôi hoàn thành cả hai đoạn lời, tôi chép tay, đưa bản thảo đầu tiên cho đoàn văn công và tự hát bằng giọng thuốc lào cho anh em nghe, rồi đi phổ biến bài Chiến thắng Điện Biên trong đơn vị pháo binh mà Đại đội trưởng là anh Thứ, bạn học cũ từ thời nhỏ với tôi (đồng chí Thứ đã hy sinh).

Anh Hoàng Kiều ở Đoàn văn công Trung ương cùng với đoàn cũng lên kịp phục vụ chiến dịch. Nghe tôi hát xong, anh nói: "Ai cũng biết là đoạn nhạc mở đầu và đoạn B xuất xứ từ điệu "Sắp qua cầu" trong hát trèo do bà Cả Tam dạy cho bọn chúng mình, nhưng sao nghe nó lạ vậy?".

Tôi trả lời:

- Trước lạ sau quen, cũng là đất thó dân tộc, nhưng tôi đã nung lên thành gạch, thành dân ca mới; không còn dấu "chèo" nữa. Trước lịch sử âm nhạc, tôi xin chịu trách nhiệm với các cụ tổ tiên.

Lễ chiến thắng được tổ chức giữa bãi rộng, gần cánh rừng. Tôi được Bộ Tổng tư lệnh trao tặng Huân chương Chiến sĩ, sau này về Thủ đô, thay bằng mầu đỏ, mới đặt tên lại là Huân chương Chiến công. Khi đi thì đi bộ, ngày chiến thắng trở về, tôi rất hào hứng được ngồi trên xe pháo binh cùng anh em hát: "Giải phóng Điện Biên".

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự trưởng thành của quân đội, mà tôi cũng là một "chiến sĩ cầm đàn" được lớn lên trong hàng quân, lớn lên cả về tư duy trong bút pháp.

Ngày nay, cứ mỗi buổi sáng, khi bản nhạc đó được phát lên qua đài, chúng tôi - những người chiến sĩ Điện Biên - lại cảm thấy tự hào về quá khứ anh hùng của đất nước.