NSND Bùi Đình Hạc và những bộ phim về Bác Hồ

Nhân dân Pác Bó vui mừng đón Bác Hồ về thăm (tháng 2-1961). Hình ảnh trong phim Hồ Chí Minh - chân dung một con người.
Nhân dân Pác Bó vui mừng đón Bác Hồ về thăm (tháng 2-1961). Hình ảnh trong phim Hồ Chí Minh - chân dung một con người.

Năm 1978, NSND Bùi Đình Hạc được giao nhiệm vụ làm phim tài liệu “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin” (biên kịch Hồng Hà, quay phim: Đỗ Duy Hùng, viết lời bình: Thép Mới, âm nhạc: Đàm Linh) để kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Bác. Được sự giúp đỡ từ phía bạn, đoàn làm phim Việt Nam đã đến Liên Xô (cũ) và đã vào hầu hết thư viện, bảo tàng, viện lưu trữ phim khai thác trong vô số tài liệu, hàng vạn mét phim, ảnh chụp; gặp gỡ nhiều nhân chứng, để có tư liệu chính xác những hoạt động của Bác trong những năm 20 của thế kỷ trước, nhằm tái hiện lại chặng đường Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin...

Công sức ấy được đền bù xứng đáng: Đoàn làm phim đã tìm được tấm hộ chiếu mang tên Chen Vang (Trần Vương) in bằng ba thứ tiếng: Nga, Pháp, Đức mà Nguyễn Ái Quốc dùng để đến Liên bang Xô-viết, những bức ảnh quý về con tàu Các-líp-nếch đã đưa Người tới Pê-trô-grát, cùng nhiều thước phim, bài báo, ảnh chụp tư liệu về các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V...

Tuy đã có trong tay những tư liệu vô giá trên, nhưng đạo diễn Bùi Đình Hạc vẫn chú trọng tổ chức những cảnh quay trên đất bạn. Từ ngôi nhà lịch sử số 1 phố Ma-khô-vai-a (Mát-xcơ-va), Trụ sở Bộ phương Đông trực thuộc Quốc tế cộng sản - nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc từng làm việc đến bến cảng Pê-trô-grát... Những hình ảnh phong phú ấy đã góp phần làm cho bộ phim trở lên sinh động... Phim mở đầu bằng lời kêu gọi âm vang thời đại của Lê-nin: "Giai cấp vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại"...

”Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin” là bộ phim có nhiều tư liệu lịch sử quý giá nhất tính đến thời điểm đó. Điều đáng giá là cuốn phim đã soi rọi ít nhiều ánh sáng về quãng thời gian bôn ba của Bác, về sự kiện lần đầu tiên Người xuất hiện trên diễn đàn Đại hội Quốc tế Nông dân với lời phát biểu chứa đựng một tầm nhìn xa, mang tính chiến lược: "Trong thời đại ngày nay, chỉ có giai cấp công nhân là người duy nhất có sứ mạng lịch sử lãnh đạo cách mạng đi tới thắng lợi". Bộ phim được khép lại bằng hình ảnh đoàn xe hỏa chạy giữa mùa đông tuyết trắng đi về phương Đông. Màn ảnh đặc tả nhà ga Ia-rô-láp-xki rồi hướng ống kính theo ánh mắt nhìn của Bác với lời bình đầy xúc động, hướng người xem đến tương lai tươi xán lạn của dân tộc: "Bác Hồ đến với Lê-nin, nối liền Việt Nam với thế giới, nối liền thế giới mới với Việt Nam"...

Nối tiếp mạch truyện được gợi lên từ bộ phim giá trị đó, năm 1980, Bùi Đình Hạc bắt tay vào thực hiện phim “Đường về Tổ quốc” (biên kịch Hồng Hà, quay phim: Đỗ Duy Hùng, viết lời bình: Thép Mới, âm nhạc: Đàm Linh). Đây là câu chuyện về chuyến đi đầy gian nan, vất vả của Bác, khi Người hoạt động ở Trung Quốc, nhen nhóm phong trào cách mạng ở Việt Nam. Đó là cuộc hành trình đầy cam go trong bối cảnh nước Nga cách mạng vẫn chưa dẹp bỏ được đám tàn quân Bạch vệ...

Trong thời gian thực hiện bộ phim, đoàn làm phim Việt Nam may mắn nhận được sự cộng tác giúp đỡ của lão đồng chí Đa-lin, một chiến sĩ cách mạng Xô-viết lão thành từng sống và làm việc với Nguyễn Ái Quốc. Với tư cách như người dẫn chuyện, Đa-lin với tình cảm xúc động và kính phục kể lại hành trình gian truân của Nguyễn Ái Quốc, xen vào đó là nhiều hình ảnh tư liệu quá khứ và hiện tại giúp người xem hình dung cuộc hành trình vĩ đại của Người... Trong phim còn có khá nhiều tư liệu và hình ảnh quý về đất nước, con người Trung Quốc vào thời điểm Bác Hồ ở đó dưới tên gọi Lý Thụy...

”Đường về Tổ quốc” đọng lại ở hình ảnh ông Ké Nùng - Nguyễn Ái Quốc trong bộ quần áo giản dị, trở về Tổ quốc. Bên cột mốc địa đầu, ánh mắt Người rưng rưng, để rồi sau đó là những tháng ngày "Cháo bẹ rau măng" ở hang Pác Bó lãnh đạo toàn dân làm cách mạng.

Nữ đạo diễn Véc-mi-sa-na - tác giả phim “Tên Người là Hồ Chí Minh” đánh giá: "Đây là những sáng tạo rất mới của điện ảnh Việt Nam đối với thể loại phim tài liệu trên thế giới...".

Với lòng kính yêu vô bờ với Người cha già dân tộc, Bùi Đình Hạc lại tiếp tục dành hết tâm sức làm phim “Hồ Chí Minh, chân dung một con người” (1990) nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác. Tham gia bộ phim này có nhà biên kịch Bành Bảo, đạo diễn kiêm quay phim Lê Mạnh Thích, Đỗ Duy Hùng, viết lời bình: nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhiều nhà lý luận phê bình điện ảnh Trịnh Mai Diêm, Hoàng Thanh...

”Phim Hồ Chí Minh, chân dung một con người” là dòng suy tưởng về cuộc đời bôn ba của Bác gắn với vận mệnh đất nước. Qua phần tư liệu được sưu tầm công phu và những cảnh dựng đầy xúc cảm, phim đã làm nổi bật được những vấn đề lớn lao trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam và khẳng định vai trò của lãnh tụ với phong trào và quần chúng. Thật xúc động khi được thấy hình ảnh Bác trong những ngày kháng chiến gian lao. Hình ảnh Người hòa làm một với bối cảnh chung của dân tộc. Khăn vắt vai, tay chống gậy, Bác đã dẫn đường cho cuộc kháng chiến của dân tộc đi đến thắng lợi...

Bộ phim chọn lựa nhiều hình ảnh đặc tả cử chỉ, ánh mắt của Bác lấp lánh cười bên các cháu thiếu nhi, ánh mắt ánh lên "chất thép" kiên nghị, đầy sức mạnh, chân dung một con người vừa là lãnh tụ, là danh nhân, vừa là một người cha già, một người ông đôn hậu, một chiến sĩ cách mạng kiên cường... Chọn lọc công phu từ hơn 30 nghìn mét phim tư liệu, trong đó có nhiều hình ảnh chưa từng được công bố, kết hợp thực tại và quá khứ, “Hồ Chí Minh, chân dung một con người” đem lại cho chúng ta nhiều cảm xúc mới mẻ, đầy xúc động và tự hào về Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

Các phim “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin”, “Đường về Tổ quốc” và “Hồ Chí Minh, chân dung một con người” đều được trao tặng giải Bông sen vàng tại nhiều kỳ LHP quốc gia, ghi nhận công lao của đạo diễn Bùi Đình Hạc và nhóm làm việc trong lĩnh vực phim tài liệu về Bác Hồ. Đặc biệt, phim Hồ Chí Minh, chân dung một con người còn đoạt giải vàng trong LHP truyền hình toàn quốc và giải phim hay nhất trong dịp kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh Bác Hồ do Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao lúc đó tặng.