Ðạo diễn của những bộ phim lịch sử

Vì có tín nhiệm trong các phim hợp tác quốc tế, những năm sau hòa bình, Nguyễn Tiến Lợi có cơ hội cộng tác với đạo diễn tài năng Nô-vốt-ni (Tiệp Khắc) xây dựng các phim tài liệu mầu nổi tiếng như: Vịnh Hạ Long, Trên dòng sông, Chợ miền xuôi, Rừng miền bắc. Nhưng phải đợi đến phim Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, bộ phim do ông đạo diễn thì mới thể hiện rõ sự cống hiến và tài năng của ông.

Sách Lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam xuất bản năm 1983 tại Hà Nội của Cục điện ảnh Việt Nam đánh giá về bộ phim Chiến thắng Ðiện Biên Phủ như sau: "Bộ phim Chiến thắng Ðiện Biên Phủ như một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của nền điện ảnh dân tộc. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là tác phẩm tổng kết cả một giai đoạn phát triển đầu tiên của điện ảnh dân tộc Việt Nam trưởng thành trong chiến đấu...".

Bám sát trận địa suốt tám tháng trời, từ đầu chiến dịch cho đến ngày chiến thắng có bốn nghệ sĩ: Ngọc Quỳnh, Quý Lục, Văn Sinh và Nguyễn Tiến Lợi. Nguyễn Tiến Lợi là người quay phim chính. Phương tiện máy móc của đội quay vẻn vẹn có một chiếc máy quay phim 16 mm, mang nhãn hiệu Paillard Bolex và 20 hộp phim, mỗi hộp 30 m. Chiếc máy quay là quà tặng của Liên đoàn Thanh niên quốc tế cho phái đoàn Việt Nam trong Liên hoan thanh niên sinh viên thế giới lần thứ nhất ở Béc-lin (CHDC Ðức). Ðội quay phim của Nguyễn Tiến Lợi được đưa xuống một đại đội chiến đấu thuộc đại đoàn chủ lực 308 trên mặt trận Ðiện Biên Phủ. Bám sát mặt trận ngay từ buổi đầu tiên, nhà quay phim Nguyễn Tiến Lợi đã ghi vào ống kính của mình những cảnh các chiến sĩ pháo binh Việt Nam mặt tựa đồng đen, mồ hôi ướt đẫm, những đôi chân bám chặt vào đá sỏi, xê dịch từng bước nặng nề, họ đang đem hết sức lực trong một cố gắng phi thường để kéo những "con voi sắt" vào trận địa pháo bằng những đôi tay rắn chắc, rát bỏng.

Mở màn cho một trận pháo kích phủ đầu của quân ta, người xem hình dung được trận địa Ðiện Biên Phủ là một lòng chảo sương mù trắng xóa, con sông Nậm Rốm ngoằn ngoèo, các cứ điểm của quân Pháp làm hoen ố cả một không gian mênh mông xanh ngắt với những bản làng vốn yên lành thơ mộng của thung lũng Ðiện Biên. Và thật bất ngờ những quả đạn pháo của pháo binh ta đã dồn dập trút lên đồn bốt của giặc. Các anh trong đội quay phim kể lại hôm ấy đang chuẩn bị quay thì bất ngờ máy bay trinh sát của địch ập tới, tất cả đều đứng im bất động, giống như những bụi cây hòa lẫn với núi rừng. Trong những giây phút đó, chỉ có tinh thần dũng cảm mới có thể giúp họ vượt qua những thử thách để thu vào ống kính những điều kỳ diệu.

Nếu làm phim về mặt trận Ðiện Biên Phủ mà không làm rõ được quá trình diễn biến từng giai đoạn mở đầu chiến dịch, tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, Hồng Cúm, Bản Kéo... vành đai sắt bảo vệ từ vòng ngoài cho tập đoàn cứ điểm ÐBP, không nhấn được vào những trọng điểm yết hầu của quân địch như đồi A1, khu trung tâm Mường Thanh, hầm chỉ huy Ðờ Cát thì dễ bị chung chung như các chiến trường khác. Bộ phim Chiến thắng Ðiện Biên Phủ được coi như dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành của nền điện ảnh dân tộc ta. Phim có cách diễn đạt mạch lạc, lớp lang trên cơ sở một cấu trúc mang nhiều đặc trưng của thể loại phim tài liệu.

Hơn bất cứ một loại hình nào khác, điện ảnh tài liệu phải chân thật. Người đạo diễn, quay phim phải ghi trực tiếp những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Ðạo diễn Nguyễn Tiến Lợi và những người đồng đội của mình đã làm được những điều kỳ diệu đó. Nguyễn Tiến Lợi đã đảm nhiệm cả chức năng kịch bản - đạo diễn - quay phim cùng một lúc, và đã xác định vai trò tác giả của mình trong phim Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Từ khi ra đời, bộ phim Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã được chiếu ở nhiều nước trên thế giới. Năm 1989 khi chiếu bộ phim Chiến thắng Ðiện Biên phủ ở Niu Oóc khán giả Mỹ hoàn toàn bị thuyết phục trước một chiến thắng vĩ đại, mang nhiều chất huyền thoại về một dân tộc.

Năm 1960, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Lợi chuyển sang làm đạo diễn phim truyện. Ông là tác giả của những phim truyện nổi tiếng như: Cô gái công trường; Khói trắng (Nguyễn Tiến Lợi - Lê Thiều); Biển gọi (Nguyễn Tiến Lợi - Nguyễn Ngọc Trung); Sóng Bạch Ðằng (phim sân khấu). Trong ba phim truyện ông đã làm, phim Biển gọi được tặng giải thưởng Bông sen bạc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất (1970).

Năm 2007, Ðạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Tiến Lợi được tặng Giải thưởng Nhà nước.