Chấn chỉnh, khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm

Tuần làm việc vừa qua tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV diễn ra tích cực, sôi nổi với nhiều nội dung lớn, các vấn đề cốt lõi có tính thực tiễn thời sự, mang tầm “quốc kế, dân sinh” thiết thực với cuộc sống, được xã hội, cử tri rất quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại hội trường Diên Hồng. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại hội trường Diên Hồng. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)

Các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội tại hội trường Diên Hồng được truyền hình trực tiếp trên các kênh phát thanh, truyền hình quốc gia và được đông đảo báo chí trong nước và quốc tế theo dõi, đưa tin đầy đủ. Qua lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và nhiều đại biểu Quốc hội các khóa, có thể cảm nhận rõ nét không khí làm việc tại kỳ họp tiếp tục phát huy cao độ tính dân chủ, với tinh thần sôi nổi, thẳng thắn.

Trong phần thảo luận, tranh luận và có cả việc đặt câu hỏi chất vấn, yêu cầu làm rõ vấn đề từ các báo cáo của Chính phủ hay của cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Bên cạnh đó nhiều đại biểu tranh luận trực diện, phân tích, mổ xẻ nhiều vấn đề nóng. Đại biểu Quốc hội chia sẻ khó khăn thách thức hiện nay với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp; đề xuất, kiến nghị điều chỉnh các chính sách, pháp luật tầm vĩ mô, qua việc chỉ ra nhiều “điểm nghẽn”, những nguyên nhân, yếu tố gây khó khăn, vướng mắc cũng như đưa ra nhiều giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài.

Điểm then chốt, trong câu chuyện phát triển thành công, đưa diện mạo kinh tế-xã hội nước ta thật sự chuyển động tích cực, bước sang một trang mới xuất phát từ yếu tố con người, chủ yếu từ đội ngũ cán bộ “đủ tâm, đủ tầm”, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung giúp tạo ra động lực mạnh mẽ của cả hệ thống vận hành, quản lý hiệu lực, hiệu quả.

Các đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ tiếp tục khẳng định tinh thần đúng đắn, xuyên suốt của Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị: Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và sẵn sàng thay thế những người không đủ tiêu chuẩn, vi phạm pháp luật, chây ỳ.

Thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi công vụ diễn ra khá phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp người dân, doanh nghiệp..., gây cản trở nguồn lực và động lực phát triển.

Nhiều đại biểu Quốc hội, cán bộ, đảng viên bày tỏ tin tưởng, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 14 của Bộ Chính trị sẽ mang lại hiệu quả, kích hoạt niềm tin của nhân dân, từng bước đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống kinh tế-xã hội, đưa đất nước vượt qua khó khăn, phục hồi nhịp phát triển. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: “Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc công phá tâm lý sợ sai, không dám làm của cán bộ để thúc đẩy phát triển”.

Tại diễn đàn nghị trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đã đến lúc phải mổ xẻ, phân loại cán bộ được coi là né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm để có cách thức, biện pháp xử lý. Đó là những người không làm gì vì không có lợi cho bản thân, cho “lợi ích nhóm”; kể cả những cá nhân không làm gì do lo sợ công tác thanh, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, hiệu quả nên hình thành tâm lý ngần ngại, sợ bị xử lý kỷ luật, sợ bị “dính” vào lao lý!

Tham gia tranh luận với một số đại biểu khác, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng: Hành vi không làm gì cả là vi phạm pháp luật bởi không thực hiện bổn phận nghĩa vụ mà Nhà nước trao; như vậy là “vô trách nhiệm và vi phạm pháp luật, phải xử lý”. Cho rằng thực tế ở nhiều nơi các cấp, các ngành thấy cán bộ không làm gì là vi phạm nhưng không xử lý, đại biểu thẳng thắn kiến nghị, một cá nhân không làm gì nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự; “một Chủ tịch tỉnh không làm gì dẫn đến kinh tế đình trệ, khiến doanh nghiệp và người dân lao đao, khó khăn là gây hậu quả lớn, cần xử lý nghiêm”.

Qua thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, phản ánh thực tế cuộc sống, nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp trước tình cảnh phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh; trong đó khu vực kinh tế tư nhân là thành phần rất quan trọng từng góp phần mang lại thành quả quan trọng của công cuộc đổi mới kinh tế.

Theo số liệu thống kê chính thức, có đến gần 88.000 doanh nghiệp (tăng 22,6% so với cùng kỳ) rút khỏi thị trường trong năm tháng đầu năm 2023; trong đó: 55.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 25.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 7.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trước tình hình cấp bách như vậy, yếu tố bộ máy quản lý, điều hành liên quan đội ngũ nhân lực của hệ thống chính trị cần được chấn chỉnh; các đại biểu yêu cầu Chính phủ cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn. Việc cần làm ngay là các cấp, các ngành, địa phương phải được “phân định rõ trách nhiệm như một kỷ luật thép”, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, từ đó tăng tổng cầu và tạo tác động lan tỏa trong nền kinh tế.

Tại kỳ họp này, các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác cho doanh nghiệp và người dân. Nhất trí với nội dung giảm thuế VAT 2%, các đại biểu đề nghị xem xét kéo dài sang năm 2024; mặt khác đề nghị Chính phủ quyết liệt cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Dẫn số liệu Báo cáo PCI, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp tăng từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022; và nhấn mạnh “doanh nghiệp là linh hồn sống của nền kinh tế, Nhà nước và xã hội cần chia sẻ, chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hết sức khó khăn này”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) và nhiều đại biểu khác khẳng định: Đại biểu Quốc hội sẵn sàng làm thêm giờ, họp thêm kỳ họp bất thường để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp.