Cái nền là những gì được quy định bởi tâm lý, tính cách, đạo lý của người Việt, là những giá trị mà cha ông đã đúc kết từ nghìn đời nay.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu một số ý kiến bàn về văn học của bác học
Việt Nam trong lịch sử.
1- Trước hết, chúng ta phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trong văn học nghệ thuật. Bởi lẽ, chúng ta đang sống trong thời đại Hồ Chí Minh, đất nước đang tiến lên theo con đường mà Người đã chọn. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại, và là một Danh nhân văn hóa thế giới. Trong một bài thơ, Người cho rằng, nếu thơ xưa chỉ nghiêng về phía yêu cái đẹp của thiên nhiên như mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi sông thì ngày nay, nhà thơ, người làm văn học phải đứng trong hàng ngũ nhân dân lao động, phải dấn thân mạnh mẽ, phải là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống đế quốc, đói nghèo và lạc hậu. Văn học phải là một vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh đó, chứ không thể chỉ ngừng ở sự ngâm vịnh, thù tạc khi nhàn tản, càng không thể là việc khoe cái tài chữ nghĩa suông và vụ lợi cá nhân.
Sau này, trong "Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1957", Người khẳng định một cách rõ ràng hơn, thẳng thắn hơn :
"Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận.
Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh.
Ðể làm nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng. Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết".
Lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:
"Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị.
Ðúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị.
Tiền đồ của dân tộc ta rất vẻ vang, tiền đồ nghệ thuật ta rất rộng rãi. Chúc anh chị em mạnh khỏe, tiến bộ, thành công".
Chúng tôi cho rằng, bức thư chỉ vẻn vẹn 297 chữ mà có giá trị sâu sắc của một tuyên ngôn nghệ thuật. Ngày nay đọc lại, với những ai chân thành và mong muốn đi trên con đường nghệ thuật chân chính, đều thấy tính chỉ hướng của một kim chỉ nam, đều thấy một sự động viên, khích lệ ân cần.
2- Nguyễn Trãi, một Danh nhân văn hóa thế giới, người sống cách đây gần 600 năm, cũng đã có tư tưởng đề cao tính chiến đấu của văn học, tính phục vụ cuộc sống, đề cao nhân nghĩa trong văn học và trong đạo làm người, sự thống nhất giữa sống và viết. Ðiều đó được thể hiện rõ trong bài thơ Bảo kính cảnh giới:
Văn chương chép lấy đòi câu thánh
Sự nghiệp tua gìn phải đạo trung
Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
Có nhân, có trí, có anh hùng
Có thể thấy tinh thần chiến đấu, tinh thần yêu nước, yêu lẽ phải, thấm đượm tình người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong văn học Việt Nam. Ở thế kỷ XIX, Nguyễn Ðình Chiểu viết:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Ðâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
"Văn dĩ tải đạo" (Chở đạo) là quan niệm của người Trung Hoa; cũng như chữ thánh câu hiền của Nho giáo được các cụ ta tiếp thu; nhưng cái khí phách, cái sắc thái Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược; Ðâm mấy thằng gian lại rất Việt Nam, rất bản sắc. Cũng là văn học nhà nho, nhưng văn học nhà nho của Việt Nam cũng khác nhiều so với một số nước đồng văn. Chỗ này không nói ai cao, ai thấp, nhưng bản tính người ta thế nào, người ta cần cái gì thì người ta làm thế ấy và cứ thế theo thời gian mà vun đắp bản sắc. Qua biết bao nhiêu thăng trầm, thử thách khốc liệt của lịch sử, người Việt vẫn giữ được độc lập dân tộc và bản sắc văn hóa - hay nói cách khác phát huy bản sắc văn hóa, sức mạnh văn hóa để bảo vệ độc lập dân tộc. Phải hiểu rõ những nguyên tắc, không xa rời những nguyên tắc đó như cha ông ta từng làm, chúng ta mới có thể tự tin và trưởng thành trong hội nhập. Sự khát khao đi tìm cái mới là nhu cầu chính đáng, là động lực, nhưng chỉ chuộng ngoại, phủ nhận truyền thống, đó là sự chuẩn bị tốt nhất cho thất bại và thất vọng.
3- Trên từng khía cạnh, các bậc hiền nhân xưa cũng để lại những kinh nghiệm, những lời dạy hết sức sâu sắc. Trong báo chí cũng như trong văn học ở ta hiện nay, có vấn đề còn tranh cãi, chưa thật sự thống nhất là liều lượng và cách viết như thế nào về cái thiện, cái ác, mặt tối, mặt sáng của con người và cuộc sống.
Hồ Nguyên Trừng (1374-1446), con của Hồ Quý Ly trong Lời tựa tập Nam ông mộng lục của mình viết một cách nhẹ nhàng mà thấm thía: "Chuyện thiện tôi rất mê nghe, nên có thể nhớ được; còn chuyện bất thiện không phải là không có, chẳng qua tôi không nhớ đấy thôi".
Vừa qua, tôi có dịp đến thăm Bảo tàng E-mi-ta-giơ ở Xanh Pê-téc-bua (Nga). Ðúng dịp ấy, có một kẻ đã tạt a-xít làm hỏng một bức tranh của danh họa Lê-ô-na đơ Vanh-xi đến nỗi không thể phục hiện được nữa. Khi tôi hỏi tên của "kẻ đốt đền" ấy, người thuyết minh, một cô gái trẻ, đẹp và luôn tươi cười bỗng nghiêm mặt: Một kẻ phá hủy cái đẹp để được nổi tiếng, tên của kẻ ấy không đáng để ai nhớ đến. Và tôi bỗng nhớ tới I-li-a Ê-ren-bua (1891 - 1962): "Lịch sử sẽ quên ngay những hung phạm có tài, những kẻ mạo hiểm thần tình. Lịch sử giữ lại những tên khác: tên những người bỏ mình vì một lý tưởng, vì nhân dân, vì loài người cho một xã hội tốt đẹp hơn".
Về gốc, ngọn, nội dung và hình thức của thơ, cũng như "đẳng cấp" và tính đa phong cách trong thơ (thơ với nghĩa rộng) dường như cũng đã được cha ông ta bàn đến một cách rành rẽ, như thể đang đối thoại với thời đổi mới của chúng ta bây giờ. Nguyễn Cư Trinh (1716-1763) viết: "Ðể trong lòng là chí, ngụ ra ý là thơ. Người có sâu, cạn nên thơ có mờ, tỏ; rộng, hẹp, khác nhau... Người làm thơ lấy trung hậu làm gốc, ý nghĩa phải hàm súc, lời thơ phải giản dị. Còn việc phải tô điểm cho đẹp đẽ, trau dồi cho khéo léo lạ lùng thì chỉ nên coi là việc... làm thêm mà thôi". Năm 1459, khi sưu tầm và viết tựa cho Việt âm thi tập, Lý Tử Tấn đã có những nhận định thông đạt rằng: "Phép làm thơ thật khó lắm thay! Muốn thơ cổ kính, thanh đạm thì lại gần với thô; muốn đẹp đẽ thì lại gần với hoa hòe hoa sói; hào mại thì gần tới chỗ buông thả; thật thà thì dễ tới chỗ quê mùa. Cho nên, lời, ý giản dị, đầy đủ, mạch lạc thông suốt, chất phác mà vẫn nhã, mới lạ mà không trúc trắc, đôn hậu nhưng không thô kệch, cao sâu mà vẫn có giọng ôn hòa, đó là những điều rất khó có thể đạt được".
"Rất khó có thể đạt được" nhưng đạt được sẽ hay, đó chính là đúc kết, là mục tiêu các cụ mong muốn những người viết phấn đấu noi theo. Nguyễn Dữ cũng tán đồng việc theo đuổi cái hùng hồn, bình đạm, tránh sự cầu kỳ mà rỗng tuếch: "Thơ của người xưa, lấy hùng hồn làm gốc, bình đạm làm khéo, câu tuy ngắn nhưng ý thì dài, lời tuy gần nhưng nghĩa lại xa...".
Bàn về mối liên hệ giữa văn chương và cuộc sống, về chức năng của văn học, Ngô Thì Sĩ viết: "Văn chương có quan hệ đến đời mà đạo tìm kiếm người tài phải coi việc giáo hóa là trước nhất". Ngô Thời Nhậm viết rõ hơn, định nghĩa chỗ "thần diệu của thơ là cốt ở tấm lòng", thơ là tiếng hồn đồng vọng, là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình; không phải là chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân như một số quan niệm ngày nay thường cực đoan. "Nếu tâm hồn và tâm hồn gần nhau, thì tất có cơ sở để nương tựa". "Thơ mà quá cầu kỳ thì sa vào giả dối, quá trau chuốt thì sa vào xảo trá, hoang lương hiu hắt thì phần nhiều sa vào buồn bã. Chỉ có thuần hậu, giản dị, thẳng thắn không giả dối, không xảo trá, không buồn bã mà rốt cuộc chú trọng đến sự ngăn chặn điều xấu, bảo tồn điều hay, mới là cái đặc sắc chính của thơ".
Ngăn chặn điều xấu, bảo tồn điều hay, phải chăng đó là chức năng thiêng liêng của văn học; là đề cao sức mạnh của văn học ?
Những ai ngày nay còn coi văn học, văn hóa là chuyện vui chơi, "hoa lá cành", coi người nghệ sĩ là kẻ chàng màng, chứng tỏ chưa từng biết đến đánh giá, thái độ trân trọng của cổ kim và sẽ không bao giờ sử dụng được nó như một thứ vũ khí sắc bén để đấu tranh cho sự thắng lợi của cái mới, của một xã hội tốt đẹp hơn. Bởi vì người nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng là người tài hiếm có, có học vấn và vốn sâu rộng. Ngô Lai, tự Lập Phu, người đời Nguyên bên Trung Quốc tổng kết: "Lòng không biết qua ba vạn quyển sách, mắt không xem núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì chưa thể viết văn được". Người nghệ sĩ là sự hun đúc của khí thiêng sông núi và anh ta cũng phải phản ánh được, xây dựng được trong tác phẩm của mình những nhân vật hào hùng, chung đúc được khí thiêng của trời đất. Dương Văn An, người Quảng Bình, đậu tiến sĩ năm 1547 viết: "Có trời đất ấy thì có núi sông ấy. Có núi sông ấy thì có nhân vật ấy. Từ khi mở trời dựng đất, núi sông phát tiết. Núi cao, sông chảy thì nhân vật thịnh. Không có núi sông thì không biết được công tạo hóa của trời đất, không có nhân vật thì không biết được khí chung đúc của núi sông".
Giữ lấy sự thuần hậu của tâm hồn, lương tri của người cầm bút và học tập thiên nhiên cũng là một bài học thành công mà Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông) tự rút ra và muốn truyền lại cho đời sau như một toa thuốc thần diệu: "Hết thẩy những nét chân thực của thiên nhiên phơi bày phóng khoáng đều được thu lại để tạo nên bút pháp. Về sau, ngòi bút bỗng có cái năng lực nhập thần rất kỳ diệu. Ðó chính là hiệu quả to lớn của việc không bắt chước người khác, mà bắt chước ngang tạo hóa vậy".
Lê Quý Ðôn (1726-1784), người huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đỗ đầu kỳ thi Ðình năm 1752. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực văn, sử, triết, địa lý, kinh tế...
Ông là người sưu tầm, biên soạn Toàn Việt thi lục "gặp đoạn thơ còn sót lại trong hòm nát hay tấm bia hoang trong động sâu thì cũng nhặt nhạnh sao chép mà đưa vào". Ông là người nghiên cứu và đưa ra nhiều quan niệm về văn học một cách có hệ thống từ vai trò, chức năng, nội dung và hình thức của văn học theo thi pháp truyền thống.
Dẫn sách Luận hành, Lê Quý Ðôn khẳng định: "Trông thấy nhà cửa lớn lao thì biết đó là gia tộc có danh tiếng. Thấy cây cao thì biết đó là nước đã lâu đời. Văn hóa lớn lao còn ở trong nước là bằng chứng của đời thịnh trị. Bậc quốc quân (vua của một nước) mà sáng suốt thì văn nhân tụ tập lại. Thánh hiền định ý chí ở ngòi bút. Những ngòi bút tập lại thành văn. Văn chương thuật bày đầy đủ tâm tình và làm hiểu rõ phong tục. Người nào cho văn chương là cành, là lá thì thật chưa biết điều đó".
4- Nước ta là một nước văn hiến. Nhưng sách vở từ đời trước để lại đến nay không nhiều. Ngoài những cuộc tao loạn thời vua Lê - chúa Trịnh và các thời kỳ sau này, sách vở bị sĩ dân đem đốt và vứt bừa bãi đầy đường thì nước ta có hai lần mất sách lớn: lần thứ nhất vào năm 1371 (thời vua Trần Nghệ Tông), quân Chiêm Thành chiếm kinh đô nước ta, đốt phá và cướp bóc gần hết; lần thứ hai vào năm 1406, tướng Trương Phụ nhà Minh đã lấy sạch sách vở nước ta chở bằng đường thủy về nước.
Kho sách Hán-Nôm của ta hiện nay hẳn không thể đầy đủ, nó chỉ là một góc nhỏ, nhưng hãy còn đồ sộ. Nét đứt gãy về văn tự trở thành nét đứt gãy về văn hóa khi chúng ta chuyển từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ. Hiện người đọc và dịch kho sách Hán - Nôm càng ngày càng hiếm. Các nhà xuất bản cũng không hào hứng in sách của người xưa vì lẽ nó không mang lại lợi nhuận. Họ có tâm huyết hay không có tâm huyết cũng buộc phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Vậy chúng ta có muốn, có thể học tập được cha ông không và học tập như thế nào? Ðây là vấn đề thuộc lĩnh vực công tác tư tưởng, thuộc phạm trù văn hóa. Không hiểu biết cha ông, không học tập được cha ông thì lấy đâu ra đầy đủ bản sắc, bản lĩnh trong cuộc hội nhập bão bùng gió Á mưa Âu này, lấy đâu ra cái nền để xây lên những lâu đài tân kỳ và tráng lệ bằng bè bằng bạn và như mình mong muốn?