Cha, con và Ảo ảnh hạnh phúc

Hạnh phúc sẽ chỉ là ảo ảnh với những người luôn chần chừ, không dám bước qua những định kiến, sống đúng với tình cảm của mình trên hành trình đi tìm “một nửa yêu thương” của cuộc đời. Đó cũng là thông điệp của vở diễn vừa được Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng để tưởng nhớ mười năm ngày mất của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn.

Cha, con và Ảo ảnh hạnh phúc

Vở Ảo ảnh hạnh phúc do nhà viết kịch Lê Chí Trung chấp bút dựa trên hai truyện ngắn Những con sóng mặt trời và Hai người đàn ông của cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn. Điều mang nhiều ý nghĩa là vở diễn được chính con trai cả của ông - nghệ sĩ Trịnh Mai Nguyên dàn dựng và cũng là vở diễn đầu tay do anh làm đạo diễn. Đây là một vở diễn tâm lý xã hội có kịch bản, hấp dẫn bởi những yếu tố xung đột kịch tính được đẩy lên cao trào, chuyển tải được các giá trị nhân văn mà tác giả hai truyện ngắn và nhà viết kịch muốn gửi gắm.

Nội dung vở diễn xoay quanh bi kịch của những chuyện tình dang dở, của những nhân vật không dám vượt qua các rào cản định kiến truyền thống để sống đúng với tình yêu của mình. Cũng bởi không quyết đi trọn đến cuối con đường với người mình yêu mà cuộc sống rơi vào vòng luẩn quẩn. Anh kỹ sư Mẫn lấy vợ ở quê mà không yêu, vì muốn làm tròn bổn phận với mẹ và dòng họ. Anh yêu tha thiết Hường, cô công nhân đẹp người, đẹp nết, lại có giọng hát hay, cùng sinh hoạt trong đội văn nghệ của nhà máy. Bỏ lỡ một tình yêu trong sáng, không dám sống thật với chính mình, Mẫn không những làm lỡ dở cuộc đời mình và Hường mà còn gây khổ cho cả Vân - vợ anh, một cô giáo dạy học ở quê nhà đã sống trọn tình, trọn nghĩa với gia đình nhà chồng. Nghe theo lời Mẫn, Hường đã lấy Đạt, một công nhân lái máy cẩu của nhà máy, nhưng gã chồng của cô lại sa vào rượu chè bê tha và suốt ngày hành hạ, đánh đập vợ vì ghen tuông với Mẫn. Khi Đạt vào tù vì ăn trộm tài sản nhà máy và sẵn sàng ký giấy ly hôn với Hường, đồng thời cũng là lúc Mẫn và vợ có thể trả lại tự do cho nhau thì Hường lại tìm cách cứu Đạt và đợi chồng ra tù mới quyết định. Sự lỡ dở và buông tay cho hạnh phúc qua đi khiến cuộc đời các nhân vật bế tắc, bởi cuộc đời không phải là giấc mơ. Mẫn bỏ nhà máy về quê làm khi phát hiện mình vô sinh, để sống cùng mẹ và người vợ đang mang thai của người khác. Đạt ra tù, về bãi sông chăn vịt và thỉnh thoảng vẫn được Hường cưu mang, hỗ trợ tiền. Vở diễn khép lại trong một chuỗi những bất ngờ khi Mẫn và Hường gặp lại nhau ở nơi họ trao nhau tình yêu. Và cũng ở nơi đây, họ mới phát hiện ra góc khuất tối tăm của những mưu mô đã góp phần đẩy họ vào bi kịch đến từ ông giám đốc nhà máy vốn si mê Hường. Hình ảnh Hòn Nẹ trên mặt biển như một thế lực tượng trưng đè xuống cuộc đời mà họ đã không thể giãy ra được có phải vì sự nhu nhược, không quyết đoán trước các ngã rẽ của cuộc đời và cả trong những câu chuyện tình yêu. Cuộc gặp gỡ tuy có muộn màng, nhưng tác giả và đạo diễn vẫn để lại hy vọng về niềm hạnh phúc đang như ánh bình minh hé rạng phía chân trời.

Mô tả đến tột cùng các bi kịch, nhưng vở diễn Ảo ảnh hạnh phúc vẫn toát lên ý nghĩa nhân văn. Đó là tình yêu thương, là lòng vị tha, bao dung khi một cô gái trẻ chấp nhận chia tay người yêu để giữ cho anh sự nghiệp; một người vợ sống lặng lẽ làm tròn bổn phận vì quá yêu chồng. Thậm chí, ngay một gã chồng bê tha như Đạt, đi tù rồi vẫn biết để lại lá đơn ly dị để giải thoát cho vợ. Tưởng như trong gã chỉ tràn đầy căm hờn, nhưng thật ra thẳm sâu tâm hồn Đạt vẫn ngập tràn tình yêu thương, vẫn mong vợ đi đến được bến bờ của tình yêu và hạnh phúc khi khuyên Mẫn đi tìm Hường.

Là vở đầu tay, đạo diễn Mai Nguyên đã thể hiện tay nghề chững chạc, với nhiều mảng miếng ấn tượng, thu hút người xem, nhưng cần tiết chế hơn những cảnh nóng và một số đoạn mô tả dài dòng. Thành công của vở Ảo ảnh hạnh phúc có phần đóng góp quan trọng của dàn nghệ sĩ tham gia diễn xuất với các gương mặt nổi trội của Nhà hát kịch Việt Nam như: Dũng Nam (vai Mẫn), Quỳnh Hoa (vai Hường), Hoàng Lan (vai Vân), NSƯT Việt Thắng (vai Tiến) và NSƯT Xuân Bắc (vai Đạt)...

Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn sinh năm 1948 tại Nga Sơn, Thanh Hóa; mất năm 2007. Vở Ảo ảnh hạnh phúc là sự kiện tưởng nhớ mười năm ngày mất của ông. Sinh thời, ông viết nhiều thể loại: Truyện ngắn, phê bình văn học, sân khấu, sáng tác kịch bản sân khấu, điện ảnh, nhưng nổi bật nhất là thơ ca. Các tác phẩm tiêu biểu của ông có: Cọng rơm vàng (thơ - 1993), Chuyện tình bên sông (tập truyện ngắn - 1994), Cúc Bách Nhật (tập truyện ngắn - 1996), Giậu cúc tần (thơ - 1996), Đóa tầm xuân (thơ - 1999), Giàn thiên lý (thơ - 2004), Đi dọc cánh đồng thơ (phê bình - ba tập) và tuyển tập thơ Vàng gieo đáy nước.