Lý do được đưa ra là hiệp ước này không có hiệu lực, trong khi Mỹ lại đang ráo riết xúc tiến kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở Ðông Âu. Việc CFE đứng trước bờ vực sụp đổ làm nhiều nước châu Âu lo ngại bởi nguy cơ lục địa này sẽ phải đối mặt sự hồi sinh của bóng ma chiến tranh lạnh.
CFE được ký năm 1990 tại Paris (Pháp) nhằm thiết lập sự cân bằng về phòng thủ giữa khối NATO và khối Warsaw. Năm 1999, hiệp ước này được sửa đổi để phù hợp môi trường an ninh ở châu Âu sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có Nga, Belarus, Kazakhstan và Ucraine phê chuẩn hiệp ước CFE sửa đổi, Mỹ và các nước thành viên NATO vẫn chưa phê chuẩn với lý do Nga chưa rút hết quân khỏi Gruzia và Moldova.
Theo CFE, các lực lượng vũ trang ở châu lục này sẽ giảm quân số từ 5,7 triệu người xuống còn dưới ba triệu. CFE còn hạn chế số lượng xe tăng, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu và trực thăng tiến công được triển khai và tập hợp tại khu vực giữa Ðại Tây Dương và dãy núi Ural của Nga.
Theo hiệp định, Nga chỉ được sở hữu khoảng 5.300 xe tăng, trong khi đó, NATO lại được sở hữu khoảng 22.000 chiếc. CFE cũng quy định Nga chỉ được triển khai trên phần lãnh thổ châu Âu 1.300 xe tăng. Thực hiện CFE, Nga đã đơn phương cắt giảm gần 12 nghìn đơn vị vũ khí hạng nặng. Kết quả là đến nay khối lượng trang thiết bị quân sự của NATO nhiều hơn Nga gần ba lần ở các khu vực áp dụng CFE.
Trước thực trạng này, các nguồn tin cho biết, Nga buộc phải tính toán việc tăng thêm quyền sở hữu các loại vũ khí thông thường nói trên, đồng thời tìm cách giảm bớt quyền sở hữu số vũ khí này của các nước thành viên NATO. Ngoài việc xem xét lại quy định sở hữu vũ khí thông thường, Nga cũng sẽ yêu cầu Mỹ và châu Âu áp dụng quy định sở hữu các loại vũ khí này đối với toàn bộ thành viên NATO, gồm cả các nước thành viên mới như các quốc gia vùng Baltic.
Ðể tránh tình hình căng thẳng leo thang, theo đề xuất của Nga, mới đây, các nước tham gia CFE đã họp hội nghị bất thường tại trụ sở của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Viên (Áo) nhằm thảo luận các biện pháp "làm sống lại" hiệp ước này. Tại hội nghị, Trưởng đoàn Nga A.Antonov cho rằng, CFE hiện nay đã lỗi thời và khẳng định, nếu tiếp tục thực hiện CFE ở dạng như hiện nay thì an ninh của LB Nga sẽ bị tổn hại. Phía Nga lo ngại trước sự thay đổi của tình hình: NATO mở rộng sang phía đông và vi phạm nghiêm trọng CFE; Mỹ có kế hoạch triển khai quân đến các căn cứ quân sự ở Bulgaria và Romania, điều này trái với các điều khoản của CFE và Ðịnh ước cơ sở Nga-NATO; một số quốc gia thành viên NATO không thực hiện cam kết
Istanbul về sớm phê chuẩn Hiệp ước CFE sửa, trong khi Latvia, Lithuani và Estonia, là các nước mới gia nhập NATO, không tham gia CFE. Ông Antonov nhấn mạnh, việc Nga nêu sáng kiến tổ chức hội nghị bất thường lần này là nhằm cùng với các đối tác của Nga tìm kiếm các giải pháp cần thiết để "làm sống lại CFE".
Trong bối cảnh nói trên, Nga đã đề xuất một lộ trình bao gồm những bước đi then chốt nhằm "làm hồi sinh" CFE, trong đó có việc bắt đầu áp dụng tạm thời Hiệp ước CFE sửa đổi trước ngày 1-7-2008. Ðáp lại, Trưởng phái đoàn Mỹ Dan Freider nêu rõ, các nước thành viên NATO sẵn sàng hợp tác với Nga về CFE, nhưng yêu cầu Nga không đình chỉ thực thi hiệp ước này. Theo ông Freider, Mỹ thừa nhận cấu trúc của CFE dựa trên hai khối tách biệt giờ đây đã lỗi thời và hy vọng hiệp ước sửa đổi sẽ sớm được thực thi.
Tuy nhiên, tại hội nghị bất thường nói trên, Nga và NATO đã không thu hẹp được những khác biệt trong lập trường của hai bên và hội nghị đã kết thúc mà "không thông qua được văn kiện cuối cùng". Ngoài việc tiến hành hội nghị bất thường về CFE, mới đây, Hội đồng NATO-Nga (NRC) đã họp hai phiên tại Brussels (Bỉ) và Moscow (Nga). Hai bên đã thảo luận một loạt vấn đề an ninh quốc tế hiện nay, trong đó có vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa và CFE. Tuy nhiên các cuộc họp này vẫn không giải tỏa được những bất đồng cơ bản giữa hai bên. Hiện Nga đã từ chối cho phép các thanh sát viên của NATO đến thăm một số đơn vị quân đội Nga theo quy định của CFE. Phía Nga cho biết, đến ngày 1-7-2008, nếu CFE sửa đổi không được các nước NATO phê chuẩn, Nga sẽ rút khỏi hiệp ước này.
Phản ứng trước việc Tổng thống Nga V.Putin ký sắc lệnh quyết định Nga ngừng tham gia CFE, NATO đã ra thông báo bày tỏ hết sức lo ngại về quyết định này và đề nghị Nga tiến hành cuộc họp bất thường với NATO để thảo luận giải pháp vượt qua tình hình căng thẳng hiện nay. Liên hiệp châu Âu (EU) cũng ra thông báo nêu rõ, EU coi CFE là nền tảng cho an ninh và ổn định ở châu Âu, đồng thời tin tưởng một cuộc đối thoại giữa Nga và các nước NATO sẽ là phương thức để vượt qua thời điểm khó khăn này.
Dư luận hy vọng Nga và NATO sẽ đạt được những giải pháp thỏa đáng thông qua đối thoại nhằm làm sống lại Hiệp ước CFE, vốn được coi là "hòn đá tảng" của an ninh châu Âu và qua đó góp phần ngăn chặn sự hồi sinh của bóng ma chiến tranh lạnh ở châu lục này.