ND - Tháng 9-1972, chúng tôi được lệnh hành quân sang nước bạn Lào phối hợp cùng với bạn giải phóng vùng đồng bằng sông Xê-băng-phai (thuộc tỉnh Khăm Muộn). Ðang trong mùa mưa, chúng tôi hành quân trong mưa bão lội suối băng rừng.
Ðến căn cứ của bộ chỉ huy tiền phương ở hang Na Koọc huyện Ma Ha-xây (tỉnh Khăm Muộn), đồng chí Quang, cán bộ của đơn vị, sau một cơn sốt thì lưng và đôi chân nhức buốt không đứng lên được. Ðồng chí Ðịnh, bác sĩ mặt trận cho biết, đồng chí Quang bị viêm thần kinh hông cấp. Sau hơn một tháng điều trị bằng một số thuốc tây bệnh tình vẫn không dứt.
Mùa khô ở Lào mọi thứ rau đều khan hiếm, nhưng hai bên bờ khe, dưới chân hang cây vòi voi mọc san sát, xanh tốt. Thèm rau quá chúng tôi hái luộc ăn. Lúc đầu tỉa các cây non, cây tốt thì bấm lá, sau hái cả lá già, hoa, rồi tước cả thân cây luộc để ăn.
Thật kỳ lạ sau mấy tháng ăn rau vòi voi lưng và chân đồng chí Quang không còn đau.
Sau ngày về nước tôi đã tìm đọc cuốn Cây thuốc nam của giáo sư Ðỗ Tất Lợi để tìm hiểu tác dụng của cây vòi voi.
Cây này còn gọi là Cẩu vĩ trùng, Ðại vĩ đao, Promoidamrey, Xan-trư-đam-ray (Cam-pu-chia). Tên khoa học Heliotropium IndicumL (Helitropiom anisophyllum P.deB) thuộc họ vòi voi (Borraginaceae). Tên vòi voi vì hoa tự của cây giống hình vòi con voi.
Cây vòi voi là một loại cỏ cao từ 20 - 40 cm, thân khỏe, cứng mang nhiều cành, trên thân và cành đều có lông. Lá hình trứng dài, phía cuống tròn và hơi hẹp lại, phía đầu tù; phiến lá dài 5 - 9 cm, rộng 3 - 5 cm, cả hai mặt đều nhiều lông, mép có răng cưa không đều, cuống lá có dia nhất là phía trên dài 3 - 7 cm. Hoa tím nhạt hoặc trắng, không cuống, so le; nhưng liền nhau trên hai hàng kẽ lá. Quả gồm bốn hạch nhỏ, trên đỉnh dính vào nhau, phía dưới xa nhau cao 4 mm, càng lên phía trên càng hẹp lại, khi chín thì tách ra.
Cây mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam, tại những bãi ruộng hoang, ruộng cỏ quanh làng. Cây vòi voi còn có ở nhiều nước khác vùng Á Ðông: Ấn Ðộ, Cam-pu-chia, Lào, Phi-li-pin. Người ta lấy cả cây về phơi khô hoặc dùng tươi.
Cây vòi voi có hai tác dụng dược lý chủ yếu sau:
Trong hai năm 1961 - 1962, Bệnh viện Hải Dương (Hải Hưng) đã dùng cao rượu vòi voi điều trị cho 856 bệnh nhân bị bong gân, tụ huyết, bầm sưng do sang chấn, viêm tấy, áp-xe, chín mé, viêm hạch... đã cho kết luận sau: Cao rượu vòi voi rất tốt đối với những trường hợp viêm hay cương tụ huyết chưa làm mủ; chỉ cần đắp rượu cao vòi voi trong ba, bốn ngày, đắp ướt liên tục. Nếu đã có mủ rồi, cao rượu vòi voi không có tác dụng làm tan mủ, nhưng làm cho mủ không lan rộng hơn và làm bớt sưng tấy ở những vùng quanh ổ mủ.
Sau khi chích mủ, nếu băng bằng cao rượu cao vòi voi, vết thương chóng lành và đỡ đau hơn là băng thường.
Cao rượu vòi voi đắp lên chỗ sưng làm dịu đau ngay, bệnh nhân thấy có cảm giác mát dịu, dễ chịu không nhức nhối như khi chưa đắp thuốc (Y học thực hành 1-1963).
Cây vòi voi còn dùng chữa sưng đầu gối với những triệu chứng:
Trước khi phát bệnh, mỏi đầu gối, ba hôm sau vùng đầu gối đỏ và sưng to lên, sốt nhẹ, đi lại khó khăn: dùng cây tươi, chặt thành từng đoạn nhỏ, giã cho dập, bỏ vào nồi sao với dấm hoặc rượu rồi gói vào miếng vải, buộc vào chỗ sưng, làm như vậy trong một tuần, bệnh thuyên giảm (Y học tạp chí đông y 1941 số 11).
Trong dân gian, vòi voi là một vị thuốc chữa tê thấp, viêm tấy, mụn nhọt, viêm bong, mẩn ngứa. Dùng uống trong hay xoa đắp bên ngoài, ngày uống 15 - 20 gam tươi, có người còn dùng làm thuốc điều kinh, nhưng quá liều có thể sẩy thai.