“Cây hai ngàn lá” vững vàng nơi biên ải

Dân tôi chỉ có hai ngàn người/Như cái cây có hai ngàn chiếc lá, thật khiêm nhường, bé nhỏ nhưng cũng thật kiên cường, đầy tự tin và Một cây đứng trong muôn nghìn cây đứng/Muốn hiểu ta qua bao chịu đựng/Thì cây ơi ta sẽ hát đời mình - những lời ca hào sảng cất lên từ trái tim thấm đẫm tình yêu dân tộc của một người con dân tộc Pa Dí, nhà thơ Pờ Sảo Mìn, người được ví như con chim họa mi của vùng đất biên cương “rừng cao núi nhọn” Mường Khương (Lào Cai) bốn mùa ngút ngàn sương gió.

Phụ nữ Pa Dí hát dân ca trong lễ mừng cơm mới.
Phụ nữ Pa Dí hát dân ca trong lễ mừng cơm mới.

Như cái cây có hai ngàn chiếc lá, câu thơ ấy theo chúng tôi men sườn núi, gập ghềnh trên từng bậc thang đường núi đến nhà bà Thào Phủng Din, 68 tuổi, người dân tộc Pa Dí ở thôn Dì Thàng, xã Tung Chung Phố (Mường Khương). Nhà sàn, dựa lưng vào núi, chênh vênh, nhưng vững chắc, bởi có những cây gỗ rừng to làm cột, kê trên những tảng đá gọt nhẵn, tròn trịa như mu rùa. “Hoáng zà! Zà lừng heng?” (Chào bà! Bà có khỏe không?). “Heng à, pa hơn nghéo tô hô” (Khỏe mà, vào nhà chơi đi, cán bộ) - bà Din cười rạng rỡ, vồn vã như đón người thân quen trở về. Câu chuyện nở bung như ngô rang. Ngổn ngang trong chiếc mẹt đan bằng giang rừng là những sợi mầu, kim khâu, vải lanh - một chiếc mũ hình mái nhà độc đáo của người phụ nữ Pa Dí đang hình thành. Hóa ra, chiếc mũ vút cong hình mái nhà mà phụ nữ Pa Dí thường dùng là một huyền sử đậm chất nhân văn về cội nguồn của tộc người này.

Chuyện rằng: Thuở xa xưa ấy, người Pa Dí sinh ra có cuộc sống khó khăn, vất vả. Vì không muốn sống xa con cháu, nên tất cả gia đình, họ hàng cùng chung sống trong một mái nhà lớn. Sau này, khi con cháu quá đông, ăn ở chật chội, phải cho con cái ra ở riêng. Để nhớ về cội nguồn, dòng tộc, người Pa Dí lấy hình tượng mái nhà sáng tạo ra chiếc mũ truyền thống của dân tộc mình. Mũ của phụ nữ Pa Dí được làm khá cầu kỳ từ nguyên liệu vải chàm tự dệt. Để tạo cho mũ có độ cứng, mầu sắc bóng đẹp, người Pa Dí sử dụng kỹ thuật hồ vải bằng nhựa quả “bú trâu” ở trong rừng, tạo cho vải có độ cứng, bền, sau đó ghép vải thành hình mái nhà cao vút. Bên dưới mũ còn có một chiếc khăn dùng để quấn đầu, phía trước khăn ôm lấy trán là mảnh vải được đính các hạt bạc trắng hình quả núi, phía sau khăn là những khuôn bạc hình chữ nhật đính vào nhau, tạo thành hình cây cối, chim muông, khi đội khăn làm nổi bật khuôn mặt người thiếu nữ. Nhà thơ Pờ Sảo Mìn góp chuyện: “Trước khi đội khăn, người phụ nữ búi tóc cao lên đỉnh đầu cùng một khuôn gỗ nhỏ có cuốn vải, sau đó đội phần trên của khăn lên. Phần dưới mũ được quấn sát trán để cho tóc và phần trên của khăn thêm chặt, khăn không bị xô lệch. Đây là nét trang trí đầu tóc độc đáo nhất của phụ nữ Pa Dí đấy, nhà báo ạ”. Rồi anh bộc bạch nỗi niềm riêng: “Mình biết ơn dân tộc vì từ đó mình được sinh ra làm người trên cuộc đời này. Bài thơ “Cây hai ngàn lá” là tấm lòng tri ân của mình với dân tộc Pa Dí, với tổ tiên, đất nước mình”. Những cái lá chung một gốc cây cũng như những người anh em Pa Dí chung một mái nhà thôi. Cha mẹ sinh ra trên đỉnh đá tai mèo/Uống nước nguồn trong veo/Không hận thù ghét bỏ cùng ai/Đến chín phương là chín phương bè bạn/Tới mười phương là mười phương thương nhớ - Nhà thơ Pờ Sảo Mìn chợt cất tiếng thơ da diết… DÂN tôi chỉ có hai ngàn người/Biết gọi gió, gọi mưa, gọi nắng/Chặn suối, ngăn sông, bắt nước chảy ngược dòng. Người Pa Dí hiện có khoảng hơn 2.000 người, sinh sống duy nhất ở vùng núi cao Tung Chung Phố, Lùng Vai, Nậm Chảy của huyện biên giới Mường Khương, nơi được mệnh danh là “Mưng Khảng”, tức “cột thép chống trời” của tỉnh Lào Cai. Trong sương sớm cuối xuân, bản Dì Thàng của người Pa Dí, với 35 nóc nhà hiện ra thật yên bình, thơ mộng bên những cánh rừng dổi, sa mộc xanh ngắt, trải dài vút lên trời cao đỉnh núi. Do định cư ở vùng núi đá vôi các-tơ rất hiếm nước nên người Pa Dí quý nước như vàng và rất giỏi trồng rừng, giữ nước, canh tác trên đất dốc. Ở nơi núi cao hiếm nước, nhiều đá, ít đất, người bản Dì Thàng sống nhờ trồng ngô, lúa, đậu tương và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Được sự quan tâm của Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ giống, phân bón, máy nông cụ nhỏ vay vốn ưu đãi…, đồng bào Pa Dí đã có cuộc sống ổn định và được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Các Chương trình 135, nông thôn mới đã giúp xây dựng đường bê-tông, trường học, trạm y tế chữa bệnh, đưa ánh sáng điện lưới đến với mọi nhà. Trên cái nền ấy, đồng bào Pa Dí phát huy năng lực, tri thức bản địa của mình vào sản xuất, học tập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bản thân và cộng đồng.

“Đến Mường Khương mà chưa được nếm vị quýt ngọt Dì Thàng thì chưa biết cái giỏi trồng cây của người Pa Dí”- anh chuyên viên Phòng Dân tộc huyện Mường Khương Giàng Vu Thè nói vậy. Ngược con đường dốc, chênh vênh, qua đỉnh yên ngựa Hàm Rồng gấp khúc hình chữ V úp ngược, òa ra trước mắt chúng tôi là trang trại quýt hàng nghìn cây, dập dờn một mầu xanh nõn trong gió đầu hè. Vợ chồng anh Pờ Khái Hùng đang miệt mài vun xới, tỉa cành thưa, lá vàng cho quýt đơm quả, lớn căng, hy vọng một mùa quýt ngọt, bội thu vào đúng dịp cúng cơm mới cổ truyền cuối năm. Người Pa Dí có câu “khắc đi thì khắc đến”, thấy người ở bên kia biên giới trồng quýt có cái ăn cái mặc, anh Pờ Khái Hùng đã bỏ công việc làm thuê, học hỏi và đưa cây quýt bám rễ, đơm hoa, kết trái ngọt trên núi đá quê mình. Giờ thì người Pa Dí ở núi Dì Thàng có thêm nghề trồng quýt để vươn lên cuộc sống ấm no, tươi sáng hơn. Hầu như nhà nào cũng trồng quýt trên nương đồi, nhiều gia đình thu năm, bảy chục triệu đồng mỗi năm.

Bên vườn quýt xanh rờn, nức hương thơm đương mùa trổ hoa đơm quả, Phó Chủ tịch xã Tung Chung Phố Sùng Sẩu khoe rằng, Dì Thàng là thôn dẫn đầu của địa phương trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa. Nhưng điều quan trọng hơn là đồng bào đoàn kết, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, phục vụ phát triển du lịch hiệu quả. Tôi nhận ra một điều, người Pa Dí ở Dì Thàng rất có “khiếu ngoại ngữ”, hầu hết trẻ em từ 14 tuổi trở lên, đều thông thạo tiếng Tày, Nùng, Kinh; người giỏi nhất bản là ông Sải Vần Phủ, gần 60 tuổi, thông thạo sáu thứ tiếng Tày, Nùng, Mông, Tu Dí, Quan Hỏa, Kinh. Đó là điều kiện thuận lợi để đồng bào nơi đây vươn ra ngoài, hội nhập với cộng đồng.

Dân tôi chỉ có hai ngàn người/Như cái cây hai ngàn chiếc lá/Cạnh rừng già là rừng non trẻ đấy/Lá ơi. Đêm, nhà văn hóa thôn Dì Thàng rực sáng ánh điện. Bà Thào Phủng Din xúng xính trong bộ váy áo dân tộc Pa Dí, vừa để làm “giáo cụ trực quan” về trang phục dân tộc vừa “soắn thàng” (dạy hát dân ca) cho lớp trẻ. Trưởng thôn Thào Thị Liên cho biết, bà Din là “kho” dân ca cổ của người Pa Dí vốn rất yêu ca hát, giỏi làm nhạc cụ, mà cây đàn tròn bốn dây là kết tinh của đời sống tâm hồn tộc người này. “Ngày còn nhỏ hay đi hát, mình đã chứng kiến bà Din hát suốt một đêm, cộng thêm với nửa ngày nữa mà không trùng bài nào”- chị Liên chia sẻ. Bây giờ, tuổi đã cao, bà vừa giữ nghề làm mũ “mái nhà”, thêu khăn váy phụ nữ Pa Dí, vừa dạy hát dân ca, truyền lại tinh hoa văn hóa quý báu của tổ tiên cho thế hệ sau.

Cũng dưới ánh điện sáng choang đêm ấy, tôi được xem, được nghe bài dân ca đặc sắc nhất của người Pa Dí mà bất cứ em nhỏ nào ở đây bắt đầu học dân ca của tổ tiên mình cũng đều phải biết, đó là bài hát “Mười hai tháng”, do hai nghệ nhân một già một trẻ Thào Phủng Din và Pờ Chín Tỷ thể hiện. Nghệ nhân già Thào Phủng Din tươi tắn trong bộ váy áo truyền thống thật đẹp của dân tộc Pa Dí, ôm cây đàn tròn ra gảy những tiếng đàn lảnh lót hòa cùng giọng ca ấm mềm của cô gái trẻ, khiến người nghe rạo rực đến lạ kỳ. Tháng một nở hoa đào, tháng hai nở hoa thơm, tháng ba nở hoa cúc… tháng năm cày ruộng trên, thả bừa xuống ruộng dưới… tháng chín vàng bông lúa, tháng mười hoa đá nở… tháng mười hai đón khách về...

Mừng nhất là đồng bào Pa Dí hôm nay đã ngày càng vươn lên, hội nhập với cộng đồng 25 dân tộc anh em ở Lào Cai, chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Đồng bào đã tự nguyện đóng góp hàng trăm ngày công, hiến hàng nghìn mét vuông đất ruộng nương để mở đường, xây trường học, nhà văn hóa. Trưởng phòng Dân tộc huyện Thền Quang Trung khoe rằng: Người Pa Dí hiếu học và học giỏi, ngay ở Dì Thàng hiện có ba “bông hoa” là các em Pờ Khái Liên, Pờ Khái Sơn, Pờ Khái Phương đã tốt nghiệp đại học và trung cấp đang làm việc tại các cơ quan nhà nước. Toàn huyện Mường Khương hiện có hàng chục cán bộ quản lý tốt, chuyên môn giỏi người Pa Dí, mà tiêu biểu là chị Pờ Thị Mai - bác sĩ Bệnh viện đa khoa Mường Khương, đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai, nhà thơ Pờ Sảo Mìn - con chim họa mi của nơi “rừng cao núi nhọn” Mường Khương luôn cất tiếng hót trong trẻo, đầy tự hào về dân tộc Pa Dí đã lên yên không bao giờ ngã ngựa/đã lên yên trên đường dài thiên lý/phi bay…