Từ mô hình rừng triềungập mặn
Năm ấy, ông Trương Bá Tiện (quê xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia) xuất ngũ, được về với vợ con. Ông nghĩ đây là điều hạnh phúc lớn cho mình, nhiều đồng đội còn không bao giờ trở lại. Vậy phải xây dựng cho mình một cơ ngơi đàng hoàng như lời Bác Hồ dạy. Nhà nước giao đất, giao rừng là một thời cơ tốt, tại sao lại không biết nắm bắt. Có đất, có nước, có trời, có biển là không sợ chết đói. Ông đem chuyện này bàn trong gia đình. Ba đứa con trai ông bảo: 'Chỉ là công dã tràng'. Vợ nói: 'Tôi đã có với ông mấy mặt con, khôn hay dại ông cũng đã biết. Thôi, tùy ông'.
Ông lên xã xin nhận gần hai trăm ha. Chủ tịch xã ngạc nhiên nhìn ông, sau đó, nhanh chóng làm mọi thủ tục cho ông, nói: Ðúng là chất lính. Ðáng mặt anh hùng đấy. Ông cứ làm 'đầu tàu' đi cho bà con theo sau.
Biết vợ con không ủng hộ, ông vẫn làm. Ông thuê người đào hồ quy mô lớn để nuôi tôm, nuôi cá, đáy đào sâu hai, ba mét, đất vượt lên đắp bờ. Vụ thứ nhất được mùa, đủ tiền chi trả nhân công, vợ con hỉ hả. Nhiều hộ dân lên xã xin nhận giao đất, giao biển. Vụ thứ hai nước tràn bờ do mưa bão, tôm cá đi hết. Ông tiếp tục mua giống thả tiếp. Tôm bị bệnh, chết sạch. Vợ khóc. Ba thằng con nản chí, một đứa bỏ vào Ðà Nẵng lấy vợ, sinh cơ, lập nghiệp. Vụ thứ ba, vỡ kè do thợ xây ẩu, lỗ trắng tay. Mấy chục triệu đồng tiền phụ cấp xuất ngũ bỏ ra xây kè đắp đập trôi theo cá tôm ra biển. Cộng cả tiền mua giống tôm, giống cá, trả tiền thuê nhân công, trồng cây, gây rừng lên đến hơn hai trăm triệu đồng. Ông Tiện tưởng như gục ngã, bỏ mặc tôm cá, nằm liệt ở nhà ba ngày không cơm, không cháo.
Một người bạn cùng trang lứa làm công tác quy hoạch nông nghiệp ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã về hưu, biết chuyện, ghé thăm, kể chuyện Viện Kinh tế sinh thái ở Hà Nội đã giúp dân xây dựng thành công nhiều trang trại, làng sinh thái vùng cát, nước ngập mặn ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Nghe bạn nói, ông Tiện liền tỉnh táo. Ngay hôm sau, hai anh em lên đường ra Hà Nội. TS Nguyễn Văn Trương, Viện trưởng, nghe qua tình hình liền nói với ông Tiện rằng: Viện Kinh tế sinh thái đã có nhiều kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản ở các vùng nước ngọt, nước lợ và cả nước mặn nữa. Viện sẵn sàng giúp ông.
Một thời gian sau, đích thân Viện trưởng cùng một số nhà khoa học của Viện vào Thanh Hóa nghiên cứu và giúp ông Tiện ứng dụng 'mô hình rừng triều ngập mặn'. Theo mô hình này, để nuôi tôm phải có cây, có rừng, tức là có chỗ cho tôm sinh đẻ, trú ẩn. Nếu không, tôm theo thủy triều vào đẻ rồi lại theo nước ra biển hết. Nuôi ở hồ, nước tràn bờ là tôm đi, nước cạn là tôm chết, phải xây kè để giữ nước. Phải biết phòng ngừa bệnh cho tôm. Nóng quá tôm không sống nổi. Gió mùa đông bắc về đột ngột là tôm chết.
Lý thuyết là như thế, nhưng bờ biển Xuân Lâm này lấy đâu ra cây, ra rừng. Hỏi Viện, Viện trả lời, phải tìm cây sú, cây vẹt, cây mắm. Cây có tác dụng giữ đất khỏi trôi khi thủy triều rút. Ít lâu sau, trên đồng đất Xuân Lâm người ta thấy những cây sú, cây vẹt, cây mắm đã mọc lúp xúp trên mặt nước, chẳng bao lâu sau đã thành rừng. Dưới đáy hồ, bên cạnh gốc rễ của những cây non vài ba tuổi, từng đàn tôm cá, cua cáy đua nhau kiếm mồi sinh đẻ. Năm ấy, trang trại, cánh đồng của ông Tiện đem lại những khoản thu nhập tương đối lớn cho gia chủ. Ðời sống gia đình ông khấm khá lên trông thấy. Dân làng noi gương ông, hàng loạt người đua nhau hưởng ứng chủ trương giao đất, giao rừng của Nhà nước.
Ðến cây đước rước con tôm
Tuy sú vẹt là loại cây rễ đơn, giữ được đất, tạo được nơi ăn chốn ở cho tôm cá, nhưng lại không trụ được với sóng lớn gió mạnh của vùng biển Thanh Hóa. Sự phát triển của mô hình rừng triều ngập mặn ở trên những cánh đồng ở Xuân Lâm do gia đình ông Tiện quản lý bị chững lại. Sự thành công nửa chừng của mô hình mới buộc ông Tiện lại phải cầu cứu Viện Kinh tế sinh thái. Sau khi trao đổi ý kiến, nghiên cứu tài liệu, sách vở và kinh nghiệm phát triển kinh tế ở các vùng triều ngập mặn trong nam, ngoài bắc, các nhà khoa học trong Viện đã gợi ý chỉ dẫn cho ông Tiện thử nghiệm trồng cây đước miền nam. Ông Tiện ngần ngại bởi đường sá xa xôi, tàu bè phức tạp và không quen biết ai ở miền nam. Vài trăm triệu đồng đã đầu tư rồi, 'dừng hay tiến'? Vài ngày sau, người ta thấy ông Tiện đeo ba-lô lên đường vào nam. Ông nói với vợ là đi thăm đồng đội. Ông nghe nói vùng Năm Căn của Cà Mau có giống đước quý, dân vẫn trồng để giữ đất, lấn biển, đánh bắt tôm, cá. Ông tìm đến tận nơi và tận mắt trông thấy những cây đước có rễ chùm đâm thẳng xuống nước. Bà con vùng Năm Căn nơi ông đến, đã tặng ông mấy chục cây đước đóng bao cẩn thận, tiễn ông mấy chục cây số ra tận bến ô-tô để về quê.
Ở vùng Xuân Lâm vài năm sau đó, dân quanh vùng thấy cây đước miền nam mọc thành rừng dọc theo khu đồng tôm của ông Tiện, họ gọi đó là cây đước tình nghĩa Bắc - Nam. Cây đước, rễ đước cao đến đâu con tôm bám vào để sinh tồn đẻ trứng đến đó và không bị sóng đánh trôi đi. Mô hình 'cây đước rước con tôm' của ông Tiện ra đời từ đấy. Hiện nay, không chỉ người dân Xuân Lâm mà nhiều địa phương dọc ven biển Thanh Hóa cho đến Quảng Bình đã đến học, áp dụng mô hình này.
Hiện mô hình: 'Cây đước rước con tôm' đang phát triển mạnh, cả vùng đất gần hai trăm ha của ông Tiện đã quy hoạch thành một trang trại nông lâm thủy sản, vừa nuôi các giống thủy sản, vừa trồng cây chống xói mòn giữ đất. Sản phẩm của trang trại dư ra đã được cung cấp cho cư dân các vùng ven biển có rừng triều ngập mặn suốt dải miền trung để phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Một tin vui với ông Tiện là Hội Làm vườn T.Ư tháng 6-2011, đã có quyết định cho phép ông thành lập: Trung tâm kinh tế sinh thái VAC khu vực Bắc Trung Bộ do ông làm giám đốc. Quyết định do Chủ tịch Hội, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu ký. Ông Tiện muốn nhờ lực lượng chuyên gia, các nhà khoa học của Hội giúp đỡ triển khai cả mô hình sinh thái VAC. Trung tâm của ông, ngoài việc sản xuất cây con giống thủy sản cho gần hai trăm ha rừng triều ngập mặn của mình, còn có chức năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng các giống cây con thủy sản nước mặn để cung cấp cho bà con trong cũng như ngoài tỉnh, góp phần cải thiện đời sống cho người dân miền trung.