Chúng tôi đến thăm nhà viết chèo Trần Đình Ngôn tại tư gia của ông vào một sáng cuối hạ. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn cho thấy sự tinh anh, mẫn tuệ.
Giọng sang sảng, ông say mê kể cho chúng tôi nghe chuyện học chèo, viết chèo bằng tất cả những cảm xúc đắm đuối nhất.
Sinh năm 1942 tại xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương - một trong những chiếc nôi của chèo cổ Việt Nam, ngay từ nhỏ, cậu bé Ngôn đã thuộc lòng những làn điệu chèo mà cha mình (lương y Trần Đình Việt) hay ngâm nga.
Hễ cứ nghe tin có đoàn chèo Tả Ngạn (tiền thân của Đoàn chèo Hải Phòng) hay Đoàn chèo Trung ương về huyện diễn, Trần Đình Ngôn lại phải tìm cách xem bằng được, dẫu phải đi bộ gần chục cây số từ làng mới ra được điểm diễn, hay khi xem xong phải đốt đuốc dò đường về nhà trong đêm tối.
Tình yêu chèo cứ thế lớn dần lên trong ông, để rồi ngay từ khi học lớp 5, ông đã bắt đầu sáng tác hoạt cảnh chèo để các bạn cùng lớp diễn tổng kết năm học.
Là học sinh giỏi văn, khi học lớp 10, ông được chọn làm giảng viên dạy bổ túc văn hóa. Tình cờ trong lớp có một cán bộ của Đoàn chèo Tả Ngạn. Thấy chàng thanh niên Ngôn vừa giỏi văn chương, thơ phú, vừa có năng khiếu hát và diễn chèo; người này đã đề xuất với lãnh đạo đoàn mời Trần Đình Ngôn về, trước mắt làm giáo viên bổ túc văn hóa, sau đào tạo thành tác giả sân khấu.
Vốn đam mê chèo, lại thêm nhận được lá thư tay viết rất dài và cảm động của trưởng đoàn chèo trực tiếp gửi đến, Trần Đình Ngôn quyết định tạm gác mục tiêu thi đại học, rời quê hương đến Hải Phòng trở thành thành viên của Đoàn chèo Tả Ngạn từ tháng 6/1962.
Ông quan niệm muốn viết được chèo trước hết phải yêu chèo và hiểu chèo, cho nên tại đây, ngày nào ông cũng chăm chỉ học hát chèo, múa chèo cùng diễn viên, học các làn điệu từ các nghệ nhân hay các bậc đàn anh thuộc thế hệ đầu tiên của chèo truyền dạy.
Để tích lũy những kiến thức đa dạng về chèo, ông làm đủ mọi việc từ đóng vai phụ trên sân khấu tới phục vụ hậu đài, kéo màn, trang trí phông cảnh... Ông là tác giả sân khấu hiếm hoi có thể thuộc và hát chuẩn hơn 100 làn điệu chèo trong tổng số gần 200 làn điệu chèo cổ của Việt Nam.
Điều này lý giải tại sao kịch bản của ông lúc nào cũng thấm đẫm chất chèo, nhất là trong lựa chọn các làn điệu để thể hiện tâm trạng, tính cách nhân vật hay mô tả các cảnh huống trong kịch bản.
Cuối năm 1962, khi tham gia lớp đào tạo tác giả sân khấu do Vụ Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, được học lý luận cơ bản về sân khấu nói chung với những “lão làng” sân khấu như: Đình Quang, Nguyễn Đình Nghi, Ngô Y Linh…, ông đã có kịch bản dài đầu tay mang tên “Chị Dậu” phóng tác từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố.
Kịch bản này ngay lập tức được Đội chèo Đài Tiếng nói Việt Nam lựa chọn dàn dựng năm 1963, sau đó được Đoàn Văn công tỉnh đội Hưng Yên dàn dựng năm 1964.
Tuy nhiên, phải đến năm 1970, giới sân khấu cả nước mới biết đến một tác giả sân khấu trẻ có nhiều triển vọng mang tên Trần Đình Ngôn, khi ông cùng lúc có hai vở diễn chuyển thể gây tiếng vang ở Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1970 là “Tấm vóc Đại Hồng” và “Người Dao xuống núi”.
Từ sau đó, những sáng tác chuyên nghiệp của ông liên tiếp ra đời. Năm 1980, ông gặt hái thành công với vở “Chiếc nón bài thơ” do Đoàn chèo Hải Phòng dàn dựng, đoạt Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc. Đồng nghiệp bắt đầu gọi ông là “nhà viết kịch Trần Đình Ngôn”.
Nhìn vào “gia tài” nghệ thuật đồ sộ của ông, mới thấy nể sức lao động nghệ thuật của một người đã dành cả cuộc đời để say mê, đắm đuối sân khấu dân tộc, đặc biệt là với chèo.
Tính đến nay, ông đã có hơn 120 kịch bản dài, với hơn 100 kịch bản chèo, còn lại là các thể loại khác. Trong đó, tác giả tâm đắc với rất nhiều tác phẩm, có thể kể đến như “Dòng lệ Tố Như”, “Lời sấm truyền từ quán trung tân”, “Quả cau vàng”, “Tiếng hát Trương Chi”...
Tính đến nay, ông đã có hơn 120 kịch bản dài, với hơn 100 kịch bản chèo, còn lại là các thể loại khác. Trong đó, tác giả tâm đắc với rất nhiều tác phẩm, có thể kể đến như “Dòng lệ Tố Như”, “Lời sấm truyền từ quán trung tân”, “Quả cau vàng”, “Tiếng hát Trương Chi”...
Mỗi cây bút thường chỉ mạnh về một mảng đề tài, nhưng với Trần Đình Ngôn thì khác. Kịch bản của ông phủ rộng, đa dạng về đề tài, từ danh nhân văn hóa lịch sử, văn học dân gian, dã sử đến hiện đại. Và ở bất cứ tác phẩm nào cũng toát lên giá trị nhân văn, đau đáu nỗi niềm của người viết với đời, với người.
Đặc biệt, suốt nhiều thập niên qua, những tác phẩm của ông luôn được nhiều đoàn nghệ thuật săn đón với số lượng chiếm lĩnh tại nhiều hội diễn chuyên nghiệp, mang đến nhiều giải thưởng cao cho các đơn vị dàn dựng.
Hội diễn năm 1995, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn có bốn vở dự thi thì cả bốn đều được giải với hai Huy chương vàng (vở “Duyên nợ ba sinh”, “Nước mắt vua Đinh”) và hai Huy chương bạc (vở “Chàng mãi võ và cô hàng quạt”, “Lời sấm truyền từ quán trung tân”).
Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc năm 2005, trong tổng số gần 20 vở dự thi thì có tới 8 vở do ông viết kịch bản, nhiều đồng nghiệp nói vui đây là hội diễn chèo Trần Đình Ngôn mở rộng.
Hội diễn năm 2011, ông có bốn vở dự thi, một vở đoạt Huy chương vàng, một vở đoạt Huy chương bạc. Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013, vở “Chuông ngân rừng trúc” của ông đã mang đến Huy chương vàng cho Nhà hát Chèo Hải Dương.
Và ngay tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 mới đây, ông cũng có ba vở dự thi, trong đó vở “Nguyễn Đình Nghị” do Nhà hát Chèo Hưng Yên dàn dựng đã xuất sắc giành Huy chương vàng... Đáng chú ý, không ít kịch bản của ông đã được nhiều đơn vị cùng dàn dựng, tiêu biểu như “Trinh phụ hai chồng” có trên dưới 20 đoàn lựa chọn, cả dựng chèo và chuyển thể thành kịch dân ca, cải lương.
Năm 2007, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho cụm ba tác phẩm: “Côn Sơn hiền sĩ”, “Chiếc nón bài thơ”, “Nước mắt vua Đinh”. Năm 2017, ông vinh dự nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác phẩm: “Những vần thơ thép”, “Nàng chúa ong”, “Duyên nợ ba sinh”.
Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn cho rằng, muốn viết chèo hay, bên cạnh những rung cảm với cuộc sống còn cần sự hiểu biết và phông văn hóa rộng lớn. Ở ông, không chỉ thấy sự bền bỉ, dẻo dai trong sáng tác nghệ thuật, mà còn thấy tấm gương của sự ham học hỏi. Năm 1975, ông quyết tâm theo học khoa Văn Trường đại học Tổng hợp hệ tại chức.
Đến năm 1994, ở tuổi 52, khi đã gặt hái những thành công trong sự nghiệp, ông vẫn quyết tâm học nghiên cứu sinh trở thành tiến sĩ ngữ văn. Và chưa khi nào ông ngừng nghiên cứu về sân khấu nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng, nhất là khi ông công tác tại Tạp chí Sân khấu, hay khi trở thành giảng viên Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, rồi Phó Viện trưởng, Viện trưởng Viện Sân khấu.
Những chiêm nghiệm về sân khấu dân tộc ở góc độ khoa học càng bổ trợ cho sự sắc nét trong sáng tạo nghệ thuật của Trần Đình Ngôn.
Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu công phu về chèo như: “Đường trường phải chiều”, “Kịch bản chèo từ dân gian đến bác học”, “Nghệ thuật viết chèo”, “Nghệ thuật biểu diễn chèo truyền thống”, “Đặc trưng ngôn ngữ thể loại và nghệ thuật đạo diễn chèo”, “Con đường phát triển của chèo”, “Tào Mạt và chèo”, các bài viết về Giáo sư Trần Bảng, nhà viết chèo Hoài Giao, tác giả, đạo diễn Trần Huyền Trân...
Ông còn tham gia đào tạo nhiều nghệ sĩ chèo, nhiều tiến sĩ, thạc sĩ về chèo tại Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội và Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.
Càng trò chuyện cùng ông, chúng tôi càng hiểu thêm về đam mê của người yêu chèo từ trong máu thịt, và càng hiểu những trăn trở của ông về tương lai của sân khấu chèo, nhất là khi đội ngũ những tác giả viết được chèo đang rất mỏng và ngày càng thưa vắng. Nói đến đây, đôi mắt của ông thoáng buồn.
Ông nghĩ tới con trai mình (nhà viết kịch Trần Đình Văn), người thừa hưởng trọn vẹn tình yêu chèo và năng khiếu sáng tác của cha, nhưng đã đột ngột về với miền mây trắng khi đang ở độ sung sức về nghề nghiệp... Xưa, nhắc đến chèo, người ta hay nói đến Tào Mạt.
Nay, người ta nhắc đến Trần Đình Ngôn. Giới nghề vẫn nuối tiếc tự hỏi, không biết sân khấu chèo bao giờ mới lại có những cây viết tài năng như thế...