Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc:

Cấu trúc lại nền kinh tế hướng tới phát triển xanh, số và bền vững

NDO -

Nhân dịp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp các cơ quan tổ chức thành công “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững'', phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc về bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế, những vấn đề thực tiễn tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc.

Phóng viên: Ông cho biết những tín hiệu phục hồi kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc trong năm qua?

Ông Nguyễn Văn Mạnh: Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ qua những quyết sách lớn vừa qua, Vĩnh Phúc thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành, tổ chức, triển khai sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch vào thực tiễn.

Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài phải tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, quyết liệt, chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép. Lấy mục tiêu phục vụ nhân dân, con người là trung tâm cho mọi quyết định, đặc biệt chú trọng bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, bảo đảm an sinh, cải thiện nâng cao đời sống nhân dân.

Tới đây, tỉnh sẽ triển khai các ý kiến chỉ đạo, gợi ý tại diễn đàn, đặc biệt là ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đã nêu rõ: Không chỉ khắc phục hậu quả của khủng hoảng do y tế mà còn tính toán đến cả về lâu dài là cơ cấu, cấu trúc lại nền kinh tế để hướng tới phát triển theo hướng xanh, số và bền vững.

Phóng viên: Vĩnh Phúc là địa phương phải đối phó với nhiều đợt dịch Covid-19 suốt từ đầu năm 2020 đến nay. Ông cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai các chính sách bảo đảm an sinh xã hội như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Mạnh: Đảng, Nhà nước đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai các chính sách bảo đảm an sinh xã hội như ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp thực tiễn; thông tin tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến với người dân, doanh nghiệp.

Vừa qua, tỉnh thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và 33/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tổng số kinh phí hơn 63 tỷ đồng.

Trong đó, hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 3.672 doanh nghiệp, với 705.719 lượt người, số tiền hơn 25,6 tỷ đồng; người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đối với 5 doanh nghiệp, 678 người, số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.

Tỉnh cũng rất quan tâm hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, đã hỗ trợ gần 33.900 lao động, với số kinh phí hơn 85 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 3/11, đã hỗ trợ gần 20,2 tỷ đồng cho nhóm chính sách về bảo hiểm (người sử dụng lao động); hơn 24,6 tỷ đồng hỗ trợ hơn 63 nghìn lượt đối tượng nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền (đối tượng là người lao động); giải quyết cho 226.252 lượt người lao động hưởng chế độ hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền 303,21 tỷ đồng.

Những cơ chế, chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người lao động kịp thời góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra khốc liệt, nhân dân, doanh nghiệp vẫn đồng lòng ủng hộ các chủ trương, quyết sách của Trung ương.

Phóng viên: Vĩnh Phúc đã ban hành và triển khai các chính sách nào để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19?

Ông Nguyễn Văn Mạnh: Nhiều đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri bày tỏ rất quan tâm những thông điệp quan trọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại diễn đàn, đồng thời nêu rõ cần phân bổ nguồn lực hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, ưu tiên khôi phục lại thị trường lao động, hỗ trợ cho lao động quay trở lại làm việc, khắc phục đứt gãy thị trường lao động, thiếu lao động.

Nhận thức nội dung quan trọng này, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, như Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ kinh phí tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2022. Với mức hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vaccine cho người dân.

Đến nay tỉnh đã triển khai tiêm 769.166/ 810.197 người trên 18 tuổi, đạt 94.93%, trong đó 82,3% đã tiêm mũi 2.

Đáng chú ý, trong tháng 8 vừa qua, tỉnh triển khai nhiều biện pháp thiết thực hỗ trợ người dân quê Vĩnh Phúc gặp khó khăn tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Vĩnh Phúc bố trí máy bay đưa 1.199 công dân về quê; động viên nhân dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vận động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay quyên góp được gần 6 tỷ đồng và nhiều vật tư y tế, hàng hóa, nhu yếu phẩm...

Phóng viên: Theo ông, tỉnh có kế sách gì để bảo đảm nguồn cung lao động, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp?

Ông Nguyễn Văn Mạnh: Năm 2021, tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội của tỉnh.

Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, ổn  định lao động cho các doanh nghiệp, cung cấp kịp thời các thông tin về cung cầu lao động cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài, cán bộ quản lý, công nhân lao động của các địa phương làm việc tại các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc làm việc theo hình thức trực tuyến, tạo điều kiện về chỗ ở ký túc xá cho công nhân và đàm phán các khách sạn trên địa bàn tỉnh giảm giá cho chuyên gia, người lao động thuê phòng nghỉ lại tại tỉnh.

Nội dung được quan tâm nữa là khảo sát, nắm bắt cụ thể tình hình về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động ở các doanh nghiệp; chỉ đạo các trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để động viên, hỗ trợ hiệu quả người lao động quay trở lại đơn vị làm việc; tìm kiếm, tuyển dụng lao động mới cho các doanh nghiệp…

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Ước tính năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 16 nghìn lao động, đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77,6%; trong đó lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 34,7%.

Kinh nghiệm của Vĩnh Phúc cho thấy, cần bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước để cụ thể hóa Kết luận lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nghị quyết Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, nâng cao tính tự chủ khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế Việt Nam.

Tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, hoàn thành 18/19 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt và 6 chỉ tiêu đạt, theo Nghị quyết 34 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 30,7 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện 32,1 nghìn tỷ đồng (vượt mục tiêu). Tăng trưởng kinh tế đạt 8.02%, xếp thứ 9 trong toàn quốc...

(Theo số liệu báo cáo kinh tế-xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc)