Năm 2018, huyện Yên Mô tập trung đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp. Thời điểm này, hàng trăm doanh nghiệp, công ty tư nhân trên địa bàn huyện hoạt động cầm chừng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, thiếu tính liên kết, lúng túng trong định hướng chiến lược phát triển... Đồng chí Phạm Văn Thi, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Mô cho biết: Sau khi được tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã có mong muốn được vào Đảng và ủng hộ việc thành lập tổ chức đảng trong đơn vị mình.
Vì vậy, huyện ủy đã tạo điều kiện để công tác phát triển đảng trong khu vực này tiến triển thuận lợi, đạt chất lượng và hiệu quả. Đến tháng 12/2019, Huyện ủy ra quyết định thành lập Chi bộ Hội Doanh nghiệp huyện Yên Mô (gồm tám đảng viên là chủ doanh nghiệp và người lao động). Doanh nghiệp là thành viên của hội hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống, khí công nghiệp, chế tạo công nghệ cao, xây lắp công trình, kinh doanh dịch vụ, du lịch, vận tải, thương mại..., tạo việc làm thường xuyên cho gần 15 nghìn lao động, thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Việc thành lập Chi bộ Hội Doanh nghiệp huyện Yên Mô là chủ trương đúng đắn của Đảng bộ huyện, góp phần bảo đảm doanh nghiệp phát triển đúng chủ trương, định hướng của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định, bền vững.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Loan, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu Yên Từ, nội dung sinh hoạt của chi bộ luôn gắn liền mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của hội, trong đó làm rõ trách nhiệm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, chi ủy, của người đứng đầu đã làm cho sự lãnh đạo của cấp ủy và chi bộ sát thực tiễn, hiệu quả hơn. Đồng chí Bùi Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Đạt nêu thí dụ: Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cán bộ, đảng viên, hội viên, người lao động đều rất băn khoăn, lo lắng cho “nhịp đập” của doanh nghiệp.
Nhưng qua sinh hoạt chi bộ và bằng nhiều kênh giao tiếp, cấp ủy không những làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền, giải thích cho mọi người hiểu rõ chủ trương, chính sách và quyết tâm của Đảng, Nhà nước về thực hiện “mục tiêu kép” mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, đẩy mạnh liên kết hoạt động giữa các hội viên. Cán bộ, đảng viên chú trọng nêu gương, tạo sự lan tỏa về trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, nỗ lực thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và quan tâm chăm lo đời sống người lao động.
Để tạo điều kiện cho đảng viên sinh hoạt đảng mà không ảnh hưởng đến thời gian làm việc, thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đồng chí bí thư chi bộ và chi ủy dành nhiều thời gian chuẩn bị nội dung sinh hoạt ngắn gọn nhưng bảo đảm cụ thể, thiết thực. Trước những vấn đề có vướng mắc, khó khăn, chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề hoặc sinh hoạt mở rộng để thông tin sâu, đồng thời phát huy trí tuệ của cán bộ, đảng viên, hội viên đề xuất các giải pháp tháo gỡ, khắc phục.
Có thể kể đến việc chi bộ bàn sâu về vấn đề liên kết các doanh nghiệp trong hội để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ hàng hóa của nhau và tạo mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị trong quá trình sản xuất, kinh doanh; hoặc chia sẻ về kinh nghiệm giải quyết lao động, việc làm, kỹ thuật sản xuất, huy động vốn và những thông tin liên quan lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, chi bộ cũng đã chủ động tham mưu để huyện kịp thời có những giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép, như: Tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; định hướng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng thương hiệu sản phẩm; miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Đến thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, thăm doanh nghiệp tư nhân Gốm Bồ Bát của anh Phạm Văn Vang, quần chúng ưu tú vừa hoàn thành lớp cảm tình Đảng, chúng tôi được biết, thời gian qua, chính quyền và bà con nơi đây đã chung sức giúp anh hiện thực khát vọng khôi phục nghề làm gốm của quê hương. Doanh nghiệp của anh hiện sản xuất nhiều loại sản phẩm gốm gia dụng, gốm tâm linh và gốm trang trí, trong đó có những sản phẩm đã vươn ra các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Mỹ, Nhật Bản... Anh Vang cho biết, những bước tiến doanh nghiệp đạt được là bởi anh nắm được định hướng xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong các nghị quyết của huyện và của tỉnh, từ đó lãnh đạo doanh nghiệp tập trung phát triển các sản phẩm gốm, sứ gắn với các hình ảnh du lịch trọng điểm của địa phương, tạo sức thu hút khách hàng.
Theo đồng chí Mai Xuân Tùng, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Yên Mô (nhiệm kỳ 2021-2026), chi bộ đã xây dựng quy chế hoạt động thống nhất với Điều lệ của Hội về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và mối quan hệ với Ban Chấp hành Hội. Cấp ủy trực tiếp lãnh đạo công tác tư tưởng, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, vận động hội viên thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Hội, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh sản xuất, kinh doanh, hội còn tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội, góp phần xây dựng huyện Yên Mô đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều chủ doanh nghiệp và người lao động có nguyện vọng được đứng vào hàng ngũ của Ðảng. Đến nay, Chi bộ Hội đã kết nạp thêm bốn quần chúng ưu tú, nâng số đảng viên của chi bộ lên 12 đồng chí (gồm 10 chủ doanh nghiệp và hai lao động).