Câu hỏi

NDO - Nhập ngũ cuối năm 70, sau gần ba tháng lội bộ dọc Trường Sơn anh vào tới mặt trận Tây Nguyên. Tới binh trạm cuối, đại đội tân binh của anh bị xé nhỏ, chia cho các đơn vị.

Anh và sáu thằng nữa được bổ sung về một đại đội hậu cần. Ngày đầu tiên về đơn vị mới, anh chính trị viên đại đội hậu cần tiếp mấy anh lính tân binh bằng những lời phủ đầu: "Các đồng chí đừng có nghĩ bộ đội hậu cần không phải là lính chiến, không gội mưa, tắm đạn, không gian khổ, hy sinh...".

Ðúng thế thật. Anh và thằng Lợi quê ở Thanh Hóa cùng về trung đội giữ kho đạn nằm kín đáo trong rừng sâu. Về đơn vị mới được mươi hôm, chưa kịp thông thạo ký hiệu đạn ghi trên vỏ hộp gỗ, hộp sắt thì anh đã phải chiến đấu vì gặp thám báo. Trận đánh với thám báo, trung đội anh bị thương vong gần chục chiến sĩ. Ngày hôm sau, khu vực kho của anh hứng chịu hàng chục trận oanh tạc của pháo mặt đất, máy bay phản lực lẫn trực thăng của địch. Ngày hôm đó, đơn vị anh thương vong gần nửa quân số, kho hàng bị mất mát quá nửa.

Năm năm làm lính hậu cần, anh không nhớ nổi bao nhiêu lần chuyển kho vì bị lộ, vì phục vụ chiến dịch và càng không nhớ nổi những khó khăn, vất vả trong công việc tiếp nhận, bảo quản, bảo vệ, phân phối hàng là những quả đạn cối, đạn thông thường, lựu đạn, thuốc nổ... Rồi còn công tác tăng gia tự túc lương thực và hàng trăm việc không tên khác.

Năm năm làm lính hậu cần, tiểu đội của anh tham chiến hàng chục trận đánh lớn nhỏ với biệt kích, thám báo và lính đổ bộ hàng không của địch. Và, không thể tính chính xác số lần kho hàng bị dội pháo, dội bom. Ngày anh và thằng Lợi bổ sung về, quân số tiểu đội có mười một thằng. Sau mỗi trận đánh lại có người nằm xuống. Rồi số bị thương, bị bệnh phải lui về tuyến sau.  Năm năm, cũng không thể tính chính xác tiểu đội anh phải bổ sung quân số bao nhiêu thằng. Ðến ngày chiến thắng, tiểu đội lúc đầu chỉ có anh và thằng Lợi không hề bị sứt mẻ, còn lại bảy thằng hy sinh, hai thằng bị thương nặng nằm trạm điều dưỡng cả đời. Ðó là một điều may mắn đến mức không thể giải thích nổi.

Ra quân, anh và thằng Lợi vẫn thường xuyên trao đổi thư từ. Ngày nó lấy vợ, anh đạp xe đạp đèo một lồng gà, mươi cân gạo ngon vượt gần trăm cây số vào dự. Năm sau anh lấy vợ, thằng Lợi cõng một bao tải măng lên xe khách ra góp vui. Lần lượt cả hai thằng đều sinh con một trai, một gái và cùng gái trước, trai sau. Và rồi hai thằng giống nhau nỗi đau khủng khiếp, cả bốn đứa con của hai thằng đều dị dạng, không ra người bình thường. Mươi năm sau, anh và thằng Lợi mới biết con mình bị di chứng bởi chất độc da cam. Và anh nhớ lại những năm tháng sống trong khu vực liên tục bị rải thuốc diệt cỏ.

Những năm đầu mới ra quân, mỗi lần gặp nhau hoặc trao đổi qua thư từ, hai thằng đều hỷ hả về số may mắn thần kỳ của mình. Từ ngày anh và thằng Lợi lấy vợ, đẻ con, niềm vui ấy không còn. Ngày đứa con gái đầu của thằng Lợi mất, đêm ấy hai thằng ngồi uống rượu với nhau đến sáng.

Chính đêm ấy, thằng Lợi buông ra một câu mà anh lâu nay vẫn cố giấu trong lòng: "Giá như có cách gì để đổi mạng sống của mình cho các con thì hạnh phúc quá nhỉ?".