ND - Mùa hè năm nay, việc cắt điện trên diện rộng nhất là khu vực nông thôn đã gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Việc cắt điện theo chỉ tiêu sản lượng được tiến hành ngay cả khi không thiếu điện liệu có hợp lý?
Cắt điện tràn lan cả khi không thiếu điện
Bà Ngô Thị Quy (xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên) than thở với chúng tôi, mấy tháng nay, điện ở đây bị cắt liên tục, làm đảo lộn toàn bộ hoạt động làm ăn, sinh hoạt của người dân. Gia đình bà sống chủ yếu bằng nghề trồng chè. Có hôm, mất điện kéo dài cả ngày, đến 10-11 giờ đêm mới có điện.
Ðiện vừa lóe lên là tất cả mọi người trong gia đình bà tranh thủ từng phút, bơm nước tưới đồi chè. Với thời tiết nắng nóng như thế này thì chỉ cần một ngày không tưới nước, đồi chè nhà bà có thể bị mất trắng. Việc cắt điện cũng khiến cho quá trình sao chè bị chậm lại. Tranh thủ lúc sáng sớm, trời chưa nóng, mọi người trong gia đình đi hái chè. Nhưng chè hái được mang về nhà lại không có điện để chạy các máy sao chè. Thế là đành để đống chè tươi đó chờ đến đêm, khi có điện, chè mới được sao.
Gia đình bà phải thức đến 3 - 4 giờ sáng mới sao chè xong. Tất nhiên làm như vậy chất lượng chè sẽ bị ảnh hưởng: không thơm và ngon nữa. Bà Ngô Thị Quy cho biết thêm, những cân chè nào làm đêm kiểu như vậy thì bán không được giá, thường người mua buôn trả thấp hơn từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg so với những cân chè vừa hái xong, vẫn còn tươi đã được sao. Thu nhập của gia đình bà những tháng gần đây giảm sút hẳn.
Không chỉ ở Thái Nguyên, nhiều vùng nông thôn ở các tỉnh, thành phố khác cũng đang phải chịu cảnh cắt điện liên tục. Một cán bộ hưu trí quê ở Hà Nam nói vui, ngày trước mỗi lần thiếu điện là quê tôi bị cắt điện liên tục, tuần cắt hai, ba lần, có ngày cắt hai, ba lần. Gần đây nhất, tháng 4 vừa qua thì chỉ bị cắt có một lần trong tuần, có điều lần cắt ấy kéo dài tới bảy ngày. Việc cắt điện kéo dài như vậy ở thời điểm hiện nay nghe rất lạ nhưng đó là sự thật ở một số tỉnh thuần nông ở khu vực phía bắc mấy tháng nay.
Người dân ở các tỉnh: Thái Bình, Nam Ðịnh, Hà Nam, Thanh Hóa và thậm chí cả Hà Nội rất bất bình về tình trạng cắt điện xảy ra liên tục, vượt qua cả số lần và giờ cắt điện theo lịch đã được dự báo. Thiếu điện thì đương nhiên phải cắt điện, nhưng đầu tháng 5 vừa qua, ngành điện thông báo tình trạng thiếu điện đã bớt căng thẳng, sẽ không còn lịch cắt điện nữa, nếu đâu đó mất điện thì chỉ còn là vấn đề sự cố. Nhưng qua khảo sát tại một số tỉnh phía bắc, nhất là những vùng thuần nông, điện vẫn bị cắt triền miên.
Bác Cù Xuân Hiệu làm nghề nông ở xã An Nội, huyện Bình Lục, Hà Nam, phàn nàn, chớm mùa hè chúng tôi đã bị cắt điện, thấy ngành điện thông báo lịch cắt ba tiếng trong ngày nhưng điện mất cả ngày vẫn là chuyện thường. Nhà bác tuy không có nghề phụ gì chỉ cần sử dụng điện cho sinh hoạt thường ngày, khi đi làm đồng về vào các buổi tối nóng nực, mất điện thì khổ sở lắm.
Tình trạng này cũng diễn ra ở các tỉnh lân cận, khu vực điện sinh hoạt vùng nông thôn thường xuyên bị cắt. Từ đầu tháng 6 đến nay, nhiều khu vực tại TP Hồ Chí Minh bị cắt điện đột ngột và diễn ra nhiều lần trong ngày. Không chỉ người dân mà nhiều doanh nghiệp (DN) vì bị cắt điện đột ngột ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, thiệt hại kinh tế rất lớn.
Doanh nghiệp tư nhân bao bì giấy Trường Thọ, quận 9 (TP Hồ Chí Minh), cho biết: nhiều ngày qua, hàng chục công nhân phải nghỉ việc vì mất điện. Quản đốc DN Trường Thọ rất bức xúc bởi theo tính toán, cứ mỗi lần cắt điện như vậy, DN bị thiệt hại tới ba triệu đồng do giấy hư hỏng, chưa tính đến khoản tiền lương trả cho công nhân.
Chịu chung tình trạng bị cắt điện không báo trước, Nhà máy cấu kiện bê-tông Bạch Ðằng do mất điện khi đúc bị hỏng sản phẩm các loại cống phi 1.000 - 1.500, cống hộp mới... khi còn nằm trong khuôn gây thiệt hại hàng chục triệu đồng. Hàng loạt DN khác trên địa bàn các quận 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh... cũng kêu trời vì tình trạng cắt điện vô tội vạ.
Trao đổi ý kiến về vấn đề này với một số cán bộ ngành điện ở các địa phương, chúng tôi được biết, ngay từ đầu năm, các công ty điện lực đã được Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) giao chỉ tiêu sản lượng. Do thiếu nguồn nên từng công ty điện lực sẽ được giao khoán sản lượng, nếu công ty cung ứng nào vượt sản lượng được giao thì giá điện của những kW giờ đó sẽ tăng cao hơn nhiều so với giá quy định của Nhà nước, và số tiền bị đẩy lên đó sẽ bị tính vào thu nhập của cán bộ, công nhân trong công ty.
Từ đây dẫn đến một hiện tượng dù vào thời điểm nước đã về các hồ thủy điện, nguồn cung đã tạm đủ nhưng việc cắt điện vẫn xảy ra vì sản lượng đã được "giao khoán" từ đầu, nếu không cắt điện theo kế hoạch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của từng đơn vị.
Cần có thị trường phát điện cạnh tranh
Những năm gần đây, theo định hướng của Chính phủ, các thành phần kinh tế, nhất là các DNNN ngoài EVN luôn được khuyến khích tham gia đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện để giảm bớt gánh nặng đối với EVN. Theo định hướng chiến lược này, các nhà máy nhiệt điện Cà Mau, Nhơn Trạch và nhiều nhà máy điện khác của các đơn vị ngoài ngành điện đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Song, dường như giữa các DN tham gia đầu tư xây dựng nguồn điện và EVN vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Thời gian vừa qua, nhiều thông tin về việc thỏa thuận mua bán giữa EVN và một số nhà máy điện ngoài ngành gặp vướng mắc giữa bên bán và bên mua gây nhiều tranh cãi. Trao đổi ý kiến về vấn đề này, Cục trưởng Cục Ðiều tiết điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Mạnh Thắng, cho rằng: Thật ra sẽ không bao giờ xảy ra tình trạng này nếu như thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy điện làm theo đúng luật.
Theo quy định, khi xây dựng nhà máy điện, các thủ tục như thỏa thuận về giá, thời gian xây dựng, thời gian chính thức đưa vào vận hành, lượng điện năng cung ứng và lượng điện năng huy động... phải được hoàn tất. Nhưng do thực trạng nước ta thiếu điện nghiêm trọng cho nên những thủ tục đó tạm thời được bỏ qua, các ngành cứ xây dựng nhà máy, xong đến đâu đàm phán với ngành điện đến đó mới gây nên chuyện bên mua bảo giá cao quá, bên bán kêu thấp quá nên lỗ...
Theo đồng chí Thắng, Cục Ðiều tiết điện lực hiện đang xây dựng một mẫu chung cho hợp đồng ký giữa hai bên khi xây dựng nhà máy điện. Khi được thông qua, các nhà máy khi đưa vào hoạt động cứ theo hợp đồng mà làm, sẽ không còn chuyện tranh cãi.
Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm được vận hành từ ngày 3-1-2007 với tám nhà máy phát điện tham gia, gồm: nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, Bà Rịa; Thủy điện Thác Bà, Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Thác Mơ và Ða Nhim - Hàm Thuận - Ða Mi. Theo đánh giá của Cục Ðiều tiết điện lực, kể từ khi triển khai cho đến nay, Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã dần hoàn thiện và cơ bản thực hiện đúng các quy định về công bố thông tin trên thị trường.
Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần xem xét lại: thời gian được chọn để bắt đầu triển khai vận hành thị trường là thời điểm hệ thống điện cung không đáp ứng cầu. Việc chào giá của tổ chào giá thay cũng tác động rất lớn đến vận hành thị trường. Hiện nay, A0 là đơn vị quyết định việc huy động hoặc không huy động phát điện tại các nhà máy nhưng lại cùng quyền lợi với EVN, điều này sẽ gây tâm lý không tốt cho các chủ đầu tư có nhà máy điện ngoài EVN.
Trên cơ sở phân tích đánh giá về vận hành thị trường thí điểm trong thời gian qua cho thấy, ngoài việc cần ban hành và bổ sung sửa đổi các quy định phục vụ vận hành thị trường điện cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp đối với các nhà máy điện chạy khí, trong điều kiện nguồn khí cung cấp chưa ổn định như hiện nay để các chủ đầu tư yên tâm bỏ vốn xây dựng ngân hàng điện, bảo đảm lợi ích của họ khi tham gia thị trường điện. Ðây là vấn đề có ý nghĩa quyết định để kêu gọi các nhà đầu tư của các thành phần kinh tế cùng tham gia giải quyết tình trạng thiếu điện kéo dài như hiện nay.