Từ đó, Tổng công ty đã có nhiều sản phẩm tự chế giúp tiết giảm lao động thủ công, đẩy nhanh tiến độ tái canh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tái canh trước thời hạn với vườn cây đạt chất lượng cao. Năm 2020, có hai sáng kiến đã được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo được áp dụng tại Tổng công ty tạo nên bước đột phá năng suất lao động. Trong đó có thiết kế, chế tạo thiết bị bón phân lót hố trồng cây cao-su.
Bộ phận quan trọng nhất của thiết bị này là phễu chứa 500 kg phân có khả năng tự động trộn phân không phân biệt phân viên hay phân bột. Nguyên lý hoạt động của phễu này là hoạt động bằng mô tơ có mâm xoay. Mâm xoay này điều chỉnh nhả phân vào hố khoan trồng tái canh cây cao-su. Phân sau khi trộn đều sẽ được bón theo liều lượng khoảng 3-5 kg/hố tùy theo định mức tính toán của Tổng công ty.
Ông Phạm Ánh Phương, Tổ trưởng tổ cơ giới Tổng công ty Cao-su Đồng Nai, cho biết: “Theo tính toán, mỗi phễu chứa đầy phân sẽ bón được cho khoảng 150-160 hố phân. Trung bình mỗi ngày, một máy như thế này mỗi ngày có thể thực hiện khâu bón phân cho khoảng 10-15 ha tùy theo địa hình và theo thời tiết. Như vậy, mỗi máy có thể thay thế cho 26-39 người lao động thủ công phục vụ bón phân. Ứng dụng này giúp chi phí bón phân giảm từ 1 triệu đồng còn 490 nghìn đồng/ha. Thiết kế mới này sẽ giúp công việc bón phân cho vườn cây cao-su tái canh của Tổng công ty trong năm 2020-2025 được thực hiện hoàn toàn bằng cơ giới.”
Đặc biệt hơn, những kỹ sư cơ khí của Tổng công ty Cao-su Đồng Nai đã mày mò thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị liên hợp 4 trong 1 (phá thành hố khoan, đảo trộn phân, lấp hố và lên luống hàng trồng cây cao-su).
Được ứng dụng trong mùa tái canh năm 2020, hệ thống liên hợp đã đem lại hiệu quả lớn cả về kỹ thuật và kinh tế. Về mặt kỹ thuật, dàn chảo cày không lật đất nhằm giảm thiểu việc xới xáo ảnh hưởng đến cấu trúc đất. Sử dụng cày ngầm một trụ có thể cày đến độ sâu 40 cm tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển. Phương pháp này giúp giảm công đoạn cày phục hoang, thay vào đó là cày ngầm trên hàng trồng, phần diện tích còn lại sẽ được thực hiện khi trồng thảm phủ hoặc cày chăm sóc theo quy định.
Về mặt lao động, công suất thiết bị có thể thực hiện 15 ha/ngày với bốn công đoạn đều được thực hiện một lần nhờ vào hệ thống liên hợp này nên có thể thay thế cho khoảng 30 lao động thủ công, giúp Tổng công ty chủ động thời vụ trồng kết thúc trước 31-7 hằng năm.
Theo chia sẻ của ông Phạm Ánh Phương, thiết bị liên hợp 4 trong 1 này còn mang lại hiệu quả là đáp ứng được thời vụ. Thiết bị này không phụ thuộc các yếu tố khác, có thể làm việc cả ngày thứ 7, chủ nhật, cả ngày lễ, Tết hoặc làm việc cả buổi tối để kịp thời vụ. Khi máy đi qua, đất đai sẽ được tơi xốp, thông thoáng bảo đảm không khí, nước, dinh dưỡng đúng yêu cầu kỹ thuật đề ra, giúp cây cao-su sinh tưởng tốt ngay trong năm đầu.”
Giải pháp thiết bị liên hợp 4 trong 1 này là mô hình áp dụng đầu tiên trong ngành cao-su cả nước, giúp giảm bớt công đoạn chuẩn bị đất trồng tái canh cao-su . Theo tính toán, khi sử dụng thiết bị này trên vườn cây sẽ giúp Tổng công ty tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng/ha so với trước đây. Năm 2020, Tổng công ty tái canh hơn 1.226 ha sẽ tiết kiệm được gần 1,2 tỷ đồng. Hiện nay, Tổng công ty tiếp tục sử dụng thiết bị liên hợp để đẩy nhanh tiến độ tái canh chất lượng, hiệu quả trong năm 2021.
Việc cao-su Đồng Nai thiết kế và đưa và ứng dụng hai thiết bị quan trọng này đã mang lại hiệu quả đột phá, mở ra hướng đi mới cho ngành cao-su cả nước trong bối cảnh thiếu lao động thủ công và tiếp cận với tiến bộ ngành cao-su thế giới. Cũng từ thành công này, Tổng công ty Cao-su Đồng Nai sẽ tổ chức hội thảo giới thiệu hai sản phẩm này tiến tới sản xuất đại trà đề cung ứng trong ngành cao-su cả nước.