Tại Cao Bằng, huyện Trùng Khánh được sáp nhập từ hai huyện Trà Lĩnh, Trùng Khánh; huyện Hà Quảng được sáp nhập từ hai huyện Thông Nông, Hà Quảng. Mặc dù là huyện mới sáp nhập nhưng đến nay, công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tại hai huyện theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Đối với các chi bộ, Đảng bộ cơ sở sẽ hoàn thành tổ chức đại hội trong tháng 6-2020. Công tác chuẩn bị văn kiện, chuẩn bị nhân sự cơ bản hoàn thành chất lượng, đúng kế hoạch, đại hội Đảng bộ hai huyện dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 8-2020.
Ngay sau khi thực hiện sáp nhập huyện, Huyện ủy, HĐND, UBND hai huyện Trùng Khánh và Quảng Hòa đã sớm đi vào hoạt động; các huyện khẩn trương rà soát, sắp xếp, ổn định bộ máy tổ chức cán bộ, thực hiện việc bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí, phân công lại nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời, đã kịp thời bố trí nơi làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Nhờ đó, các cơ quan, đơn vị đã nhanh chóng ổn định, hoạt động hiệu quả triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Đánh giá về hiệu quả sau sáp nhập, lãnh đạo hai huyện khẳng định, sau sáp nhập, mở rộng diện tích, huyện có thêm tiềm năng, lợi thế thu hút các dự án đầu tư lớn, phát triển kinh tế, xã hội. Sáp nhập giúp giảm đầu mối đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, giảm chi phí đầu tư xây trụ sở làm việc và trang thiết bị phục vụ công tác, giảm chi lương thường xuyên.
Tuy nhiên, sau sáp nhập, trước mắt, tại hai địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cán bộ, công chức, viên chức dôi dư số lượng nhiều. Cơ sở vật chất, nơi làm việc nơi thừa, nơi thiếu; trụ sở làm việc một số đơn vị bỏ không, trong khi đó nơi làm việc của đơn vị chật hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu. Khối lượng công việc của cán bộ bán chuyên trách ở xóm tăng lên, địa bàn mới, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công việc…
![]() |
Đoàn công tác Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng làm việc với huyện Quảng Hòa.
Hai địa phương kiến nghị với đoàn công tác của tỉnh, số lượng công chức xã sau sáp nhập đang thừa, trong khi một số phòng, ban của huyện vẫn còn biên chế. Cần sớm có chính sách cho các cán bộ, công chức sắp xếp giữ chức danh cấp phó (bán chuyên trách) các tổ chức, đoàn thể, bởi hiện các trường hợp này được giữ nguyên đãi ngộ, nhưng hết thời gian mà chưa có chính sách sẽ thiệt thòi cho cán bộ, công chức. Các huyện cũng đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề về chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; đầu tư phát triển giao thông, hạ tầng khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện mới sáp nhập, thu hút đầu tư…
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng biểu dương tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức hai huyện mới sáp nhập, vừa giải quyết khối lượng công việc lớn trong sáp nhập, vừa chuẩn bị, tiến hành đại hội Đảng các cấp đúng kế hoạch, tiến độ, đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện hiệu quả, đúng kế hoạch các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng. Đồng chí đề nghị, thời gian tới, hai huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng cơ sở bảo đảm, chất lượng, tiến độ; tiếp tục chuẩn bị tốt cho đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.
Về những kiến nghị của hai huyện mới sáp nhập, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ đạo, Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND hai huyện họp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí phụ trách vấn đề đã kiến nghị; sau đó, huyện chủ động làm việc với sở ngành chuyên môn, sở ngành chuyên môn làm việc với huyện và giải quyết, báo cáo, tham mưu cho cấp trên để giải quyết triệt để kiến nghị xác đáng, cấp thiết của huyện. Trong đó, ưu tiên tập trung, sớm giải quyết vướng mắc trước mắt sau sáp nhập huyện, ổn định bộ máy, tổ chức, nơi làm việc; tạo thuận lợi cho huyện phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh; nâng cao đời sống vật chất,tinh thần của nhân dân.