“Canh lửa” cho những cánh rừng ven biển tại tỉnh Quảng Bình

Miền trung nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng, đang bước vào cao điểm nắng nóng, nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng, nhất là dải rừng phòng hộ, rừng sản xuất trên vùng cát ven biển rất cao. Lực lượng chức năng đang huy động hết quân số, phương tiện và thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Dinh Mười, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đi tuần tra phòng, chống cháy rừng.
Cán bộ, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Dinh Mười, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đi tuần tra phòng, chống cháy rừng.

Rừng phòng hộ ven biển của tỉnh Quảng Bình không chỉ có nhiệm vụ che chắn gió bão, hạn chế nạn cát bay, cát chảy cho các vùng dân cư mà còn có tác dụng giảm sự sa mạc hóa, tạo nguồn nước ngầm ở vùng cát phục vụ đời sống và sản xuất.

Diện tích rừng ven biển phía nam tỉnh Quảng Bình khoảng 20 nghìn ha, chủ yếu là cây phi lao nhằm mục đích phòng hộ. Những năm gần đây, địa phương đã chuyển một phần diện tích rừng, đất rừng sang phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hạ tầng vùng cát. Tuy sinh trưởng được trên vùng cát nhưng cây phi lao rất cằn cỗi, cây lá kim nên tán hạn chế. Bù lại, dưới các cánh rừng phi lao giữa triền cát trắng là mạch nguồn nước ngầm chảy về các làng quê ven biển, giúp người dân sinh sống ổn định từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lá, cành cây phi lao tuy nhỏ nhưng nhiều nên khi khô gãy đổ xuống thành lớp thực bì dày dưới gốc, tạo nguy cơ cháy rất cao.

Dưới cây phi lao còn có cây rười và cỏ đuôi chồn mọc thành trảng. Thân các loại cỏ này khô, dễ bén lửa cả khi còn tươi xanh. Khi cháy, cỏ rười, đuôi chồn nổ tanh tách và bắn tia lửa ra xa, thành tác nhân làm cho ngọn lửa dễ lan ra diện rộng. Theo các nhân viên bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình, còn nhiều loại cỏ khác mọc giữa cát mùa này thiếu nước, cháy khô tạo nên lớp thực bì dày gây nguy cơ cháy rừng với mức độ nghiêm trọng.

Mặt khác, trên diện tích rừng trên cát ven biển Quảng Bình có nhiều khu dân cư và tuyến đường, trong đó có tuyến đường tránh Quốc lộ 1A xuyên qua nên các hoạt động trong đời sống xã hội đều là nguy cơ gây cháy rừng như: Từ người dân hút thuốc trong quá trình vào rừng kiếm củi và cắt cỏ rười, xe khách bắc nam dừng chân cho khách nghỉ chân, vệ sinh cá nhân, người dân đốt vàng mã, dâng hương ở các nghĩa trang, đốt rác… 12 giờ ngày 5/7, một người dân đốt rác vô ý đã làm cháy hơn 1 ha rừng phi lao ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh. Giữa trưa nắng nóng và gió phơn tây nam thổi mạnh, nếu không có sự chủ động, huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy kịp của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình, chắc chắn thiệt hại của vụ cháy rừng còn lớn hơn rất nhiều.

Khoảng 8 giờ sáng, Trạm bảo vệ rừng Dinh Mười thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình chỉ có hai cán bộ, nhân viên có mặt để đón chúng tôi vì lịch hẹn từ trước. Anh Trần Văn Châu, phụ trách trạm cho biết, đơn vị có bảy người, trong đó có bốn người là hợp đồng bảo vệ rừng bán chuyên trách, được giao quản lý gần 4.000ha rừng, trong đó có gần 1.000 ha rừng phòng hộ thuộc bốn xã của các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Đây là các địa bàn trọng điểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

“Canh lửa” cho những cánh rừng ven biển tại tỉnh Quảng Bình ảnh 1

Lực lượng chức năng huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) dập lửa trong vụ cháy rừng trên cát ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh trưa 5/7.

Vì thế, ngay từ đầu năm, nhất là thời điểm bước vào mùa nắng nóng, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án, biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra cháy rừng. Trong đó, trạm tập trung vào việc tuyên truyền để nâng cao ý thức, tính tự giác và sự ủng hộ của người dân đối với công tác phòng, chống cháy rừng. Cùng với đó là việc xử lý thực bì có điều kiện. Tuy nhiên, việc phát đốt thực bì có nhiều khó khăn do diện tích rừng lớn, khối lượng nhiều nên mới thực hiện ở dọc tuyến đường tránh, một số điểm có nguy cơ cháy rừng cao ở các địa phương.

Cùng với anh Châu, chúng tôi đến chòi canh rừng nằm trên đồi cát trắng ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy. Chòi được xây dựng cao vút giữa đồi cát nên không gian quan sát khá rộng và xa. Ở đó, có hai người, một già, một trẻ hướng mắt theo bốn phương của chòi để phát hiện khói bốc lên giữa rừng. Ông Trần Hữu Cảm, ở xã Hồng Thủy, gần 75 tuổi nhưng còn tráng kiện, leo chòi canh rừng còn thoăn thoắt cho biết, đã gắn bó với rừng ven biển từ năm 1997 nên tọa độ nào, khu vực nào ở vùng rừng Hồng Thủy-Hải Ninh ông đều nắm rõ như lòng bàn tay.

Công việc bảo vệ rừng bán chuyên trách của ông là trong mùa nắng nóng, trực trên chòi canh từ sáng đến tối để nhìn, phát hiện dấu hiệu của khói bay giữa rừng, từ đó định ra vị trí rồi gọi điện báo cho trưởng trạm để kịp thời điều lực lượng đến hiện trường kiểm tra, dập lửa. Theo ông Cảm, công việc trực chòi canh đơn giản nhưng không được lơ là, bởi chỉ lơ đi vài phút thôi, khi khói bốc lên cao, lửa bén vào lớp thực bì cháy lan thì chữa cháy rất vất vả, thiệt hại lớn.

Mới 9 giờ sáng mà nắng nóng hầm hập. Gió phơn thổi ràn rạt càng làm cho không khí trên chòi canh cao gần 20m khô nóng hơn. Để giảm bớt sự nóng bức ấy, ông Cảm và anh em tự dùng các thanh tre và ít miếng bạt cũ đóng thành mái che tạm trên trần và bốn phía chòi. Ông còn buộc thêm sợi dây thòng xuống dưới đất để kéo nước chai uống, hộp cơm và vật dụng cá nhân từ dưới đất lên mỗi khi trực trên chòi.

Anh Châu cho biết thêm, nắng nóng như thế này mà ngồi trên chòi canh giữa vùng cát quả là rất vất vả nhưng nhờ họ mà các hiện tượng sinh khói đều được phát hiện sớm để ngăn chặn không cho tạo thành điểm phát lửa, bảo vệ cánh rừng. Chế độ thấp, công việc mệt nhọc, trạm chỉ động viên, chia sẻ là chính nhưng rất mừng là người nào cũng có trách nhiệm cao, trực gác nghiêm túc. Ngay tại chòi canh này, bên cạnh bác Cảm có nhiều kinh nghiệm còn có một thanh niên sinh năm 2000, vừa tốt nghiệp đại học cũng vui vẻ trở về nhận nhiệm vụ giữ rừng quê hương.

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình Nguyễn Đăng Sơn, trên cơ sở phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của đơn vị, các trạm bảo vệ rừng xây dựng phương án phù hợp từng địa bàn cụ thể, bố trí các điểm canh trực nhằm phát hiện và xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra; kiểm tra, tu bổ các chòi canh lửa, bảng tuyên truyền bảo vệ rừng, lắp đặt các biển cấm lửa, mua sắm thêm các trang thiết bị chữa cháy như xẻng, can đựng nước, máy thổi gió, tổ chức xử lý thực bì trước mùa nắng nóng.

Đồng thời, đơn vị tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các trạm bảo vệ rừng ghi chép vào sổ nhật ký trực, phân công ca trực, lịch trực tại các chòi canh lửa và các khu vực rừng dễ xảy ra cháy rừng, khu vực có thảm cỏ thực bì nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Nhờ chủ động phát hiện các tình huống nên thời gian qua, diện tích rừng do đơn vị quản lý xảy ra một số điểm phát lửa nhỏ nhưng được lực lượng tại chỗ và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngư Thủy, Hạt Kiểm lâm các huyện hỗ trợ kịp thời dập tắt, không để điểm phát lửa lan ra diện rộng.

“Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ tháng 4 đến nay, ở Quảng Bình hầu như không có mưa, trong khi nắng nóng gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Bởi vậy, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các trạm bảo vệ rừng trực bám địa bàn, thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động trước mọi tình huống, chuẩn bị tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy rừng, huy động lực lượng chữa cháy kịp thời, hiệu quả khi có cháy xảy ra”- ông Nguyễn Đăng Sơn nói.