Cánh hữu tạm thời vươn lên dẫn đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội Thụy Điển

Kênh truyền hình SVT đưa tin, khối cánh hữu ở Thụy Điển đã vươn lên dẫn đầu với khoảng cách sít sao trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 11/9 ở quốc gia Bắc Âu, vượt qua các đảng trung tả khi 55% trong tổng số đơn vị hành chính cấp quận của Thụy Điển công bố kết quả bỏ phiếu.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson (giữa, phải) tại điểm bầu cử Quốc hội gần Stockholm ngày 11/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson (giữa, phải) tại điểm bầu cử Quốc hội gần Stockholm ngày 11/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo dự báo, các đảng thuộc cánh hữu đang trên đà hướng tới kết quả giành thế đa số - 175 ghế trong tổng số 349 ghế tại Quốc hội Thụy Điển, trong khi phe trung tả chỉ có được 174 ghế.

Cuộc đua hiện vẫn diễn ra một cách sít sao, bởi vì vẫn còn số lượng lớn phiếu bầu đang được kiểm đếm.

Trước đó cùng ngày, kết quả của những cuộc khảo sát sau bỏ phiếu cho thấy khối trung tả, do đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Magdalena Andersson dẫn đầu, đã vượt lên trong cuộc bầu của Quốc hội Thụy Điển, đồng thời ghi nhận sự trỗi dậy của phe cực hữu.

Kết quả khảo sát được công bố trên kênh truyền hình TV4 dự báo khối 4 đảng cánh tả giành được 50,6% số phiếu ủng hộ của cử tri Thụy Điển, so với 48% của 4 đảng cánh hữu.

Trong khi đó, 1 cuộc khảo sát khác của kênh truyền hình SVT cho thấy, cánh tả giành được 49,8% số phiếu ủng hộ so với 49,2% của cánh hữu.

Cả 2 cuộc khảo sát nói trên đều cho thấy cánh hữu có khả năng lần đầu tiên sẽ trở thành đảng lớn thứ hai tại Thụy Điển.

Ngày 11/9, người dân Thụy Điển bắt đầu đi bầu cử Quốc hội. Nếu tiếp tục giành chiến thắng, đảng Dân chủ xã hội sẽ nắm cơ hội tiếp tục điều hành đất nước trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.

Trong chiến dịch tranh cử, Thủ tướng Andersson, 55 tuổi, hy vọng thuyết phục được các cử tri rằng đảng Dân chủ xã hội là 1 đảng vì những người dân thường, người lao động, bảo đảm môi trường sinh sống an toàn, việc làm tốt và tương lai ổn định cho người dân.

Trong khi đó, khối cực hữu đã tập trung vào những vấn đề “sát sườn” với cử tri như tội phạm, tình trạng mất đoàn kết nội bộ và giúp người di cư hòa nhập.

Sau cuộc bầu cử năm 2018, phải mất 4 tháng đàm phán giữa các đảng phái, Thụy Điển mới thành lập được chính phủ mới do đảng Dân chủ xã hội đứng đầu nhưng cũng là chính phủ thiểu số.

Do đó, theo giới quan sát, nếu cuộc bầu cử lần này cũng dẫn tới kịch bản tương tự thì mọi thứ sẽ khó khăn hơn nhiều, vì hiện cả 2 khối cánh tả và cánh hữu đều tồn tại những chia rẽ nội bộ - yếu tố có nguy cơ khiến tiến trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh sau bầu cử trở nên phức tạp hơn.