Cảnh giác với hành vi lừa xin việc để chiếm đoạt tài sản

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án mà các đối tượng giả danh cán bộ cơ quan nhà nước có thể xin việc cho người có nhu cầu vào làm trong các ngành công an, quân đội, hải quan… sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người xin việc, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước, gây mất trật tự xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang khám xét nơi làm việc của đối tượng giả danh cán bộ cơ quan Trung ương lừa đảo chạy xin việc. (Ảnh TIẾN DŨNG)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang khám xét nơi làm việc của đối tượng giả danh cán bộ cơ quan Trung ương lừa đảo chạy xin việc. (Ảnh TIẾN DŨNG)

Ngày 22/8/2023, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tuyên phạt bị cáo Trần Thượng Nam, 31 tuổi, trú tại quận Ba Đình (Hà Nội) 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tài liệu của vụ án, thông qua các mối quan hệ xã hội, Trần Thượng Nam biết anh Trần Đức Thụy, trú tại Hà Nội đang là nhân viên hợp đồng tại Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, có nhu cầu thi đỗ công chức tại Tổng cục Hải quan.

Sau đó, Nam tự giới thiệu với anh Thụy, bản thân có nhiều mối quan hệ nên có thể lo cho các trường hợp thi đỗ vòng 1 kỳ thi tuyển công chức của Tổng cục Hải quan hoặc thi đỗ công chức của Tổng cục Thuế. Tin tưởng Nam, anh Thụy đã đưa tiền để nhờ Nam xin cho mình cùng người quen thi đỗ vòng 1 kỳ thi tuyển công chức của Tổng cục Hải quan và thi đỗ công chức của Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Nam không thực hiện bất kỳ công việc gì để xin việc mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền 1,8 tỷ đồng. Cũng với thủ đoạn trên, Nam đã chiếm đoạt tiền của hai bị hại khác cùng quê Bắc Ninh, mỗi người 800 triệu đồng thông qua việc nhận tiền để bảo đảm thi đỗ công chức.

Cũng liên quan đến hành vi lừa đảo xin việc làm tại cơ quan nhà nước, trước đó, tại tỉnh Quảng Bình, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tạm giữ hình sự đối với Dương Trung Dũng, 48 tuổi, trú tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) và Trần Thị Hồng, 57 tuổi, trú tại huyện Đắk Tô (Kon Tum). Các đối tượng này được xác định đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo tài liệu điều tra, từ năm 2013 đến năm 2022, hai đối tượng trên lừa nhiều người với chiêu trò là có thể xin vào làm việc trong ngành công an, an ninh hàng không, xuất khẩu lao động và xin chuyển công tác, xin đi du học tại nước ngoài. Bước đầu xác định, nhóm này đã chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại là N.T.Th (trú tại xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) và M.X.C (trú tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy) với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Tiếp tục đấu tranh mở rộng chuyên án, đã xác định, Dương Trung Dũng và Trần Thị Hồng còn lừa hàng chục người khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, chiếm đoạt số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Mặc dù có nhiều vụ án về tội lừa đảo thông qua hình thức xin việc làm bị phát hiện, xử lý, nhưng nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có những đối tượng là cán bộ nhà nước, điển hình là vụ án xảy ra tại tỉnh Đồng Nai. Theo tài liệu điều tra, Bùi Thị Thu Hương là quân nhân chuyên nghiệp có nhiệm vụ nấu ăn tại Trường Sĩ quan lục quân 2 và có chồng công tác tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam Bộ.

Người nào có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tiền từ hai triệu đến ba triệu đồng, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là tù chung thân.

(Trích Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Thông qua các mối quan hệ, Hương đã hứa lo cho 2 người cháu của ông T.V.L, trú tại huyện Trảng Bom đi nghĩa vụ Công an nhân dân và sẽ lo cho đi học Cao đẳng Cảnh sát nhân dân với số tiền 850 triệu đồng. Sau đó, Hương đã xin cho 2 người này đi nghĩa vụ Công an nhân dân, nhưng chờ mãi không được đi học cao đẳng và tuyển vào biên chế ngành công an, ông T.V.L đòi lại số tiền đã đưa nhưng Hương không trả, do vậy ông T.V.L đã làm đơn tố cáo. Sau khi vụ việc xảy ra, Hương đã thôi phục vụ trong quân đội và bị bắt giữ. Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Bùi Thị Thu Hương 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hành vi lừa đảo thông qua những lời hứa hẹn xin vào làm việc tại các cơ quan nhà nước nhằm chiếm đoạt tiền và tài sản không phải là mới, nhưng hình thức ngày càng biến tướng tinh vi hơn. Những đối tượng lừa đảo thường khoe quen biết nhiều người có chức vụ trong các cơ quan nhà nước, thậm chí giả danh cán bộ cơ quan nhà nước để lừa đảo. Nhiều đối tượng còn hẹn gặp người có nhu cầu tìm việc tại cổng trụ sở của cơ quan nhà nước để tạo lòng tin nhằm dễ dàng chiếm đoạt tài sản. Phần lớn các vụ lừa đảo, sau khi nhận tiền của nạn nhân, đối tượng sẽ tìm các lý do để thoái thác trách nhiệm. Nhiều đối tượng sau khi nhận tiền đã bỏ trốn, thay đổi nơi cư trú, đổi số điện thoại.

Để ngăn ngừa, phòng chống, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức xin việc, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm để cảnh báo đến người dân; truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các đối tượng, không bỏ lọt tội phạm... Đối với người dân, khi có nhu cầu tìm việc làm, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị. Người dân cũng có thể đến tận nơi có nhu cầu tuyển dụng để tìm hiểu, không nên đặt niềm tin, giao tài sản cho các đối tượng để tránh trở thành “con mồi” của những kẻ lừa đảo ■