Cần tiếp tục nạo vét cửa sông Đà Nông

NDO -

NDĐT - Tuy đã được khơi thông, song nguy cơ tái bồi lấp cửa sông Đà Nông, huyện Đông Hòa (Phú Yên) tiếp tục diễn ra, khiến người dân lo ngại. Để cửa sông được mở rộng bền vững, nhiều người cho rằng cần nạo vét cát kết hợp với xây kè chống sạt lở, triều cường.

 Cửa sông Đà Nông đã được khai thông, tàu thuyền ra vào dễ dàng.
Cửa sông Đà Nông đã được khai thông, tàu thuyền ra vào dễ dàng.

Nằm cuối nguồn con sông Bàn Thạch, cửa sông Đà Nông thường xuyên bị bồi lấp, làm ảnh hưởng đến hoạt động của hơn một nghìn tàu thuyền của ba xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Trung. Những năm qua, ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền công suất lớn đi khai thác xa bờ, việc ra vào cửa sông càng khó khăn phức tạp hơn. Khi ra cửa đã khó, nhưng sau chuyến biển trở về, tàu không vào được, ngư dân buộc phải neo tàu ngoài biển hoặc tìm nơi khác để tiêu thụ hải sản, như phải đi vòng vào cảng Vũng Rô cách xa hơn 10 km để cập bến. Thực trạng này diễn ra nhiều năm qua, gây tổn thất cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng nghìn hộ dân trong khu vực.

Trước thực trạng này, năm 2002, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên làm chủ đầu tư, thực hiện dự án chỉnh trị cửa sông Đà Nông, với tổng mức đầu tư gần 42 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có nhiều sự cố trong quản lý, nên công trình đã bị tạm dừng. Do đó, một số hạng mục như: xây đập chắn cát, đê giảm sóng, kè bảo vệ chân đập sau đó bị hư hỏng hoàn toàn, và cửa sông Đà Nông tiếp tục bị bồi lấp trở lại.

Cần tiếp tục nạo vét cửa sông Đà Nông ảnh 1

Có thời điểm, cửa sông gần như bị bồi lấp hoàn toàn, mùa mưa, nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập úng nhiều khu dân cư, đồng ruộng. Trước năm 2000, cửa sông Đà Nông nằm ở khu vực Lò 3 thuộc khu phố Phú Thọ 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung và thường xuyên bị dịch chuyển, bồi lấp, có năm từ năm đến sáu lần. Sau đó, do tác động của sóng, cửa sông chuyển đến xóm Lăng, thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam (cách gần 3 km) cho đến nay. Trung tá Nguyễn Đình Nghĩa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) cho biết, trước đây, khi cửa sông chưa được khơi thông, hằng năm có từ 15 đến 20 tàu thuyền mắc cạn, bị sóng đánh vỡ, nhấn chìm, đơn vị phải thường xuyên tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khơi thông dòng chảy chống ngập úng ruộng đồng, khu dân cư các thôn Phước Giang (xã Hòa Tâm), Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam), ven cánh đồng khu phố Phú Hòa (thị trấn Hòa Hiệp Trung)… Chỉ tính riêng ở thôn Phú Lạc, trong năm 2009 đã có 12 chiếc thuyền bị sóng đánh chìm ngay cửa Đà Nông do bị mắc cạn, mỗi chiếc thiệt hại từ 50 đến 200 triệu đồng, trong số đó có nhiều tàu bị vỡ hoàn toàn.

Trước thực trạng này, tỉnh Phú Yên cho phép nhà đầu tư là Công ty Cổ phần BKG hợp tác kinh doanh tự bỏ vốn thực hiện dự án nạo vét khơi thông cửa sông Đà Nông. Với mục tiêu thoát lũ, hạn chế ngập úng cho khu vực thuộc hạ lưu sông Bàn Thạch. Dự án đã được triển khai từ tháng 4-2014, đến tháng 8-2014 đã kết thúc giai đoạn 1.

“Việc nạo vét, khơi thông dòng chảy đã giải quyết tình trạng cát bồi lấp, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng cá Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam và chống ngập úng. Tuy nhiên, về lâu dài, người dân đề nghị Nhà nước cần thường xuyên nạo vét kết hợp với xây kè chống sạt lở, triều cường, ngập úng mới bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra vào và đời sống, sản xuất của nhân dân”, ông Lê Triển, cán bộ hưu trí thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, nói. Cũng theo ông Triển, cửa sông được mở rộng, kết hợp cảng cá Phú Lạc đang xây dựng, nếu nhà nước đầu tư thêm kè kiên cố từ chân cầu Đà Nông bọc đến cảng cá Phú Lạc dài hơn 500m thì sẽ bảo đảm ổn định đời sống lâu dài cho cả khu vực.

Cần tiếp tục nạo vét cửa sông Đà Nông ảnh 2

Người dân xã Hòa Hiệp Nam đề nghị tiếp tục khơi thông cửa và xây dựng kè và cảng cá Phú Lạc, huyện Đông Hòa.

Sau khi thực hiện dự án, cửa sông Đà Nông đã được khơi thông rộng hơn 100m, sâu khoảng 10m, tàu thuyền có tải trọng vài chục tấn có thể ra vào an toàn. Việc nuôi trồng thủy sản cũng thuận lợi hơn do lưu lượng trao đổi, điều tiết nước biển qua cửa sông thông thoáng. Hiện, cửa sông bị tái bồi lấp phía bờ bắc, về lâu dài có thể sẽ bị bồi lấp hoàn toàn nếu không được nạo vét thường xuyên. Theo ông Triển, nạo vét, khơi thông cửa sông phải theo hình vại (trong to ngoài nhỏ) mới thông dòng chảy bền vững và thoát lũ nhanh.

Ông Nguyễn Văn Thoại, trưởng Ban lạch Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, cho biết, mấy năm trước cửa sông Đà Nông cạn còn hơn 1,5 m, rộng vài chục mét. Bà con chỉ khai thác được đến tháng 7 là nghỉ vì không ra vào được. Năm nay, cửa khai thông bà con làm biển quanh năm, rất mừng. “Vì vậy bà con rất mong nhà nước tiếp tục dự án mở rộng cửa Đà Nông, đẩy nhanh tiến độ cảng cá Phú Lạc đang xây dựng để sớm hoàn thành, để việc ra khơi đánh bắt của bà con ngư dân thuận lợi hơn. Khi cửa biển khơi thông, có cảng cá quy mô, chúng tôi còn phát triển được nhiều nghề dịch vụ đi kèm, cuộc sống ngư dân sẽ khá hơn”, ông Thoại nói.