Cần thiết bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh

NDO -

Thực tiễn dịch bệnh Covid-19 phức tạp chưa từng có trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu cần phải bổ sung quy định về các căn cứ tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp tại hội trường Diên Hồng. (Ảnh: DUY LINH)
Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp tại hội trường Diên Hồng. (Ảnh: DUY LINH)

Trong chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình, trong đó có nội dung đáng chú ý là bổ sung căn cứ tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.

Dự án Luật cũng đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, thảo luận trực tuyến và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại cuối kỳ họp này, vào ngày 13/11.

Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho tạm đình chỉ vụ án

Ngày 25/10, trao đổi ý kiến chung quanh dự án Luật, đa số các đại biểu tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định căn cứ tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Theo đại biểu Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa), thời gian qua, do diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau trong một thời gian tương đối dài. Điều này đã ảnh hưởng đến các hoạt động giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Việc không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để giải quyết nguồn tin về tội phạm dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền không xác định được có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án khi thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đã hết. Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng không thể quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì không có căn cứ theo quy định của luật.

Từ thực tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc kiểm tra, xác minh, giải quyết các vụ việc trong giai đoạn tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cũng như việc tiến hành các hoạt động điều tra, tố tụng của các cơ quan có thẩm quyền bị trì hoãn, kéo dài, do không thực hiện được các hoạt động cần thiết để xác định hành vi phạm tội, người phạm tội để khởi tố, điều tra, truy tố.

Cần thiết bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh -0

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) phát biểu từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra. Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm người phạm tội, đồng thời dẫn đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong khi việc đình chỉ không do lỗi chủ quan từ phía cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định pháp luật, đồng thời có thể phát sinh trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc ban hành các quyết định tố tụng đối với tổ chức, cá nhân, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do không được bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội thực tế gây ra.

Theo báo cáo của Công an và Viện kiểm sát cấp tỉnh, kể từ khi thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm hiện nay, có 171 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã gần hết thời hạn kiểm tra, xác minh, có 77 vụ án đã gần hết thời hạn điều tra nhưng chưa có căn cứ để ban hành quyết định tố tụng, có 111 vụ án đang gặp khó khăn, vướng mắc ở giai đoạn truy tố do không thể tiến hành được hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình diễn biến của dịch vẫn còn hết sức phức tạp, do đó, nguy cơ các vụ án, vụ việc bị đình trệ do thiên tai, dịch bệnh sẽ gia tăng nếu không có biện pháp tháo gỡ, giải quyết.

Vì những lý do trên, các đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định cho phép tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh trong điều tra, truy tố, xét xử là cần thiết, qua đó tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để có cơ chế kiểm soát đối với những người bị buộc tội do vụ án, vụ việc vẫn trong vòng tố tụng, trong khi các cơ quan có thẩm quyền tố tụng vẫn tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Việc bổ sung quy định này cũng góp phần thực hiện hiệu quả yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Cần quy định chặt chẽ, tránh lạm dụng

Tán thành việc cần phải bổ sung quy định về các căn cứ tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh cần quy định chi tiết, chặt chẽ nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu ý kiến cần làm rõ trường hợp nếu thiên tai, dịch bệnh xảy ra và kết thúc trong thời hạn điều tra, nhưng với thời hạn điều tra còn lại thì cơ quan điều tra cũng không đủ thời gian để kết thúc hoạt động điều tra. Trong trường hợp này, khi hết thời hạn điều tra thì cơ quan điều tra có được ra quyết định tạm đình chỉ hay không, lúc này thì thiên tai, dịch bệnh đã chấm dứt và nếu có thì tạm đình chỉ đến khi nào.

Cần thiết bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh -0

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Mạnh Cường phát biểu thảo luận tại hội trường. (Ảnh: DUY LINH) 

Từ đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị trong Thông tư hướng dẫn thi hành, cần phải quy định rất chặt chẽ về cấp độ thiên tai, dịch bệnh. Cùng với đó, cần xác định thời gian xảy ra thiên tai, dịch bệnh và các điều kiện cụ thể khác để tránh việc lạm dụng.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP Hồ Chí Minh) đề nghị giao Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân tối cao chủ trì phối hợp Bộ trưởng Công an, Quốc phòng và Chánh án Tòa án nhân tối cao quy định chi tiết nội dung này.

Trên cơ sở hướng dẫn của liên ngành Trung ương, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.

Trên quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Nguyễn Minh Trí nhấn mạnh, cần hiểu biện pháp tạm đình chỉ trong trường hợp này là biện pháp cuối cùng, là biện pháp kỹ thuật cần pháp luật cho phép để xử lý tình huống khi hết hạn điều tra, truy tố mà các cơ quan chức năng không thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm được do thiên tai, dịch bệnh, chứ không phải là do cơ quan chức năng không làm.

Lúc đó, nếu theo như luật hiện hành thì phải đình chỉ không tội và dừng hết các biện pháp tố tụng khác. Như vậy, có thể xảy ra tình trạng hàng loạt các đối tượng đang trong quá trình điều tra tố tụng được trả tự do về xã hội, trong đó không loại trừ có nhiều đối tượng thuộc trường hợp tội phạm đặc biệt nguy hiểm.

Chính vì vậy, biện pháp kỹ thuật này chỉ áp dụng trong trường hợp bất khả kháng, khi sắp hết hạn mà chưa kết luận được điều tra, cũng như chưa chi tiết được vụ việc, và phải có sự chọn lọc, kiểm soát để tránh bỏ lọt tội phạm.

Để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội giao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ trong các trường hợp này.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV