Diễn đàn chủ nhật

Cần thêm nhiều sách cho trẻ vùng cao

Từ ngày 28-30/10, chương trình “Phố sách tháng 10” được tổ chức tại Phố sách Hà Nội. Tại đây, diễn ra hoạt động quyên góp sách tặng trẻ em hai xã dân tộc miền núi Ma Thì Hồ và Pa Thơm thuộc tỉnh Điện Biên, nơi các em chưa có nhiều sách tiếng phổ thông để đọc.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN

Những năm trước, khi mùa đông đến, đặc biệt vào những dịp giáp Tết, nhiều hoạt động thiện nguyện được tổ chức, chủ yếu tập trung quyên góp quần áo ấm, giày dép, nhu yếu phẩm tặng đồng bào vùng cao. Nhưng thời gian gần đây, trong những chuyến hàng từ thiện đã có thêm nhiều cuốn sách cho các em nhỏ. Đó là một sự thay đổi đáng chú ý.

Nhà văn Cao Hồng, nguyên giảng viên Đại học Thái Nguyên kể, chị và các đồng nghiệp từng tổ chức nhiều chuyến thiện nguyện tặng quần áo, tất ấm, găng tay, giày dép cho trẻ em một số vùng sâu, vùng xa. Nhưng khi trở lại những nơi này, chị thấy các em hầu như không sử dụng, vẫn mặc phong phanh quần áo cũ, đi chân trần giữa mùa đông lạnh giá. Hóa ra những món quà từ thế giới văn minh vật chất không dễ thay đổi thói quen đã ăn sâu vào nếp sống có từ xa xưa của bà con dân tộc.

Những món quà nhu yếu phẩm tuy rất quý, nhưng chỉ giúp khắc phục khó khăn tức thời, chưa kể đồng bào không sử dụng vì không phù hợp. Sự thay đổi phải bắt đầu từ hiểu biết, nhận thức dẫn tới tự nguyện làm theo, thậm chí có những sáng kiến, cách làm phù hợp với văn hóa của đồng bào dân tộc, thì mới bền vững. Những lần sau, bên cạnh nhu yếu phẩm, phần lớn quà của các chị là sách, chủ yếu là sách văn học, với quan niệm chỉ có ánh sáng tri thức và văn hóa mới xua tan được bóng tối của sự đói nghèo…

Có một nghịch lý là, trẻ em thành phố rất thiếu hoặc không có thời gian đọc sách bởi đa số phải học thêm quá nhiều kiến thức và kỹ năng phục vụ thi cử, còn những lúc rảnh rỗi thì lại bị hút vào các thiết bị công nghệ hoặc chương trình giải trí trên các phương tiện nghe nhìn. Ngay cả người lớn ở thành phố cũng ít đọc sách vì những lý do tương tự.

Trong khi đó, tình cảnh của trẻ em vùng núi cao và vùng sâu, vùng xa thì ngược lại. Không chỉ thiếu phương tiện giải trí, các em còn vô cùng thiếu sách. Khi đến thăm một trường tiểu học ở miền núi tỉnh Thái Nguyên, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ngỡ ngàng khi biết đại đa số học sinh của trường chưa từng đọc một cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa!

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đến thăm, làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam hồi đầu năm 2022, Hội Nhà văn đã khởi xướng dự án “Sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa”. Theo dự án này, mỗi năm khoảng 50.000 đến 100.000 cuốn sách thiếu nhi hay nhất, tiêu biểu nhất trong kho tàng văn học Việt Nam sẽ được các nhà văn Việt Nam mang tặng các em thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.

Đây là các cuốn sách hoàn toàn mới chứ không phải sách cũ, đã qua sử dụng. Đáng chú ý là phần lớn sách sẽ tặng trực tiếp các em thiếu nhi, còn một phần nhỏ tặng thư viện nhà trường. Thay vì chỉ được đọc tại thư viện, vốn không thuận tiện với trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa, sau giờ học ở trường thường phải phụ giúp bố mẹ việc nhà, các em được mang sách về nhà tận dụng thời gian rảnh rỗi đọc sách, trao đổi sách với nhau và để các thành viên trong gia đình cùng đọc.

Nhiều em khi nhận những cuốn sách đầu tiên của dự án như Dế mèn phiêu lưu ký, Năm đứa trẻ xóm đồi hay Đất rừng phương nam và một số tuyển tập thơ thiếu nhi, đã vỡ òa sung sướng, ôm chặt lấy cuốn sách, như là món tài sản quý giá đầu tiên được sở hữu trong đời. Một khía cạnh nhân văn nữa là những cuốn sách này đều là sách in mới bằng nguồn lực xã hội hóa. Đây quả là một sự khởi đầu đẹp đẽ cho những hành trình trao tặng yêu thương, tri thức và cổ vũ văn hóa đọc cho các em nhỏ.

Những năm gần đây, chúng ta đã và đang có nhiều dự án đưa sách đến với học sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa như “1001 thư viện bản xa”, “Sách hóa nông thôn”, “Tủ sách vùng cao”, “Tủ sách yêu thương”, “Sách cho trẻ em vùng cao”… Đã có hàng nghìn tủ sách, hàng trăm thư viện, cùng đó hàng chục nghìn trẻ em được tiếp cận nguồn tri thức quý giá này; tuy nhiên so với con số hàng triệu trẻ em hiện nay, đặc biệt là trẻ em nghèo gặp khó thì số sách kia chưa đáp ứng được.

Bên cạnh sự nỗ lực của các cá nhân, tổ chức tình nguyện, rất cần có sự tham gia của toàn xã hội với sự điều tiết, bổ sung nguồn lực của các tổ chức, cơ quan nhà nước.