Cẩn thận với thuốc trừ sâu

Thuốc trừ sâu có mặt ở khắp nơi

Một khi TTS được sử dụng, sự tồn tại của nó ở khắp nơi, đến mức không kiểm soát được. Tùy thuộc vào loại thuốc và điều kiện môi trường như ô-xy, ánh sáng mặt trời, gió, nhiệt độ, độ ẩm, hoạt tính của đất, loại đất v.v...

TTS được phát tán đi rất xa nơi nó được sử dụng bởi gió, hơi nước, nước mưa, nước ngầm, sông suối, trong các mô cơ thể người và động vật. TTS thường biến đổi đi sau khi sử dụng thành một hoặc nhiều chất chuyển hóa mà các chất này có thể có tính chất hóa học và độc tính khác với hợp chất ban đầu. Trong nhiều trường hợp, các chất chuyển hóa bền vững và độc hơn loại TTS sử dụng ban đầu.

Thuốc trừ sâu: Một nguyên nhân gây ra các bệnh mãn tính

Những nghiên cứu về ảnh hưởng của TTS đến sức khỏe con người đặt trọng tâm vào hai khía cạnh, độc tính cấp tính là kết quả từ việc phơi nhiễm trong thời gian ngắn và độc tính mãn tính là kết quả từ việc phơi nhiễm kéo dài.

Sự phơi nhiễm của cơ thể con người đối với bất kỳ tác nhân nào trong môi trường thường diễn ra qua ba đường: hô hấp, ăn uống và tiếp xúc trực tiếp.

Khi TTS được tìm thấy trong nguồn nước cấp, thông thường chúng không hiện diện ở nồng độ đủ cao để gây ra các ảnh hưởng cấp tính đến sức khỏe như phỏng do hóa chất, buồn nôn hay co giật. Phần lớn, TTS chủ yếu hiện diện ở nồng độ vết (tức là ở nồng độ rất nhỏ) và mối quan tâm chủ yếu là khả năng gây các ảnh hưởng mãn tính đến sức khỏe con người như suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể (như gan, thận), rối loạn hệ thần kinh, khiếm khuyết về sinh sản.

Thuốc trừ sâu: Có thể là nguyên nhân gây ung thư

Các nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ cho thấy TTS có khả năng là một nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ một số bệnh ung thư ở nông dân.

Nông dân là đối tượng có rủi ro cao hơn so với các thành phần khác trong cộng đồng đối với một số bệnh ung thư: ung thư gan, ung thư lá lách, bướu ác tính ở da, đa u tủy, bệnh bạch cầu, ung thư môi, dạ dày, tiền liệt tuyến và não. Phơi nhiễm với thuốc 2,4-D; 2,4,5-T; mecoprop, acilfluorfen và các loại TTS khác đã từng được liên hệ với bệnh ung thư gan, lá lách không phải bệnh ung thư dạng Hodgkin. Phơi nhiễm với các loại thuốc diệt côn trùng cho thấy có mối liên hệ với các bệnh ung thư máu, u tủy và ung thư não.

Viện Ung thư quốc gia Mỹ đã ghi nhận một số bệnh ung thư ở trẻ em tại Mỹ đã và đang tăng lên gần 1% mỗi năm trong vòng nhiều thập kỷ gần đây. Theo nghiên cứu của viện này, việc gia tăng này có thể quy cho việc sử dụng TTS tại các đô thị. Năm 2003, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (US-EPA) đã công bố một nghiên cứu khoa học về những rủi ro ung thư ở trẻ em, đã kết luận rằng trẻ em ở độ tuổi 15 có rủi ro về ung thư cao gấp 3 lần so với người trưởng thành khi phơi nhiễm với các chất gây đột biến.

Các chất gây đột biến có thể gây ung thư bằng cách phá hủy các phân tử AND chứa cấu trúc di truyền và các chất này được tìm thấy trong một số loại TTS. Báo cáo cũng đã kết luận rằng việc sử dụng thuốc diệt côn trùng chứa organophosphate tại nhà đã làm tăng lên những rủi ro cho trẻ sơ sinh và trẻ em đang tuổi tập đi. Nhiều organophosphate độc cho não bộ và hệ thần kinh, đặc biệt có thể làm tổn thương cho não trong thời kỳ sơ sinh và tuổi niên thiếu.

Các nhà khoa học cũng đang tranh cãi về mối liên hệ giữa TTS có chứa organophosphate là loại có cấu trúc sao chép với cấu trúc của kích thích tố (hormone) estrogen và phá vỡ hệ thống nội tiết ở người và động vật hoang dại. Hệ thống nội tiết phức hợp ở loài người bao gồm một chuỗi các tuyến, cơ quan, mô tiết ra và đáp ứng lại các kích thích tố.

Kích thích tố đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động sinh sản ở người, sự phát triển của trẻ em và kiểm soát các chức năng của cơ thể. Do đó, bất kỳ sự phá vỡ nào đến hệ nội tiết có thể gây các ảnh hưởng sâu rộng. TTS gây các ảnh hưởng phá vỡ hệ nội tiết hoặc gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản là những loại TTS được sử dụng rộng rãi nhất, bao gồm các loại thuốc diệt cỏ alachlor và atrazine; thuốc diệt nấm như mancozeb và benomyl; và thuốc diệt côn trùng như carbaryl, dicofol, endosulfan, methomyl, methoxychlor, parathion và các pyrethroid tổng hợp.

Tránh phơi nhiễm với thuốc trừ sâu

Ảnh hưởng cụ thể của TTS đến sức khỏe do sự phơi nhiễm tùy thuộc vào nồng độ, khả năng hấp thu của cơ thể, thời gian các hợp chất bị đồng hóa và thải ra khỏi cơ thể ngắn hay dài và các yếu tố khác. Những hướng dẫn, tiêu chuẩn của TTS trong nước uống đặt ra mục đích giữ nồng độ của chúng ở mức thấp dưới mức được xem là có thể gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe ở người.

Tuy nhiên vì nhiều lý do cho đến nay, nồng độ chính xác mà ở đó sự phơi nhiễm đối với TTS thực sự gây ra một ảnh hưởng xấu cho sức khỏe vẫn chưa được biết, một lời khuyên của các nhà chuyên môn là nên tránh phơi nhiễm với TTS bất cứ khi nào có thể, dù nó hiện diện trong môi trường sống của chúng ta, trong thực phẩm hoặc trong nguồn nước.