Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Võ Văn Thưởng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của cử tri Đà Nẵng gửi đến Quốc hội, Chính phủ.
Nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí đến phòng, chống tiêu cực được Trung ương làm quyết liệt, đồng chí Võ Văn Thưởng dẫn chứng, từ việc chỉ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương thì nay đã có Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các tỉnh thành để phối hợp với nhau theo tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" trong giải quyết vấn nạn có tác động tiêu cực đến sự phát triển của đất nước.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, ngày 30/6 tới đây, Bộ Chính trị sẽ có hội nghị về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đánh giá 10 năm vừa qua, xác định quyết tâm chính trị cũng như là những biện pháp trong thời gian tới, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Tại hội nghị sẽ bàn sâu hơn như tăng cường lãnh đạo, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao. Cùng việc hoàn thiện thể chế để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, quy định pháp luật chặt chẽ, xử lý trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Cao hơn nữa, có chế độ chính sách tốt với cán bộ thì họ sẽ không muốn, không cần tham nhũng”, đồng chí Võ Văn Thưởng nói.
“Tại hội nghị này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ có những chỉ đạo quan trọng, quyết liệt đối với công tác này”, đồng chí Võ Văn Thưởng thông tin và khẳng định, sẽ không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với các án tham nhũng.
“Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm một cách kiên trì, nhân văn, có lý, có tình, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định pháp luật” đồng chí Võ Văn Thưởng nói, đồng thời dẫn chứng vụ Việt Á, vụ nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự và nhiều vụ khác đã được xử lý rất kiên quyết.
Liên quan những vấn đề về đất đai, đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, hiện các quy định pháp luật liên quan lĩnh vực đất đai cũng chồng chéo nên sẽ có sự chỉnh sửa để phù hợp. “Từ đây đến năm 2023 sẽ hoàn thành việc sửa đổi Luật Đất đai; kỳ này xác định nhà nước bảo đảm nguồn lực cho quy hoạch sử dụng đất và ngành, lĩnh vực có sử dụng đất”.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, cần tăng cường kiểm soát quyền lực trên tất cả các lĩnh vực, kể cả trong các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng,tiêu cực và đề nghị các cơ quan, ban, ngành cần tăng cường kiểm soát quyền lực trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe thông báo kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đa số cử tri Đà Nẵng cho rằng, Quốc hội đã linh hoạt điều chỉnh, bổ sung nội dung và chương trình kỳ họp; bảo đảm các hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và nhân dân, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội.
Cử tri đồng tình cho rằng, Trung ương đã nhìn nhận vấn đề quản lý đất đai một cách toàn diện, nhất là thẳng thắn trong công tác đánh giá tồn tại, hạn chế, với nhiều giải pháp về kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai.
Về công tác giáo dục và đào tạo, cử tri hoan nghênh, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã lắng nghe ý kiến nguyện vọng của cử tri, sáng suốt quyết định môn học Lịch sử là môn học chính thức bắt buộc. Thông qua giáo dục lịch sử; đồng thời giáo dục cả về truyền thống, nhân cách, niềm tự hào, tư tôn dân tộc cho mỗi công dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, các nhà trường cần quan tâm giáo dục về chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa giao tiếp, ứng xử, giáo dục kỹ năng sống.
Cử tri lên án mạnh mẽ những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên, làm giảm sút lòng tin của nhân dân.