Cần quyết liệt, cụ thể trong phòng, chống thiên tai

Vừa bước vào mùa mưa, lũ, đợt mưa lớn trên diện rộng từ ngày 22/5 đến nay đã gây ngập nặng ở nhiều tỉnh miền bắc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân. 

Ảnh minh họa. (Ảnh: VGP)
Ảnh minh họa. (Ảnh: VGP)

Theo thống kê từ các tỉnh bị ảnh hưởng mưa, lũ, đã có bốn người chết, sáu người bị thương, chủ yếu do sạt lở đất. Về tài sản, hơn 400 căn nhà hư hỏng, 27.000 ha lúa, rau màu hư hại và hơn 39km đường giao thông bị sạt lở.

Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa thể quên sự khốc liệt do những đợt mưa, lũ liên tiếp trong tháng 10/2020 tại miền trung đã gây hậu quả quá nặng nề, làm 249 người chết, mất tích, hàng trăm nghìn căn nhà bị ngập, hư hỏng với tổng thiệt hại hơn 36 nghìn tỷ đồng. Nhiều địa phương ở các tỉnh, thành phố miền trung vẫn đang phải tiếp tục khắc phục những thiệt hại do mưa, lũ gây ra để ổn định cuộc sống.

Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù các cơ quan chức năng liên tục có bản tin, công điện chỉ đạo; xác định rõ các điểm thường xuyên ngập lụt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, thế nhưng công tác phòng, chống ở cấp chính quyền cơ sở chưa được quyết liệt, chủ yếu mới chỉ ở các công đoạn thông báo cho nhân dân, chuẩn bị lực lượng, vật tư và khắc phục hậu quả, chứ chưa có biện pháp quyết liệt, cụ thể như rà soát cụ thể các khu dân cư, các căn nhà dân vùng dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trước mỗi đợt mưa; chưa có chế tài hay biện pháp quyết liệt để người dân tự phòng, chống thiên tai, chủ động bảo đảm an toàn sinh mạng khi mưa lớn, lũ quét xảy ra; chưa có phương án linh hoạt về cứu hộ, cứu nạn khi giao thông bị chia cắt, khu dân cư bị cô lập...

Thiệt hại do thiên tai, mưa, bão, lũ gây ra có nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân khách quan là lượng mưa lớn, dồn dập trong thời gian ngắn khiến xuất hiện lũ, gây sạt lở đất, tràn xuống các khu dân cư, đường giao thông, thì cũng còn không ít nguyên nhân chủ quan. Đó là nhận thức của nhiều người dân sinh sống ở vùng dễ xảy ra lũ, sạt lở đất chưa được nâng cao, vẫn còn tâm lý chủ quan, coi thường.

Thậm chí có nơi chính quyền cơ sở cũng chưa chú trọng các giải pháp đối phó thiên tai bất thường, vẫn chủ quan, lơ là, chưa quyết liệt chỉ đạo phòng, chống mưa, lũ, chưa có nhiều biện pháp cảnh báo hay triển khai rộng khắp trong nhân dân các biện pháp phòng, chống mưa, lũ hiệu quả; nhiều người dân vẫn mưu sinh, đi lại trong mưa, lũ.

Để hạn chế thấp nhất những nguy cơ, thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai, bão, lũ ngay từ bây giờ, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp rà soát lại các khu dân cư dễ bị ảnh hưởng của mưa, lũ, sạt lở đất; xây dựng các phương án cứu hộ, cứu nạn linh hoạt; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư đối phó mưa, lũ lớn và đặc biệt cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, để mỗi người dân tự giác, chủ động phòng, chống khi mùa mưa, bão đã đến.