Cần giải quyết dứt điểm vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng ở tỉnh Hưng Yên

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa bàn tỉnh Hưng Yên dài 19,3 km, đi qua bốn huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm.
0:00 / 0:00
0:00
Công trường thi công cầu Đồng Quê (thuộc đường vành đai 4), đoạn qua huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Công trường thi công cầu Đồng Quê (thuộc đường vành đai 4), đoạn qua huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Đây là công trình trọng điểm quốc gia và mặc dù đã quá thời hạn bàn giao song đến nay mặt bằng đi qua huyện Văn Giang vẫn là một điểm nghẽn khiến việc thi công chưa thể thực hiện. Nguyên nhân là do nhiều người dân của Trạm Thực nghiệm Văn Giang chưa đồng thuận với phương án hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Trạm Thực nghiệm Văn Giang có nguồn gốc là Trại Chăn nuôi Thống Nhất, thành lập từ năm 1958, hoạt động theo chế độ bao cấp, có nhiệm vụ chăn nuôi dự trữ thực phẩm cho Trung ương và quân đội. Đến năm 1994, Bộ Thương mại đã chuyển giao Trại Chăn nuôi Thống Nhất sang Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) với cơ chế hạch toán thu chi, không thuộc biên chế quỹ lương sự nghiệp khoa học.

Sau nhiều lần thay tên, đổi cơ quan chủ quản, đến năm 2007, Trại Chăn nuôi Thống nhất có tên gọi là Trạm Thực nghiệm Văn Giang (trực thuộc Viện Di truyền nông nghiệp) với tổng diện tích đất là 69,93 ha, nằm trên địa phận hai huyện Văn Giang và Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Do không có biên chế, nguồn kinh phí để tổ chức sản xuất nông nghiệp và trả lương cho công nhân, nhiều năm qua, Trạm Thực nghiệm Văn Giang có chủ trương giao khoán đất sản xuất nông nghiệp cho công nhân và thu một phần để làm nguồn kinh phí trang trải mọi hoạt động. Nhờ có việc giao khoán và nộp sản lượng mà các hộ dân có đất sản xuất, tạo nguồn thu, ổn định cuộc sống. Việc giao khoán và thu sản lượng vẫn duy trì cho đến nay.

Theo Dự án đường vành đai 4, Trạm Thực nghiệm Văn Giang sẽ bị thu hồi với tổng diện tích hơn 87.000 m2, trong đó huyện Khoái Châu là gần 21.000 m2 và huyện Văn Giang là hơn 66.000 m2. Việc thu hồi đất đối với Trạm Thực nghiệm Văn Giang là phù hợp với quy định đất đai hiện hành.

Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, quá trình sử dụng đất và giao khoán đất sản xuất nông nghiệp của Trạm Thực nghiệm Văn Giang cho các hộ gia đình công nhân chưa phù hợp với quy định về Luật Đất đai qua các thời kỳ: 1993, 2003 và 2013. Bên cạnh đó, mặc dù năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 01-CP quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp Nhà nước có quy định về việc Trạm được phép giao khoán.

Nhưng đến năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2005/NĐ-CP về việc giao khoán đất nông nghiệp thay thế cho Nghị định số 01 năm 1995 thì lại không có đối tượng là Trạm được giao khoán.

Từ năm 2016, Chính phủ có Nghị định số 168/2016/NĐ-CP quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước cũng không nêu việc Trạm là đơn vị khoán. Ngoài ra, trong các hợp đồng giao khoán thực tế của Trạm Thực nghiệm Văn Giang đã thực hiện cho các cá nhân cũng chưa bảo đảm đầy đủ theo quy định về thời gian, thời hạn giao khoán.

Đối chiếu căn cứ các quy định của Luật Đất đai, Nghị định của Chính phủ và UBND tỉnh Hưng Yên về quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì không có cơ sở để bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản gắn liền với đất cho các hộ gia đình công nhân đang canh tác nhận giao khoán.

Mặc dù quy định là như vậy, nhưng với quan điểm không để người dân thiệt thòi khi thu hồi đất thực hiện công trình trọng điểm quốc gia, trên cơ sở thực tế cũng như nhìn nhận các vấn đề lịch sử trong việc giao khoán ở Trạm Thực nghiệm Văn Giang, nhiều ý kiến đã đề xuất các trường hợp nhận giao khoán sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp như đối với các trường hợp khi bị thu hồi đất nông nghiệp.

Đề xuất này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên chấp thuận và ban hành Thông báo số 920-TB/TU ngày 30/12/2022. Trên cơ sở này, UBND tỉnh Hưng Yên đã có thông báo về việc đối với các gia đình, cá nhân nhận khoán đất của Trạm Thực nghiệm Văn Giang có hợp đồng giao khoán đất trước ngày 15/2/2017 sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng tiền gấp 3 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng tiền theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 Quyết định số 03/2020/QĐ-UBND ngày 10/1/2020 của UBND tỉnh Hưng Yên.

Đây là một chủ trương nhân văn, kịp thời của Tỉnh ủy Hưng Yên để ổn định cuộc sống cho những người bị thu hồi đất. Thế nhưng trên thực tế chính sách lại được áp dụng một cách khác nhau. Theo đó, 19 hộ dân của Trạm Thực nghiệm Văn Giang trên địa bàn xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu đã nhận được tiền bồi thường tài sản trên đất, hỗ trợ ổn định đời sống và chuyển đổi nghề đúng như các thông báo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên.

Tuy nhiên, vẫn còn 24 hộ thuộc Trạm Thực nghiệm Văn Giang nhưng ở trên địa bàn huyện Văn Giang chưa được nhận tiền hỗ trợ giống như các hộ dân ở huyện Khoái Châu. Nguyên nhân là do Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Báo cáo 98/BC-TTr, ngày 27/2/2024 cho rằng việc Trạm Thực nghiệm Văn Giang ký hợp đồng giao khoán đất cho các cá nhân không đúng thẩm quyền, không đúng quy định.

Tài sản hình thành trên đất của các công nhân là không hợp pháp. Trên cơ sở này, UBND huyện Văn Giang xác định kinh phí để bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản gắn liền với đất đối với diện tích bị thu hồi đối với các hộ dân là 0 đồng. Đây là điều gây bức xúc cho rất nhiều người dân nơi đây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tài Anh, đại diện cho 24 hộ dân ở Trạm Thực nghiệm Văn Giang đóng trên địa bàn huyện Văn Giang cho biết, Báo cáo 98/BC-TTr ngày 27/2/2024 của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không phải căn cứ pháp lý để UBND huyện Văn Giang làm cơ sở xác định, bởi báo cáo này là văn bản gửi cho Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra, lịch sử hình thành Trạm đến nay do không có khả năng trả lương, công việc không đủ trang trải cuộc sống cho nên chúng tôi được chính đơn vị giao đất để canh tác và nộp sản lượng cho Trạm. Người dân phải vay mượn tiền để cải tạo vườn tược, đào ao thả cá, làm nên bờ xôi ruộng mật và nộp sản lượng cho Trạm Thực nghiệm Văn Giang.

Tính đến nay đã hơn 50 năm với hai thế hệ bồi đắp cho mảnh đất này, nhưng bao mồ hôi công sức bị phủ nhận hết, 24 hộ dân của Trạm hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Phạm Xuân Hội, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ khi được bàn giao đến nay, hoạt động của Trạm được duy trì theo phương thức quản lý cũ. Trong khi đó, Viện Di truyền nông nghiệp không có chế tài, công cụ và năng lực để thay đổi hiện trạng.

Bên cạnh đó, do đặc thù là một đơn vị sự nghiệp thì trạm còn có khu dân cư gồm có cán bộ, công nhân, cán bộ hưu trí với 605 nhân khẩu, 213 hộ dân sinh hoạt như một thôn, vì vậy có rất nhiều công việc Trạm phải giải quyết liên quan tới dân cư.

Do đó, mong muốn UBND tỉnh Hưng Yên có cơ chế đặc thù giúp cho các hộ dân thuộc Trạm nằm trên địa bàn huyện Văn Giang được hưởng hỗ trợ như bên huyện Khoái Châu để phù hợp với chính sách chung của tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quý Cử, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Văn Giang cho biết, để hỗ trợ cho các trường hợp của Trạm thì huyện chỉ có thể vận dụng trong việc hỗ trợ khác khi Nhà nước thu hồi đất và các thông báo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng ý về việc hỗ trợ, nhưng đó không phải là văn bản pháp lý của cấp có thẩm quyền để áp dụng.

Do đó, việc này phải được Chủ tịch UBND tỉnh xem xét và ra quyết định chính sách hỗ trợ. Còn ông Nguyễn Quốc Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết, UBND huyện Văn Giang sẽ tiếp tục kiến nghị với các cấp có thẩm quyền đề nghị quyết định cơ chế, chính sách đặc thù.

Đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, mặc dù hiện tại xác định kinh phí bồi thường là 0 đồng, nhưng nếu UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản quyết định phê duyệt việc hỗ trợ thì công việc kiểm đếm tài sản, hoa màu của các hộ dân đã thực hiện đầy đủ, vì vậy việc tính toán sẽ rất nhanh chóng và sẽ giải quyết ngay cho các hộ dân.

Mới đây, tại phiên họp lần thứ 12 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã nêu công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án còn chậm, trong đó có tỉnh Hưng Yên.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương cần tăng cường làm việc trực tiếp với người dân, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các quy định của pháp luật để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân. Vì vậy, 24 hộ dân của Trạm Thực nghiệm Văn Giang đang mong chờ UBND tỉnh Hưng Yên sớm có quyết định cuối cùng để UBND huyện Văn Giang làm cơ sở pháp lý thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân, sớm đưa dự án vào thi công nhằm tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương.