Cần có cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên đường vành đai

NDO -

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, cần có cơ chế đặc thù về khai thác quỹ đất hai bên đường vành đai bởi đây là nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường, sáng 10/6. (Ảnh: LINH KHOA NGUYÊN)
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường, sáng 10/6. (Ảnh: LINH KHOA NGUYÊN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, sáng 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về khai thác quỹ đất hai bên đường

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường tán thành với sự cần thiết phải xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Ông cho rằng, việc hình thành các tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, làm giảm áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng.

Đại biểu nêu rõ, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là đường cao tốc của vành đai, khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác. Do đó, khi hai tuyến đường cao tốc này hình thành thì không gian lân cận hai bên đường sẽ hình thành các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối.

Theo đại biểu, đây là nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng. Để khai thác tốt nguồn lực này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù về khai thác quỹ đất hai bên đường.

Theo đó, cơ chế này được thực hiện theo phương thức: cùng việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai, cần quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường để hình thành các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường, không chỉ là đường song hành mà còn cả hệ thống đường kết nối trong khu vực.

Cần có cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên đường vành đai -0
 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. (Ảnh: LINH KHOA NGUYÊN)

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, việc khai thác không đúng sẽ gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn. Do đó, đại biểu đề nghị việc khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc cần phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, học tập các nước.

“Thông thường các nước làm những đường thoát vào trong đó mấy trăm mét thì mới có một khu siêu thị, khu dân cư, còn các đường cao tốc thì chỉ cho phép các trạm xăng, các điểm dừng chân, ăn uống nhẹ, chứ không cho phép các khu dân cư mở để cắm vào con đường cao tốc”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu rõ.

Thống nhất phương án đền bù giải phóng mặt bằng giữa các địa phương

Tham gia thảo luận, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) bày tỏ đồng tình cao với chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh với những căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn được phân tích, đánh giá nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Để hai dự án trên có thể triển khai nhanh và sớm phát huy hiệu quả, đại biểu cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ các công trình đường bộ trước đây về công tác quy hoạch. Theo đó, bên cạnh việc quy hoạch, hướng tuyến hành lang công trình thì cần đặc biệt coi trọng và đồng bộ hóa công tác quy hoạch đối với các khu đô thị dân cư, khu tái định cư, quy hoạch cảnh quan, môi trường, công trình thoát nước, tránh tình trạng ô nhiễm, mất cảnh quan và ngập lụt thường xuyên xảy ra như hiện nay.

Về công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu Tạ Đình Thi đánh giá, việc cả hai dự án đều tách riêng các hợp phần xây dựng công trình và giải phóng mặt bằng, phân chia thành các dự án thành phần, giao cho các địa phương chủ trì thực hiện sẽ thúc đẩy quá trình triển khai nhanh và hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và kinh phí.

Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét xây dựng khung giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư chung cho toàn dự án ngay từ đầu để tránh tình trạng so bì, khiếu kiện trong quá trình triển khai, đặc biệt đối với các khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Cần có cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên đường vành đai -0
 Đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) phát biểu ý kiến. (Ảnh: LINH KHOA NGUYÊN)

Đại biểu cũng cho rằng, cần cụ thể hóa trách nhiệm đầu mối của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tại dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án để công tác tổ chức thực hiện và quản lý dự án được thông suốt và hiệu quả.

Có chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu rõ, đây là các dự án liên vùng, đi qua nhiều địa phương, mà mỗi địa phương có chính sách đền bù tái định cư khác nhau.

Đại biểu đề xuất Chính phủ giao TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là đầu mối tổ chức thực hiện, nhưng cũng cần làm rõ vai trò, đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù, nhất là đối với các địa phương có đất liền kề nhau mà địa giới hành chính lại khác nhau.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV